Daymond John – người “hô biến” 40 USD thành 6 tỷ USD
Trước khi Shark Tank khiến Daymond John nổi tiếng khắp nơi, John đã là một doanh nhân thành đạt với vai trò người sáng lập, chủ tịch và CEO của FUBU – một nhãn hàng thời trang hip hop. Tất cả đều bắt đầu từ chiếc máy may của mẹ John cùng 40 USD vốn khởi nghiệp. Hiện nay, FUBU đã phát triển thành doanh nghiệp có giá trị 6 tỷ USD.
Trước đây, John thường nhìn chăm chăm vào đường chân trời Manhattan, nơi có tòa nhà biểu tượng cho thành công và tham vọng: Empire State Building. Hiện nay, văn phòng của công ty John đã trải dài khắp tầng 66 của Tòa nhà Empire State – một trong những địa điểm danh tiếng nhất New York.
Từ 40 USD đến 6 tỷ USD
Vào cuối những năm 80, John nhận thấy hip hop sẽ ngày càng phát triển. Tiếng nói của những người da màu ngày càng được ghi nhận, và ông muốn mình trở thành một phần của phong trào đó. “Họ đã bắt đầu thể hiện ước mơ, hy vọng, sự đấu tranh của mình tại các cộng đồng và thành phố. Họ thể hiện điều đó thông qua âm nhạc.”, ông nhớ lại.
Doanh nhân này bắt đầu thiết kế áo T-shirt mà ông tin rằng nó phù hợp với những khách hàng thành thị trẻ tuổi. Ông may các sản phẩm vào ban đêm và sau đó quay các clip ca nhạc – trong đó các rapper mặc trang phục của John. Ban ngày, John vẫn làm việc tại nhà hàng Red Lobster.
“Tôi trở về nhà vào ban đêm, may áo, sáng sớm hôm sau đi giao áo và sau đó tiếp tục làm việc tại Red Lobster để có tiền trang trải cuộc sống”, John nói. “Nhưng tôi muốn theo đuổi giấc mơ của mình, vì vậy tôi phải từ bỏ những điều khác.”
Cuối cùng, ông cũng có thể dành toàn tâm toàn ý cho công việc may mặc. Với 40 USD và 3 người bạn, ông sáng lập ra FUBU ( viết tắt của For Us By Us – Cho chúng ta bởi chúng ta).
Cảm giác ‘đặc biệt’: Vô giá
Trong suốt sự nghiệp của mình, doanh nhân nổi tiếng này đã gây dựng được thương hiệu và làm việc với những người nổi tiếng như Kardashians, LL Cool J hay Lennox Lewis.
Năm 2015, Tổng thống Obama đã chỉ định John là một trong 9 đại sứ Tổng thống của chương trình Doanh nhân toàn cầu. Một trong những lý do khiến John đầu tư vào Shark Tank là ông nhận ra những giá trị hỗ trợ bên ngoài mà chương trình mang lại.
“Tôi tin rằng chìa khóa để thành công là khiến cho ai đó, hoặc nhiều người cảm thấy mình đặc biệt”, John chia sẻ.
John đánh giá cao mẹ của mình, người từng làm tiếp viên hàng không cho American Airlines. Bà đã giúp ông có được cảm giác coi trọng bản thân – động lực thúc đẩy John vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.
“Tôi mắc chứng khó đọc. Tôi không biết điều đó cho đến 10 năm trước. Mẹ không bao giờ khiến tôi cảm thấy đó là chuyện gì to tát. Bà ấy chỉ cần biết rằng tôi có thể học tốt môn toán, xuất sắc trong các môn khoa học. Và nếu tôi gặp vướng mắc nào với việc đọc, chỉ cần cố gắng nhiều hơn nữa.“, John kể lại.
Tôi thích nghe về những thất bại
Không giống như câu ngạn ngữ nổi tiếng nói rằng để kiếm tiền bạn cần có tiền. John lại nghĩ việc túng thiếu có thể thúc đẩy sự sáng tạo.
“Tôi nhận ra rằng hầu hết những thời điểm mà tôi đạt được một thành công đáng kể, thì tiền bạc không phải yếu tố quan trọng trong đó.”
Theo triết lý kinh doanh của John, thất bại là một phần tất yếu trong quá trình học tập, điều mà ông rút ra khi quyết định đầu tư vào Shark Tank.
“Tôi thích nghe về những thất bại. Tôi muốn biết rằng mình đang làm việc với những người đã thử điều này, điều kia. Trước đây nó có thể không hiệu quả, nhưng giờ nó lại thành công bởi vì tôi không muốn biến tiền của mình thành học phí.”
“Các doanh nhân không chỉ đi theo ‘thành công, thành công, thành công và thành công. Họ có thể ‘thành công, thành công, thất bại và rồi lại thành công.”, John nhắn nhủ.
Nguồn: NDH
Có thể bạn quan tâm: Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ