fbpx

Để tránh bị thâu tóm ‘thù địch’, phải hoàn thiện khung pháp lý

Dịch Covid-19 đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, làm dấy lên mối lo các thương hiệu trong nước sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài nhân cơ hội này thâu tóm. Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tự bảo vệ mình trước nguy cơ này, việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động thâu tóm công ty nên được cân nhắc.

Lo thâu tóm “thù địch”

Việc thâu tóm công ty có thể diễn ra theo hướng “thân thiện” (friendly takeover) hoặc “thù địch” (hostile takeover). Hoạt động thâu tóm thân thiện sẽ diễn ra khi nó dựa trên sự đồng thuận giữa ban quản trị hai công ty chào mua và công ty mục tiêu nhằm hướng đến tính hiệu quả và lợi ích chung cho cả hai bên. Trái lại, khi công ty chào mua có ý định thâu tóm công ty mục tiêu, nhưng không có được sự ủng hộ của ban quản trị công ty mục tiêu, thì hoạt động thâu tóm “thù địch” sẽ diễn ra.

Bên chào mua sẽ tiến hành thâu tóm cổ phần trực tiếp từ các cổ đông của công ty hoặc thông qua phương thức tranh thủ sự ủy nhiệm từ các cổ đông để nắm quyền quyết định bầu ban quản trị mới, nhằm chi phối công ty mục tiêu.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang tổn thương về mặt kinh tế và giá trị thị trường suy giảm, các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn lực tài chính lớn có thể dễ dàng thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt với chi phí hấp dẫn(1).

Để tránh bị thâu tóm 'thù địch', phải hoàn thiện khung pháp lý

Pháp lý chưa chặt chẽ, chỉ mang tính nguyên tắc

Hoạt động thâu tóm “thù địch” không phải lúc nào cũng hướng đến hiệu quả trong hoạt động của công ty mục tiêu. Các thương vụ hậu thâu tóm “thù địch” thường kéo theo một số vấn đề tiêu cực như quyền lợi của các cổ đông công ty mục tiêu không được đảm bảo (ép giá, quyết định bán hoặc không bán khi thiếu thông tin…), thay thế bộ máy lao động hoặc công nghệ, tác động đến môi trường cạnh tranh của nền kinh tế hoặc thậm chí là hiện tượng “chảy máu thương hiệu Việt”.

Do vậy, pháp luật các nước phát triển đều dành không gian để điều chỉnh các hoạt động này, theo đó các hình thức thâu tóm hoặc sáp nhập nói chung đều được điều chỉnh nhằm hạn chế các vấn đề vừa nêu.

Tại Anh, từ năm 1968, Hội đồng thâu tóm (HĐTT) đã được thành lập với vai trò như là một cơ quan độc lập chuyên trách vấn đề thâu tóm và sáp nhập. Đạo luật thâu tóm sau đó được ban hành với mục tiêu bảo đảm cổ đông công ty mục tiêu luôn được đối xử công bằng, cung cấp quy định khung cho hoạt động thâu tóm và tăng cường tính minh bạch của thị trường tài chính.

Các nước khác như Mỹ hay Nhật Bản cũng có những quy định tương tự nhưng phân tán các quy định vào các đạo luật có liên quan.

Tại Việt Nam, khái niệm về thâu tóm công ty dường như chưa được quy định một cách minh thị, quy định mang tính phân tán ở nhiều văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh. Đồng thời, các quy định hiện hành điều chỉnh hoạt động này vẫn còn mang tính nguyên tắc, chưa đủ chặt chẽ để hạn chế được những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động thâu tóm.

Sự lúng túng trong việc kiểm soát tác động của thâu tóm đã thể hiện rõ trong thời gian vừa qua khi đứng trước thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm do những tổn thương mà dịch Covid-19 đã gây ra. Có đề xuất cho rằng Chính phủ nên tạm dừng thủ tục góp vốn mua cổ phần để hạn chế việc doanh nghiệp Việt bị thâu tóm. Nhưng phương án này chỉ mang tính chất tình thế và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến cơ chế thị trường.

Để bảo vệ được doanh nghiệp Việt Nam và các cổ đông trước hoạt động thâu tóm “thù địch”, cần phải nhanh chóng bổ sung vào hệ thống pháp luật Việt Nam nhiều quy định về phòng vệ thâu tóm, vai trò và trách nhiệm của ban quản trị công ty hay quy trình kiểm soát hành động thâu tóm.

Để tránh bị thâu tóm 'thù địch', phải hoàn thiện khung pháp lý

Phòng vệ thâu tóm

Đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, công ty mục tiêu đôi khi không thể chỉ đơn giản từ chối hoặc yêu cầu cổ đông từ chối lời đề nghị mua, vì bên chào mua có thể áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để chiếm được quyền biểu quyết trong doanh nghiệp.

Cơ chế phòng vệ thâu tóm là các biện pháp kỹ thuật mà ban quản trị của công ty mục tiêu có thể thực hiện nhằm làm tăng chi phí thâu tóm hoặc làm giảm giá trị kỳ vọng của bên mua, từ đó làm cho bên mua từ bỏ việc thâu tóm.

Theo thông lệ, có một số biện pháp phòng vệ cơ bản thường được áp dụng như phát hành quyền chọn mua ưu đãi cho cổ đông hiện hữu (poison pill), phân tán tài sản mục tiêu thông qua đối tác chiến lược (white knight) hoặc thậm chí là thâu tóm ngược lại đối thủ (pacman).

Pháp luật các nước không quy định về các biện pháp phòng vệ cụ thể mà tập trung vào cơ chế giao quyền cho các ban quản trị công ty mục tiêu. Theo đó, một quy trình pháp lý nghiêm ngặt để hướng dẫn hành động của ban quản trị được đặt ra. Quy trình pháp lý này phải được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc nền tảng: (1) đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích của cổ đông và (2) ngăn ngừa các rủi ro đạo đức trong hành động của ban quản trị.

Đồng thời, pháp luật cũng không đặt ra những cản trở cho việc thực hiện biện pháp phòng vệ. Ở Việt Nam, nhận thức về phòng vệ thâu tóm chưa thật sự phổ biến. Thực tiễn cho thấy việc tiến hành các biện pháp phòng vệ không thật sự đa dạng.

Biện pháp thường xuyên được áp dụng là mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ để “cô đặc” quyền sở hữu, kích cầu nâng giá cổ phiếu công ty và hạn chế khả năng tiếp cận cổ phiếu công ty của bên chào mua. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành lại không cho phép các công ty được quyền mua cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ khi cổ phiếu của công ty đang là đối tượng của chào mua công khai.

Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện cơ chế phòng vệ của các công ty mục tiêu.

Vai trò và trách nhiệm của ban quản trị

Mặc dù quyền quyết định bán phụ thuộc vào cổ đông, nhưng ban quản trị doanh nghiệp mục tiêu có vai trò then chốt trong việc bảo vệ doanh nghiệp trước các đợt thâu tóm. Ban quản trị là người hiểu rõ nhất tiềm năng của doanh nghiệp, tư vấn cho các cổ đông và thực hiện các cơ chế phòng vệ.

Trong khi đó, đại bộ phận cổ đông thường không thể tiếp cận đến mọi vấn đề thường nhật của doanh nghiệp, dễ dàng chấp nhận sang nhượng cổ phần khi công ty bị thị trường định giá thấp hơn thực tế hoặc thậm chí là tạo cảm giác hoảng sợ để ép giá(2).

Tham khảo kinh nghiệm của Anh, đạo luật thâu tóm có những quy định nghiêm ngặt đối với trách nhiệm của ban quản trị trước hoạt động thâu tóm “thù địch”. Theo đó, ban quản trị phải đảm bảo lợi ích toàn diện của công ty và không được phủ nhận cơ hội quyết định của cổ đông. Ban quản trị phải nhanh chóng lấy ý kiến từ các nhà tư vấn độc lập đủ năng lực, phân tích đầy đủ mặt lợi – hại của lời chào mua để tư vấn cho cổ đông.

Pháp luật Việt Nam về cơ chế phòng vệ thâu tóm khá đơn giản khi quy định trách nhiệm chung của ban quản trị xoay quanh việc bảo vệ “lợi ích chung” của doanh nghiệp. Trong trường hợp cổ phiếu công ty là đối tượng của chào mua công khai, hội đồng quản trị công ty mục tiêu phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông tin cho cổ đông hoặc nhà đầu tư biết ý kiến của công ty mục tiêu đối với đề nghị chào mua công khai.

Tuy nhiên, giá trị pháp lý của ý kiến này hay cơ chế hình thành nên ý kiến, trách nhiệm ràng buộc đối với hội đồng quản trị khi đưa ra ý kiến vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ của pháp luật. Như vậy, chưa kể đến những rủi ro đạo đức, việc thiếu cơ chế cụ thể quy định vai trò của ban quản trị công ty như hiện nay sẽ khiến nhiều công ty rơi vào thế lúng túng khi đối thủ nước ngoài tiến hành các hoạt động thâu tóm.

(*) ThS, trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

(**) ThS, trường Đại học Liverpool John Moores

(1) Có thể tham khảo thương vụ thâu tóm J. Sears Holdings (1953) của triệu phú người Anh Charles Clore. Khi nhận thấy J. Sears Holdings được thị trường định giá thấp hơn giá trị thực tế, Charles đã chào mua cổ phần của công ty này. Mặc dù vấp phải sự phản đối của ban quản trị, các cổ đông đều đồng ý bán cho Charles. Ngay sau khi thâu tóm, ông nhanh chóng thanh lý tài sản của J. Sears Holdings mang về một khoản lợi lớn tức thì cho mình. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm “thù địch” được ghi nhận sớm nhất ở Anh.

(2) Có trường hợp bên thâu tóm chào mua theo hình thức ai đến trước sẽ được phục vụ trước (first come first serve), tạo tâm lý hoảng loạn cho cổ đông nhỏ lẻ. Bởi khi bên thâu tóm đã thu mua được đa số cổ phần, các cổ đông nhỏ lẻ có thể dễ dàng bị ép giá. Đây là thực trạng phổ biến ở Mỹ trước khi Luật Williams được ban hành.

Nguồn: thesaigontimes

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề