Doanh nghiệp hoàn hảo – Phiên bản lý tưởng mà mọi nhà đầu tư giá trị hằng ao ước
Một doanh nghiệp hoàn hảo sẽ trường tồn. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có khả năng chống lại các đối thủ cạnh tranh.
Hãy khởi đầu với lời khuyên của Plato. Plato khuyên rằng, nếu bạn muốn tìm ra một nguyên mẫu tốt nhất, hãy hình dung trong đầu hình mẫu hoàn hảo của thứ ấy – một phiên bản lý tưởng được coi là “hoàn hảo” – sau đó hãy tìm một hình mẫu thực tương đồng với hình mẫu mà bạn đã tưởng tượng.
Hãy xem chúng ta có thể dùng phương pháp hình dung về một “hình dạng” công ty hoàn hảo để giúp chúng ta tìm ra những công ty tuyệt vời không nhé.
Đây là danh mục 10 phẩm chất hàng đầu làm cho 1 doanh nghiệp hoàn hảo trong mắt nhà đầu tư mua tích trữ cổ phiếu
1. Doanh nghiệp đó phải đơn giản và dễ hiểu
Một doanh nghiệp đơn giản, dễ hiểu sẽ dễ quản lý hơn một doanh nghiệp phức tạp. Có ít vấn đề có thể xảy ra, mà nếu có xảy ra, cũng dễ khắc phục. Việc tiên đoán dòng tiền trong tương lai cũng dễ dàng, và khiến cho nhà đầu tư dễ xác định được giá trị của nó. Và hãy nhớ rằng, biết giá trị của một công ty là bạn biết tất cả.
2. Doanh nghiệp có một lợi thế độc quyền bền vững
Một doanh nghiệp hoàn hảo sẽ trường tồn. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có khả năng chống lại các đối thủ cạnh tranh. Thực tế cuộc sống cho thấy, ngành nào đang hái ra tiền, ắt có nhiều kẻ khác nhảy vào tranh ăn. Một doanh nghiệp hoàn hảo phải có những sản phẩm mà các đối thủ tiềm năng, vì nhiều lý do, không thể sao chép hoàn toàn được. Đó có thể là một công thức bí mật, một thương hiệu, hoặc cái giá phải trả để chuyển đổi sản phẩm, thương hiệu là quá đắt, quá phiền hà, hoặc nó có sự bảo hộ độc quyền từ nhà cầm quyền, hoặc chỉ đơn giản là chi phí thấp.
3. Doanh nghiệp đó bán ra một sản phẩm mà ai cũng sử dụng và phổ biến
Một công ty hoàn hảo bán ra những sản phẩm mà mọi người trên thế giới đều muốn dùng.
4. Doanh nghiệp đó bán ra các sản phẩm tạo ra các thói quen tiêu dùng
Một doanh nghiệp hoàn hảo làm ra một sản phẩm buộc mọi người phải mua đi mua lại, ngay cả khi tiền bạc không dư dả gì.
5. Có chi phí sản xuất thấp
Một doanh nghiệp hoàn hảo có chi phí sản xuất sản phẩm rất thấp, và chi phí này càng ngày càng giảm chứ không tăng khi sản lượng tăng.
6. Có giá bán của sản phẩm thấp
Một doanh nghiệp hoàn hảo sản xuất ra những sản phẩm mà bản thân nó có “chân” tự chạy đến người tiêu dùng.
7. Doanh nghiệp có biên lợi nhuận lớn
Một doanh nghiệp hoàn hảo có thể bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất, và có thể giữ mãi biên lợi nhuận cao này.
8. Doanh nghiệp có thể tăng giá bán khi lạm phát
Lạm phát chẳng khiến doanh nghiệp hoàn hảo này lo phiền. Nếu nhà cung ứng tăng giá, doanh nghiệp cũng tăng giá sản phẩm lên nhờ vậy mà lợi nhuận của họ không ảnh hưởng.
9. Doanh nghiệp có sản phẩm và quy trình vận hành khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Một doanh nghiệp hoàn hảo sẽ có một quy trình sản xuất không gây ô nhiễm và biết cách bảo vệ môi trường. Họ không bóc lột người khác để tăng lợi nhuận. Và sản phẩm của họ làm cho khách hàng tốt hơn lên, làm việc có năng suất hơn, và sống hạnh phúc hơn. Họ không vi phạm nguyên tắc vàng (Đó là: bạn hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn)
10. Ban điều hành hành động vì quyền lợi của những người chủ thực sự – những người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp – họ đầy nhiệt huyết, tận tụy và trung thực
Một doanh nghiệp hoàn hảo cần có một ban điều hành, mà cụ thể là CEO, người luôn vì thành công của mọi cổ đông – nhà đầu tư, nhân viên, nhà cung ứng, khách hàng, cộng đồng. Doanh nghiệp đó đối với họ phải như là cuộc sống, là hơi thở. Điều họ ghét nhất chính là sự thu vén cho bản thân mình và đánh đổi danh dự và trách nhiệm của họ với những người họ dẫn dắt.
Đối với tôi, 10 yếu tố kể trên tạo nên một doanh nghiệp hoàn mỹ. Tôi rất ao ước được sở hữu một doanh nghiệp mang đầy đủ 10 phẩm chất trên. Vấn đề duy nhất chính là công ty như thế không, thậm chí là không thể, tồn tại trên đời.
Doanh nghiệp hoàn hảo chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi
Một công ty vừa bán sản phẩm gây nghiện nhưng lại làm cho khách hàng trở nên tốt hơn, phi logic quá phải không? Liệu bạn có chấp nhận được một công ty vừa quảng bá sản phẩm của mình là một sản phẩm có tính “gây nghiện” lại vừa nói rằng công ty mình rất đạo đức? Thường những sản phẩm có thể tạo thành thói quen sử dụng, mang tính gây nghiện, như thuốc lá và bia rượu, sẽ làm cho người dùng giảm kiểm soát cuộc sống của chính họ.
Và liệu rằng một doanh nghiệp có biên lợi nhuận lớn có phải do hành vi trục lợi hoặc “làm thịt” khách hàng? Biên lợi nhuận lớn, chẳng phải tự thân nó định nghĩa, đã có nghĩa là “trục lợi” người khác rồi đó sao?
Một công ty có biên lợi nhuận lớn có thể tồn tại trong thương trường khá tốt, ngay cả khi công ty đó bán ra những sản phẩm có giá cả thấp hơn, là bởi vì dù bán ở mức giá thấp đó họ vẫn kiếm được khoản lợi nhuận dễ chịu. Như vậy “biên lợi nhuận lớn” cũng sẽ vi phạm Nguyên tắc vàng do công ty đưa ra? Liệu công ty có thể cùng lúc làm những điều tốt nhất cho các cổ đông, cho cả các khách hàng bằng việc nâng giá bán sản phẩm lên cao hết mức có thể.
Chúng ta tìm đâu ra những lãnh đạo chân chính và thành thật để điều hành công ty tuyệt vời ấy? Liệu có phải từ Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School – HBS) chăng? Sẽ không có nhiều lớp học dạy về đức tính thành thật tại HBS hay các trường kinh doanh khác đâu.
Và ban điều hành quan tâm đến lợi ích của chủ công ty là các cổ đông ư? Nhiều giảng viên dạy sinh viên rằng cổ đông không phải là những người chủ công ty. Nếu vị CEO của chúng ta còn không biết ai là chủ của mình, thì làm sao anh ta có thể hành động vì lợi ích của người chủ?
Đa phần những người theo học tại các trường kinh doanh danh tiếng đều đã cố gắng cạnh tranh với những người đồng trang lứa để được theo học, sử dụng một gia tài nho nhỏ chủ yếu để có tấm bằng MBA từ ngôi trường danh giá ấy. Với họ việc học chỉ là thứ yếu, bằng cấp mới là mục đích thứ thiệt. Sau khi tốt nghiệp, đa phần họ đều nhận ra rằng một thằng nhóc trải qua năm năm trong chương trình quản trị viên tập sự của Procter & Gamble đều biết tất cả những gì được dạy tại Harvard, thậm chí chúng còn hiểu rõ hơn họ. Nếu họ là người thành thật, họ sẽ bảo bạn rằng điều họ theo đuổi là danh vọng, vì tấm bằng ấy sẽ đưa họ đến với công việc tốt hơn, thăng tiến nhanh hơn, và đặc biệt, là nhiều tiền hơn, rất rất nhiều.
Những vị CEO trong tương lai ấy không phải là những Bill Gates hay Steve Jobs của thế giới. Jobs và Gates là những người đã bỏ học đại học để đi thay đổi thế giới. Còn những người tốt nghiệp từ những trường kinh doanh sáng giá, họ chỉ muốn leo lên nấc thang danh vọng mà thôi. Đó là lý do chúng ta, các cổ đông, thường bị bòn rút.
Ban điều hành đề bạt những người sống vì bản thân, sống cho riêng mình, mưu cầu mãnh lực đồng tiền và những đặc quyền đặc lợi do nó mang lại. Đã từng có thời 5 triệu đô la thu nhập mỗi năm đã là một con số lớn. Ở thời điểm hiện tại, con số đó phải là 20 triệu đô la mới làm họ thỏa mãn được. Nếu những người trung bình tốt nghiệp từ các trường kinh doanh nắm quyền điều hành công ty của bạn, bạn còn đang ở rất xa mới với tới được cái gọi là công ty hoàn hảo.
Hãy đối mặt với những điều này.
Nếu chúng ta dự định đầu tư, chúng ta phải chấp nhận những công ty chưa đạt đến mức hoàn hảo.
Vì rất ít doanh nghiệp hoàn hảo tồn tại, và càng ít hơn nữa những doanh nghiệp hoàn hảo có giá cổ phiếu ta có thể mua được. Chúng ta đành phải thỏa hiệp, chấp nhận những doanh nghiệp kém hoàn mỹ hơn. Chúng ta chỉ tìm kiếm những doanh nghiệp tuyệt vời thôi.
Nguồn: Trích sách Ngày đòi nợ
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)