Tiền đổ mạnh vào công ty chứng khoán
Theo thống kê, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD). Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.
Đây đã là quý thứ 3 liên tiếp, lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán ghi nhận tăng trưởng so với quý trước, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 7 quý. So với cuối quý III, con số này đã tăng khoảng 6.000 tỷ đồng và tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Không chỉ lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán gia tăng, mà nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính cũng được đẩy mạnh. Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý IV/2023 ước tính lên đến 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý III. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ trong 3 tháng cuối năm.
Về thanh khoản thị trường, từ đầu quý III/2023, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đã xuống ngưỡng 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn thanh khoản bùng nổ tháng 7-9/2023 với nhiều phiên đạt ngưỡng tỷ USD. Sang đến đầu tháng 1/2024, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều, chỉ quanh ở mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.
Nhiều ý kiến cho rằng lượng tiền khổng lồ nằm chờ trên tài khoản chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thị trường có tín hiệu để mua trở lại, và không rút tiền đi gửi các kênh đầu tư khác. Hay nói cách khác, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Việc thanh khoản giảm cũng được một số chuyên gia nhận xét là nhiều nhà đầu tư hiện chưa đẩy mạnh giải ngân do kỳ vọng thị trường điều chỉnh để có giá hợp lý hơn. Sức ép tài chính cận Tết Nguyên đán khiến nhà đầu tư rút một phần tài sản trên thị trường và bảo toàn những gì đang có để chờ nhập cuộc sau dịp nghỉ Tết cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Sẵn sàng “nhập cuộc” đầu xuân
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh DSC, nhìn chung hầu hết các năm, thị trường thường giao dịch tương đối ảm đạm và thanh khoản kém vào giai đoạn cận Tết âm lịch.
Đó là diễn biến rất bình thường khi trong một kỳ nghỉ lễ kéo dài (thường là 1 tuần), có rất nhiều sự kiện trong nước và thế giới sẽ xảy ra, và thực sự rất khó lường.
Nếu đó là những sự kiện xấu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ rất bị động. Do đó, lực bán hạ tỷ trọng là rất bình thường.
Thêm một lý do nữa là trong tuần nghỉ Tết, dù không giao dịch nhưng các vị thế vay margin vẫn chịu lãi vay, nên thường các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao sẽ thường hạ bớt áp lực. Nếu kỳ nghỉ lễ “êm ả” và không có sự kiện, thông tin xấu gì, sau đó thị trường sẽ tăng trở lại trong những phiên đầu xuân.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Chứng khoán KB cho rằng việc thu gọn các khoản đầu tư cũng là hoạt động tổng kết hiệu quả đầu tư của một năm. Nếu có đầu tư mới, nhiều nhà đầu tư có thể chờ cơ hội sau đợt nghỉ Tết. Bên cạnh đó, cũng có thể có sức ép tài chính cận Tết Nguyên đán hối thúc các động thái bán và rút một phần tài sản trên thị trường.
“Hiện tượng một lượng tiền lớn nằm chờ ở tài khoản ở các công ty chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc sau dịp nghỉ Tết”, ông Nhân nhận định.
Chuyên gia này cũng đưa ra dự báo, sau Tết, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh cho tới hết quý I/2024 trong bối cảnh những câu chuyện kém khả quan đã được hấp thụ trong năm 2023. Chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội vượt vùng đỉnh tháng 9/2023 (mức 1.255 điểm) ngay trong tháng 2/2024, thậm chí chinh phục mốc 1.300 trong quý I/2024.
Happy Live team sưu tầm/kinhtechungkhoan