fbpx

Dòng tiền đang chảy về kênh đầu tư nào?

Theo chuyên gia, các yếu tố bất lợi của thế giới bao gồm những lo ngại về sức khỏe của kinh tế Mỹ, diễn biến của đồng Yên và căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông…đang dẫn dắt tác động đến thị trường trong ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn tương đối ảm đạm với thanh khoản sụt giảm và chỉ số VN-Index biến động quanh vùng 1.200 điểm. Trong bối cảnh đó, lãi suất tiết kiệm đang có dấu hiệu tăng nhẹ, giá vàng cũng trên đường lập đỉnh cao mới. Vậy dòng tiền có rút khỏi chứng khoán hay không là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.

Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về triển vọng các kênh đầu tư trong giai đoạn cuối năm.

BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường toàn cầu đang trải qua những ngày đầy biến động sau khi tăng mạnh. Theo bà nguyên nhân vì sao? Và dòng tiền thế giới đang đi về đâu?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS)

Thực tế, thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu điều chỉnh độ cao trong vòng 1 tháng qua khi các chỉ số chính như Nasdaq, S&P 500, Nikkei đều giảm mạnh từ 5%-10%. Và lo ngại càng gia tăng trong vòng 1 tuần gần đây khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ ảm đạm hơn so với kỳ vọng, đặt ra khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải giảm nhanh và mạnh lãi suất để cứu tăng trưởng kinh tế. Theo dữ liệu từ FedWatch Tool, khả năng Fed giảm lãi suất trong 3 cuộc họp cuối cùng của năm nay, diễn ra vào các tháng 9, 11 và 12, đều đang ở mức 100%. Nhiều tổ chức dự báo cho rằng FED phải quyết liệt hơn nữa trong việc giảm lãi suất, thậm chí phải giảm 50 điểm cơ bản từ đây đến cuối năm thay vì mức 25 điểm cơ bản như trước đây, để đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Thị trường đang kỳ vọng lãi suất FED sẽ hạ về mức 3% cuối năm 2025.

Trước đó, thị trường tài chính thế giới cũng chịu một cú sốc từ việc NHTW Nhật tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 2, kết quả là các nhà đầu tư lo ngại hoạt động carry trade (hoạt động đầu tư dựa trên sự chênh lệch lãi suất) của yên Nhật thoái trào, gây ra cú giảm lịch sử của chứng khoán Nhật và khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Kết quả là các thị trường Châu Á như Nhật, Hàn Quốc…giảm xấp xỉ 8%, S&P 500 và DJ giảm khoảng 4%. Các tài sản rủi ro khác như tiền điện tử Bitcoin và Ether cũng giảm hơn 15%.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư đang tìm nơi trú ẩn ở các tài sản an toàn hơn như vàng và trái phiếu. Giá vàng đang hướng tới mốc 2.500 USD/oz, tăng 2,8% trong vòng 1 tháng qua và tăng 19% kể từ đầu năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt xuống mức 3,7%, thấp nhất kể từ giữa năm 2023. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng chỉ còn 0,785% do thị trường cho rằng NHTW Nhật khó tăng lãi suất thêm lần nữa trong năm nay.

Trong nước, nhà đầu tư cũng chứng kiến các phiên điều chỉnh mạnh của thị trường trong bối cảnh vẫn đang có nhiều thông tin tích cực trong nước, liệu có phải do ảnh hưởng từ thị trường thế giới?

Đà suy giảm của chứng khoán trong nước cũng xuất hiện từ giữa tháng 7/2024. Phiên mất gần 50 điểm của ngày 5/8 đã đưa VN-Index một lần nữa rơi xuống dưới ngưỡng tâm lý 1.200. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết đã đi qua, những thông tin tích cực hầu hết đã xuất hiện từ đầu tháng 7 và phần nào đã phản ánh vào giá. Ở thời điểm này, TTCK đang thiếu vắng những thông tin tích cực trong nước, do đó dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại lực. Vì vậy tôi cho rằng các yếu tố bất lợi của thế giới bao gồm những lo ngại về sức khỏe của kinh tế Mỹ, diễn biến của đồng Yên và căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông…đang là yếu tố dẫn dắt tác động đến thị trường trong ngắn hạn.

Thực tế chúng ta cũng thấy dòng tiền trên thị trường đã giảm mạnh và kéo dài nhiều phiên, trong khi đó, giá vàng trong nước cũng đã ổn định, thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, vậy dòng tiền trong nước đang chảy vào kênh nào?

Nhiều số liệu cho thấy là dòng tiền trên TTCK đang dần suy yếu khi bước vào tháng 7/2024. Cụ thể là tổng tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán (CTCK) tại thời điểm cuối quý II ước giảm 6.000 tỷ đồng so với cuối quý I/2024. Thực tế là thanh khoản tháng 7 của TTCK giảm gần 27% so với tháng 6 và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tôi cho rằng ngoài yếu tố là các nhà đầu tư phần nào hiện thực hóa lợi nhuận khi VN-Index chạm ngưỡng 1.300 vào giữa tháng 6, thì dòng vốn cũng đang có sự dịch chuyển.

Tính đến cuối quý II, tổng huy động dân cư của của các ngân hàng niêm yết tăng 6% so với đầu năm, trong khi con số này chỉ khoảng 2,1% vào cuối quý I năm nay. Điều này chứng tỏ kênh tiết kiệm đang thu hút một dòng tiền đáng kể trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng nhích dần lên. Thực tế là từ tháng 4 năm nay, nhiều NHTM đã bắt đầu tăng lãi suất huy động, tính đến ngày 31/7, tổng cộng đã có 20 ngân hàng, trong đó có một vài ngân hàng quy mô lớn đã điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,3% – 0,7%, thậm chí lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.

Thị trường bất động sản mặc dù chưa thật sự tích cực song đã manh nha có dấu hiệu phục hổi ở một số khu vực và phân khúc. Chẳng hạn như giao dịch chung cư ở Hà Nội trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh 185% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số lượng giao dịch phân khúc thấp tầng, đất nền tăng 60% so với quý trước. Ngoài ra, theo Tổng cục thống kê thì dòng vốn đầu tư nhân trong quý II vừa qua đã tăng 8%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2022 trở lại đây. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân đã dần lạc quan hơn với triển vọng kinh tế, cũng như tự tin mở rộng sản xuất kinh doanh.

Với những phân tích ở trên thì dòng tiền vào các kênh đầu tư trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào theo nhận định của bà?

Để dự báo dòng tiền đầu tư chảy về đâu thì tôi cho rằng phải xác định các câu chuyện định hình thị trường trong thời gian tới. Trên bình diện thế giới, có 2 yếu tố lớn sẽ là lãi suất điều hành của FED và bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu FED cắt giảm lãi suất quyết liệt hơn, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, tôi cho rằng áp lực lên lãi suất và tỷ giá của các nước có chính sách tiền tệ ngược chiều như Việt Nam sẽ giảm bớt áp lực. Lúc đó chúng ta có thể kỳ vọng đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ đảo chiều.

Thứ hai, câu chuyện của các ứng viên tổng thống Mỹ cũng đang dẫn dắt dòng vốn nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư phố Wall đang có làn sóng “Trump trade” (mua những ngành hay cổ phiếu đã từng có diễn biến tốt dưới thời ứng viên tổng thống Trump nắm quyền). Đó là cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, tài chính hay năng lượng truyền thống.

Ở Việt Nam, mặc dù lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng song mặt bằng hiện nay vẫn thấp hơn so với giai đoạn Covid-19. Cho dù có những đợt điều chỉnh song tính từ đầu năm đến nay thì VN-index vẫn tăng gần 8%, vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn nếu so với tiền gửi tiết kiệm.

Các dự báo đều cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên các mức kỷ lục trong thời gian tới, tuy nhiên các nhà đầu tư cũng lưu ý là khác với giai đoạn những năm trước đây, vàng chưa hẳn là một kênh đầu tư không rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm nay giá vàng thế giới cũng có sự thay đổi bất ngờ, cũng như chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn là một rủi ro cho các nhà đầu tư. Bất động sản là kênh đầu tư mà tôi cho rằng sẽ tích cực hơn từ cuối năm. Sau khi các quy định liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành, tôi cho rằng là nguồn cung nhà ở sẽ tăng lên do nhiều dự án được tháo gỡ các thủ tục pháp lý. Với mặt bằng lãi suất ổn định phù hợp như hiện nay thì giao dịch BĐS sẽ sôi nổi hơn vào cuối năm.

Thực tế, các cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực để giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh và bền vững với những giải pháp như tăng cường hợp tác quốc tế, hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng, trong khi đó các doanh nghiệp cũng đang phục hồi tốt, theo bà những yếu tố này sẽ giúp cho thị trường phục chứng khoán hồi tích cực trở lại trong thời gian tới?

Tôi cho rằng trong thời gian tới, TTCK Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố là vĩ mô cải thiện, lợi nhuận của doanh nghiệp phục hồi, cũng như các nỗ lưc của cơ quan quản lý. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,9% trong năm quý II vượt qua hầu hết các dự báo thị trường trước đó, thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành sản xuất. Chỉ số PMI của Việt Nam đạt 54,7 điểm trong tháng 7, đánh dấu tháng thứ 5 chỉ số này trên mức 50 điểm, thể hiện sự gia tăng của số lượng đơn hàng đặt mới…

Sự phục hồi của kinh tế cũng sẽ lan tỏa sang kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng 20% từ mức nền thấp của năm 2023, điểm rơi lợi nhuận sẽ vào 2 quý cuối năm với mức tăng lần lượt là 20% và 30%.

Bên cạnh đó, các nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian gần đây như đẩy mạnh hoạt động quảng bá TTCK Việt Nam, liên kết hợp tác với các thị trường trong khu vực, làm sạch dữ liệu của các nhà đầu tư…cũng sẽ góp phần đưa VN-Index quay lại các đỉnh cao trong thời gian tới.

Happy Live team sưu tầm/cafef

Các viết cùng chủ đề