Sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng quá trình này sẽ theo hình chữ V cổ điển – chạm đáy nhanh và bật lại nhanh. Tương tự với mô hình chữ U – tốc độ bật lại vẫn nhanh dù mất nhiều thời gian ở đáy hơn so với chữ V. Trong khi đó, mô hình W lại quá bi quan. Nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh, nhưng lại lao dốc lần nữa.
Nhiều nhà phân tích cho rằng quá trình này sẽ giống dấu swoosh trong logo của Nike hơn. Nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian để chạm đáy, sau đó hồi phục với tốc độ chậm nhưng chắc chắn.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến mô hình như dấu swoosh khi tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Hoạt động kinh tế đã giảm rất nhanh và mạnh trong tháng 3. Quá trình hồi phục sẽ kéo dài, ổn định cho đến cuối năm nay”, Steve Rick – kinh tế trưởng tại CUNA Mutual Group cho biết trong một báo cáo tuần trước.
Mô hình này cũng tương tự những gì diễn ra sau khủng hoảng tài chính 2008. Ban đầu, quá trình thậm chí không hề giống đang phục hồi.
Loại phục hồi này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Quốc hội và Nhà Trắng đều đã tung ra nhiều vòng kích thích, nhằm giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang gặp khó. Tuy nhiên, Mỹ có thể cần nhiều tiền hơn.
“Mô hình này phụ thuộc vào các chính sách tài khóa, tiền tệ bền vững của chính phủ và quốc hội”, Joseph Brusuelas – kinh tế trưởng tại RSM US nhận định. KC Mathews – Giám đốc đầu tư tại UMB Bank cũng đồng tình với quan điểm trên. “Giả thiết của chúng tôi là nền kinh tế sẽ mở cửa lại trong vài tuần tới, đại dịch được kiểm soát và các chính sách kích thích đủ lớn. Có lẽ mô hình chữ L xoay lên, hoặc logo Nike là mô tả hợp lý nhất”, ông giải thích.
Matthew Miskin – chiến lược gia đầu tư tại John Hancock Investment Management lại đặt tên khác cho quá trình này, đó là lưỡi câu – cũng giống dấu swoosh và căn bậc, nhưng quỹ đạo hơi khác.
“Khi trải qua phần ngạnh của lưỡi câu, bạn sẽ thấy thực sự đau đớn. Nhưng sau đó, lưỡi sẽ bẻ ngang và bắt đầu lên cao”, Miskin cho biết, “Nó cũng giống dấu swoosh thôi”. Nói cách khác, ông cho rằng đà phục hồi sẽ có tốc độ nhanh hơn. Ông dự đoán nền kinh tế sẽ trì trệ vài tháng nữa, rồi mới tăng tốc từ cuối quý III hoặc IV, khi người tiêu dùng chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Tuy vậy, dù mô hình này được đặt tên là gì, đây cũng là những dự báo rất lạc quan. Miskin vẫn lo ngại làn sóng đại dịch thứ hai có thể đánh vào tiêu dùng và chấm dứt mọi hy vọng phục hồi.
“Tiêu dùng cần phải bình thường trở lại. Nếu điều này không xảy ra, đà phục hồi sẽ chịu sức ép. Nền kinh tế sẽ trì trệ lâu hơn”, Miskin nói.
Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán tăng vọt trong tháng 4 không đồng nghĩa điều tồi tệ nhất đã qua. “Tôi cho rằng anh cần rạch ròi giữa thị trường và nền kinh tế”, Randy Frederick – Phó giám đốc phụ trách thương mại và phái sinh tại Charles Schwab cho biết, “Thị trường đang phát tín hiệu mọi thứ sẽ tốt hơn sau 6 tháng kể từ bây giờ. Nó không nhất thiết có nghĩa mọi thứ đang quay lại trạng thái bình thường”.
Dù vậy, thực tế đáng buồn là dù phục hồi theo cách nào, một số cá nhân và công ty cũng sẽ bị bỏ lại phía sau. “Đà phục hồi sẽ chậm chạp. Nhiều doanh nghiệp sẽ không tồn tại nữa”, Larry Adam – Giám đốc Đầu tư tại Raymond James cho biết, “Có quá nhiều rào cản tâm lý mọi người phải vượt qua trước khi mọi thứ bình thường trở lại”.
Nguồn: Theo Vnexpress