Dư nợ margin tăng mạnh ở các CTCK vốn Hàn Quốc
Dư nợ cho vay của khối công ty chứng khoán (CTCK) phục hồi đáng kể trong quý 2, tuy nhiên, so với năm trước lại không tăng trưởng nhiều. Đặc biệt là dòng vốn margin có chiều hướng tăng mạnh ở các CTCK vốn Hàn Quốc.
Theo thống kê của Vietstock, tới cuối quý 2/2020, tổng dư nợ cho vay (cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán) của các CTCK ở mức 55,882.5 tỷ đồng, tăng gần 1.7% so với dư nợ cuối quý 2/2019 và tăng 11% so cuối quý 1/2020.
Nhìn vào tình hình dư nợ cuối quý 2 có thể thấy tình trạng phân hóa trong hoạt động cho vay margin trong nhóm CTCK thời gian này. Top 20 CTCK có dư nợ lớn nhất chiếm tới hơn 87% dư nợ toàn thị trường.
Nhiều CTCK có dư nợ tăng mạnh trong giai đoạn thị trường tạo đáy và hồi phục mạnh trở lại của quý 2. Trong top 20, có tới 11 công ty có mức tăng trưởng dư nợ so với cuối quý trước tới 2 con số. ACBS tăng trưởng dư nợ tới hơn 50%, VPBS tăng dư nợ hơn 40%, SHS cũng tăng dư nợ tới gần 33%.
Số còn lại ghi nhận dư nợ sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ trong quý. SSI ghi nhận dư nợ giảm nhẹ gần 1% so với cuối quý trước. Dư nợ của VCI thậm chí chỉ còn giảm tới gần 28.5% so với quý trước. MBKE, VDS cũng cám cảnh sụt giảm dư nợ.
Một số công ty khác như MBS, TCBS, VND, BVS đều có mức tăng dư nợ thấp hơn mức tăng chung của toàn khối.
Top 20 CTCK có dư nợ cho vay
So với cùng thời điểm năm trước, dư nợ cho vay trong khối tiếp tục xu hướng chuyển dịch về khối CTCK vốn Hàn Quốc chủ yếu là Mirae Asset, KBSV, KIS. So với dư nợ của Mirae Asset tăng tới hơn 71% lên mức 8,575 tỷ đồng trở thành CTCK dẫn đầu về dư nợ margin trên thị trường. KIS và KBSV có dự nợ lần lượt tăng 22% và 12.5%, đạt 3,083 tỷ đồng và 2,339 tỷ đồng.
Quy mô dư nợ chưa lớn nhưng Pinetree và NHSC cũng ghi nhận kết quả tăng mạnh dư nợ trong năm qua.
Dư nợ cho vay và lãi cho vay, phải thu của các CTCK vốn Hàn
Đvt: Tỷ đồng
Tỷ trọng dư nợ so với toàn khối của các công ty kể trên cũng liên tục tăng qua các quý cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn cho vay về với nhóm này.
Tỷ trọng dư nợ của khối CTCK Hàn Quốc tăng đều trong một năm qua. Nguồn: VietstockFinance
Trong khi đó, các ông lớn CTCK nội lại chịu cảnh sụt giảm đáng kể dư nợ cho vay trong 1 năm qua. SSI giảm tới gần 37%, HSC giảm 10%, VCSC giảm tới gần 33%, VND, SHS, BVS, VDS, TVSI đồng cảnh giảm dư nợ.
Tuy nhiên, không phải CTCK nội nào cũng rơi vào tình cảnh giảm dư nợ cho vay trong một năm qua. Ở trường hợp của TCBS, dư nợ cuối quý 2/2020 của công ty này mở rộng tới hơn 47% so với một năm trước.
Thu từ cho vay margin của cả khối CTCK giảm so cùng kỳ
Tình hình dư nợ trong quý hầu như được thể hiện tương ứng vào kết quả doanh thu margin của các CTCK. Theo đó, hầu hết các công ty có dư nợ sụt giảm so với quý 2 năm trước đều chịu sụt giảm về doanh thu margin. Top 20 CTCK dẫn đầu về dư nơ có tới 12 công ty có doanh thu margin và ứng trước suy giảm. Trong khi đó, thu từ mảng này của khối CTCK ngoại vẫn tăng trưởng.
Xét chung, lãi từ các khoản cho vay và ứng trước của cả khối CTCK giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1,530.6 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc giảm dư nợ cũng như lãi vay margin giảm do tình hình cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán và các chương trình hỗ trợ nhà đầu tư trong mùa Covid-19.
Chí Kiên
FILI
Nguồn hình: VietstockFinance
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường