fbpx

Đừng cạnh tranh với ai, ngay cả với chính mình

Chúng ta vẫn thường được nghe lời khuyên “Hãy trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, nhưng như thế nào là tốt hơn?

Dạo trước, mình tự nhiên nói với mẹ: “Con nghĩ thế hệ của mẹ chính ra lại có một cái may mắn hơn thế hệ trẻ bây giờ, là dễ tìm được hạnh phúc thật sự.”

Mỗi người đều có một định nghĩa riêng về hạnh phúc, nói chi là giữa những thế hệ khác nhau. Nhưng nhìn chung, có thể nói hạnh phúc là cảm giác yên bình trong cuộc sống, hài lòng và vui vẻ với những thứ mình đang có hay đã trở thành.

Đó là một loại cảm giác mà ở thời đại này có vẻ lại khó đạt được hơn bao giờ hết, vì truyền thông, xã hội mỗi ngày liên tục đưa tin về những tỷ phú trẻ tuổi, những bạn trẻ 20-30 đã gây dựng được sự nghiệp vẻ vang. Chúng ta mở mắt ra đã bị vây quanh bởi những hình ảnh lấp lánh đó và rồi cảm thấy áp lực.

Nếu không làm gì hết, liệu mình có đang không đủ cố gắng? Nếu không đạt được thành tựu nào cả, phải chăng là vì mình chẳng đủ tài năng?

Dù ta có thể nói rằng mình không hề muốn ganh đua với ai, hay tự nhủ rằng mỗi người đều có một hành trình riêng, nhưng khi thấy đứa bạn ngày xưa cùng học đại học khoe mua được nhà, được xe, liệu ta có thật sự không cảm thấy một chút chạnh lòng? Khi thấy đồng nghiệp được vinh danh bởi những cống hiến trong công việc, ta có cảm thấy sự thua kém lại dâng trào trong sâu thẳm?

Ghen tị tạo ra sự cạnh tranh

Đừng cạnh tranh với ai, ngay cả với chính mình

Bản chất của cuộc sống này là cạnh tranh, dù muốn dù không.

Điểm 5 của chúng ta sẽ dễ chấp nhận hơn nếu 2/3 lớp có điểm dưới trung bình. Game luôn hấp dẫn vì nó có điểm số và bảng xếp hạng người chơi.

Tự nhiên đã tạo ra sự ghen tị như một cách tạo động lực cạnh tranh để các cá thể phát triển và sinh tồn. Thế nhưng xã hội lại lên án, dán nhãn xấu xa cho sự ghen tị này, khiến chúng ta hiểu sai, không thừa nhận cảm xúc tự nhiên đó. Hậu quả là ta không thành thật với chính mình và mất đi một phương pháp hiệu quả để phát triển bản thân.

Nhưng tin tốt là một khi nhận ra điều này, chúng ta có thể tìm hiểu và thay đổi tình thế.

Ta đang cạnh tranh với ai, vì điều gì?

Đừng cạnh tranh với ai, ngay cả với chính mình

Thật dễ dàng để ta bắt đầu cạnh tranh với người khác. Chẳng hạn, ngay sau khi biết điểm bài kiểm tra của mình, ta quay sang hỏi người bên cạnh được bao nhiêu điểm. Gặp lại bạn bè lâu không gặp, ta lại hỏi lương mày giờ bao nhiêu, lên chức gì rồi.

Khi cạnh tranh với người khác, ta vô tình đánh đồng mục đích sống và thang giá trị của ta cũng giống họ. Ta đuổi theo những thứ mà tới cuối cùng lại nhận ra chưa chắc chúng là thứ mình sẽ cần.

Chúng ta cũng thường được khuyên là đừng cạnh tranh với người khác, hãy cạnh tranh với chính mình. Nhưng hãy thử nghĩ về điều này:

  • Nếu bạn chiến thắng phiên bản trước đó của mình, thì phiên bản đó là kẻ thua cuộc.
  • Nếu bạn thua phiên bản trước đó của mình, thì bản thân bây giờ là kẻ thua cuộc.

Mình luôn có một câu hỏi trong đầu: Nếu mình có thể chiến thắng bản thân, vậy mình là kẻ yếu dễ bị đánh bại, hay là kẻ mạnh dễ chiến thắng?

Dù là ở thời điểm nào, mình vẫn nghĩ phiên bản đó của bản thân cũng đều đáng quý.

Những năm 20 có thể cố gắng hơn, nhưng lại không có sự thơ ngây hồn nhiên của năm 10s. Những năm 30 có thể hiểu biết hơn, nhưng lại không còn nhiệt huyết cuồn cuộn của tuổi 20.

Hóa ra, nếu cứ mải miết cạnh tranh thì dù cạnh tranh với người khác hay chính bản thân mình, chúng ta cũng đang biến cuộc sống hàng ngày thành một bãi chiến trường. Đó là nơi mà ta hay xem thường kẻ thua cuộc, rồi xem thường luôn bản thân mình, dù thắng hay thua. Khi đó thật khó để tận hưởng mọi khoảnh khắc còn sống này.

Vậy ta nên cạnh tranh như thế nào?

Fill the gap – Lấp đầy khoảng cách danh tính

Đừng cạnh tranh với ai, ngay cả với chính mình

Hãy cạnh tranh với những thứ ngăn cản ta “lấp đầy khoảng cách danh tính”.

Gap (khoảng cách) thứ mà mình gọi là “khoảng cách danh tính” xuất phát từ việc mình nhận thức được khoảng cách giữa bản thân hiện tại và bản thân sắp tới mình mong muốn.

Bản thân sắp tới đó dựa trên tiêu chuẩn nào cũng được, miễn đó là phiên bản ta thật sự mong muốn trở thành. Nó có thể là:

  • Tiêu chuẩn xã hội như có địa vị, giàu có, nhà xe…
  • Tiêu chuẩn công việc như chức danh Senior, Director, lương nghìn đô…
  • Tiêu chuẩn gia đình như biết nấu ăn, giỏi giặt giũ, biết lắng nghe…

Sau đó hãy nhìn vào bản thân ở hiện tại để biết còn cách bao xa mới tới được phiên bản đó.

Ngày ngày, chúng ta lắng nghe những tiếng hô hào: “Hãy cải thiện bản thân, hãy trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình” nhưng lại không được chỉ cho cách nhận biết thế nào là sự cải thiện, thế nào là phiên bản tốt hơn. Hậu quả là ta sẽ nhìn sang bên cạnh, vớ đại một ai đó có hình mẫu gần giống, so sánh với những gì họ đang làm, họ đạt được. Rồi ta tin rằng mình phải giống như người đó thì mới là phiên bản tốt hơn của chính mình.

Thật ra bạn chẳng cần phải đạt được thành tựu như người đó thì mới hạnh phúc. Bạn không cần phải thật giỏi kỹ năng như người đó thì mới là thành công.

Bạn chỉ cần được trở thành phiên bản mà bạn mong muốn trở thành, vì chỉ có bạn mới biết được điều gì là tốt cho bản thân. Và khi đã xác định được “khoảng cách danh tính” này, hãy cạnh tranh với bất cứ thứ gì đang ngăn cản ta lấp đầy nó.

Bắt đầu “lấp đầy khoảng cách danh tính” như thế nào?

Đừng cạnh tranh với ai, ngay cả với chính mình

Điều cốt lõi ở đây là ta phải tìm ra được những “khoảng cách” muốn đạt được. Có những cái xa tới cả năm mới đạt được, có những cái đôi khi chỉ cần là ngày mai.

Chẳng hạn, mình đi tìm một phiên bản mà ở đó mình có thể hít đất được nhiều hơn 5 cái so với hôm nay, một phiên bản mình có thể viết nhiều bài hơn so với tháng này, một phiên bản mình có kỹ năng quản lý cảm xúc tốt hơn vào năm sau.

Miễn đó đều là những phiên bản mình muốn trở thành, cách thức hay kế hoạch không còn là vấn đề cần bận tâm. Mình sẽ chỉ cần tập trung vào những có ngăn cản trong quá trình “fill the gap”.

Mình sẽ không vì đau nhức mà không thử hít đất nhiều hơn 5 cái. Mình sẽ sắp xếp công việc để có thời gian suy nghĩ về những chủ đề, ý tưởng khác nhau và viết xuống bất cứ khi nào có thể. Mình sẽ không cứ thế mặc kệ cảm xúc chi phối với lý do “sống thật với chính mình”, mà sẽ học cách nhận diện dạng cảm xúc nào có thể khiến mình có những phản ứng không tốt để điều tiết khi nó xuất hiện.

Thứ ngăn cản chúng ta trở thành phiên bản mong muốn đôi khi là một cái ta rất xấu muốn được tiếp tục tồn tại. Lúc này, việc cạnh tranh với cái ta xấu xa này chính là điều mà người ta hay nói: Hãy chiến thắng chính mình – vượt qua cái ta chưa tốt.

You can get what you want if you find it within yourself.

Robert A Russell

Suy nghĩ cuối

Đừng cạnh tranh với ai, ngay cả với chính mình

Cách để có một cuộc sống khác (tốt hơn hay tệ hơn tùy vào nhận định) là ta phải trở thành một phiên bản khác với hiện tại. Không gì bảo đảm phiên bản đó sẽ là phiên bản tốt hơn, nhưng ít nhất nó sẽ mang lại cho ta sự mới mẻ, và những trải nghiệm mới.

Đôi khi phiên bản đó sẽ dạy cho ta một bài học “nhìn có vẻ” tiêu cực để chọn lại một phiên bản khác. Đôi khi phiên bản đó sẽ mở ra một giới hạn mới mà ta chưa từng nghĩ tới.

Trên hành trình tìm ra những phiên bản này, ta chẳng cần phải cạnh tranh với người khác, hay với chính mình. Và nếu chẳng may tìm thấy những phiên bản không như mong muốn, không sao cả, mình cứ làm lại thôi.

Happy Live Team

Nguồn: Vietcetera

Có thể bạn quan tâm: Từ Tâm Trí Đến Vật Chất

Cuốn sách dựa trên khoa học giải mã sự biểu hiện và cách suy nghĩ ảnh hưởng đến thế giới vật chất của con người

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề