fbpx

Nếu thất bại không “vì mình kém cỏi” thì là vì điều gì?

Hiểu về thất bại, để thất bại thật tốt. Dù nói là không sợ thất bại, nhưng cũng phải chuẩn bị cho nó một cách đúng đắn. 

Mình có một cậu em thường hay đi uống rượu cùng. Dạo này hai anh em còn có thêm một thú vui mới là chơi cờ vua.

Hắn cũng chỉ mới tập chơi thôi. Xét theo hệ thống đánh giá của cờ vua thì chỉ số elo hiện tại của hắn là 1200 (những người mới biết luật thì sẽ là 1000, còn 1200 là những người biết luật nhưng không chơi thường xuyên). Và đương nhiên là vì mới chơi nên hắn ta thường bị mình “củ hành”.

Gần đây lần đầu tiên hắn đánh cờ vua với người lạ và có vẻ chiến thắng khá dễ dàng. Tất nhiên là vì hắn vốn cũng thông minh. Trên đường về, mình có hỏi cảm giác đánh cờ với đối thủ không phải là anh thì thế nào, hắn trả lời là cảm thấy bớt áp lực và dễ dàng hơn hẳn, làm mình lúc đó cũng có cảm giác một chút tự hào.

Tối hôm đó, mình đã lục lọi lại ký ức để nhớ lại xem từ khi nào mình đã ngừng quan tâm tới cờ vua, một thứ mà lúc còn bé ở ngoài Huế mình có thể đạp xe đi rất xa để tham gia câu lạc bộ với mọi người.

Và đó cũng là câu chuyện về một trong những thất bại lớn đầu đời của mình. Trong bài viết này mình sẽ kể bạn nghe một vài câu chuyện về những thất bại lớn, về những bài học mà thất bại đã dạy cho mình.

Nếu thất bại không “vì mình kém cỏi” thì là vì điều gì?

Thất bại đầu tiên trong đời

Mình không nhớ cơ duyên nào đã đưa mình tới với môn cờ vua, nhưng mình nhớ khi còn bé mình học chơi các trò chơi rất nhanh. Hầu hết các trò chơi trong xóm lúc đó mình đều dễ dàng giành chiến thắng với đối thủ là bọn trẻ con cùng lứa tuổi. Thường thì sau đó mình chỉ còn chơi được với các anh lớn hơn vì tụi nhỏ không chịu chơi với mình nữa.

Thậm chí có một bác hàng xóm đã chỉ mình chơi cờ tướng, rồi hay cho mình kẹo với bánh để mình chơi với bác. Sau một thời gian mình đã có thể thắng bác ấy khá dễ dàng, rồi từ đó không thấy bác rủ mình chơi nữa.

Nhưng không hiểu sao mình lại thích cờ vua hơn hẳn các loại cờ khác. Có thể là vì tính chất của môn cờ này, cũng có thể vì nhờ tham gia câu lạc bộ mà mình đã thấy rõ được năng lực của mình như thế nào so với những người xung quanh. Lúc đó ở Huế, chỉ có một câu lạc bộ cờ vua duy nhất, nhưng nó lại ở khá xa nhà mình, nếu đi xe máy chắc khoảng 20 phút. Với một đứa trẻ tiểu học đạp xe thì quãng đường vừa đi vừa về như vậy cũng khá là xa.

Hết tiểu học, mình vào Sài Gòn, có tham gia Hội khỏe Phù Đổng năm lớp 6 môn cờ vua và đã không vất vả lắm để leo lên vị trí cao. Thế nên mình đã được thầy giới thiệu vào một câu lạc bộ của thành phố.

Tham gia câu lạc bộ được khoảng một tuần thì thầy đã xếp mình vào một trận đấu, nơi mình đón thất bại lớn đầu tiên trong đời.

Tại đây, mình – một học sinh trung học, sẽ đấu cờ với một bạn học sinh tiểu học, mà bạn ấy cùng lúc còn phải đấu với thầy phụ trách của mình, người có thể xem là đánh cờ hay nhất câu lạc bộ. Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu.

Mình nhập cuộc với sự tập trung cao độ, nhưng đó lại là trận thua nhanh nhất trong các trận thua của mình. Buồn hơn nữa là vì trận đấu bên cạnh giữa cậu bé đó với thầy vẫn chưa xong, nên mình vẫn phải ngồi im lặng và quan sát trận đấu này rất lâu.

Trong khoảng thời gian ngồi ở vị trí đó, mình nhận ra bản thân nhỏ bé tới mức nào. Mình kém xa một cậu bé tiểu học, người đang đánh ngang tài ngang sức với thầy, dù trước đó đã phải đánh một lúc hai trận cờ.

Sau ngày hôm đó, mình đã không bao giờ quay lại câu lạc bộ, và mình cũng không muốn quan tâm tới cờ vua nữa, vì nó sẽ nhắc mình nhớ lại sự nhỏ bé của bản thân.

Nhiều năm sau, khi biết cậu bé đó đã trở thành đại kiện tướng cờ vua của Việt Nam, mình mới bắt đầu nguôi ngoai được phần nào cái gọi là thất bại lớn đầu đời này.

Ta thất bại vì điều gì?

Khi còn trẻ, mình có xu hướng đổ thừa cho ngoại cảnh. Cũng chính thái độ này đã cản trở mình rất nhiều trong việc phân tích lý do vì sao mình lại thất bại.

Đến bây giờ thì phương châm sống của mình đã chuyển thành “tiên trách kỷ, hậu trách kỷ lần nữa”. Nghĩa là mỗi khi có việc gì đó không như ý xảy ra, mình thường trách bản thân tới 2 hai lần. Lần một là để tìm ra bài học. Lần hai là để tha thứ cho bản thân, không cần phải đổ lỗi hay trách móc ai cả.

Nhờ thay đổi thái độ mà mình bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận và phân tích những lần thất bại lớn, và nhận ra một vài lý do thường dẫn mình đến với các thất bại này.

1. Nhận thức sai lầm về bản thân và người khác

Nhận thức sai lầm về bản thân là khi chúng ta đánh giá quá cao, hoặc quá thấp năng lực thật sự của bản thân.

Trong câu chuyện cờ vua bên trên, vì những thành tựu nhỏ trước đó mà mình đã đánh giá quá cao bản thân nên đâm ra ảo tưởng. Đến khi thực tế vả mạnh vào mặt, mình lại tiếp tục có một nhận thức sai lầm khác. Đó là cho rằng bản thân thật “cùi bắp”, không nên tiếp tục chơi cờ nữa, trong khi chính vì thầy hướng dẫn đã đánh giá cao năng lực của mình nên mới xếp mình vào trận đấu đó, và người mà mình thua lại là một đối thủ quá mạnh.

Mình thấy thường thì vì chưa hiểu rõ bản thân nên chúng ta cũng dễ hiểu lầm người khác. Ta gán những suy nghĩ, định kiến, mong muốn của mình lên hành động của họ.

2. Nhận thức sai lầm về hoàn cảnh

Có một lời khuyên mình thấy khá phổ biến khi nói về thất bại đó là “Cứ thoải mái sai đi”.

Mình rất đồng ý là sai lầm sẽ giúp chúng ta trưởng thành, cho chúng ta những bài học cực kỳ giá trị, giống như một câu nói mình rất thích là:

“A man who has been destroyed in a thousand ways, knows a thousand ways to rebuild himself.” (Một người bị đánh gục theo ngàn cách, sẽ biết ngàn cách để xây dựng lại chính mình).

Tuy vậy, câu nói này sẽ rất giá trị nếu chúng ta áp dụng nó khi đã nhận thức được rõ hoàn cảnh của bản thân. Nghĩa là biết được giới hạn trong tài nguyên của mình, gồm nguồn lực như tiền bạc, năng lượng, thời gian,… hay năng lực cá nhân.

Rõ ràng một người dư dả về điều kiện kinh tế và thời gian sẽ có cơ hội để sai nhiều hơn một người còn đang phải lo lắng về tiền bạc. Vì vậy cần hiểu được hoàn cảnh của bản thân để không cần phải so sánh, áp lực với người có hoàn cảnh khác mình, cũng như hiểu được nếu mình không có nhiều tài nguyên để sai như người khác, thì phải cẩn thận hơn, ứng xử phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Nếu thất bại không “vì mình kém cỏi” thì là vì điều gì?

3. Tin rằng mọi thứ tốt đẹp phải cạnh tranh mới có được

Ngoài ra, có một nhận thức sai lầm mình nghĩ khá phổ biến khác, đó là cho rằng mọi thứ đều phải tranh giành mới có được. Những điều tốt luôn có giới hạn số lượng nên phải cạnh tranh với người khác.

Mình thì nghĩ tới cuối cùng, chẳng cần phải tranh giành được mất với người khác làm gì. Bạn có thể mất vị trí trong công ty A vì một người khác đã được nhận vào vị trí đó, nhưng nó có thể mở ra cơ hội khác để bạn vào công ty B, C hay D, và biết đâu đấy lại là nơi phù hợp hơn với bạn thì sao.

Bạn có thể mất suất học bổng đi học nước ngoài, nhưng biết đâu trong thời gian chờ lần nộp xin học bổng tiếp theo, bạn lại có được nhiều kinh nghiệm khi đi làm, và nó sẽ giúp bạn đi nhanh hơn trong hành trình sau này.

4. Không thể quản lý cảm xúc

Những thất bại nặng nề nhất mình nghĩ thường đến từ lý do này.

Có rất nhiều việc dù biết là sai và hiểu là không nên làm, nhưng ta để cảm xúc đánh lạc hướng mình rồi dẫn tới những kết quả đáng tiếc. Mình sẽ không nói thêm về lý do này vì có lẽ bạn cũng dễ tìm được những bàn luận về chủ đề này trên mạng.

Chuẩn bị cho lần thất bại tiếp theo

Đối với thất bại đến từ thế giới bên ngoài, chủ yếu là ở khía cạnh vật chất, thì việc chuẩn bị dễ dàng hơn. Chẳng hạn như mua bảo hiểm, có chiến lược đầu tư an toàn, hay xây dựng các mối quan hệ có thể hỗ trợ khi cần thiết.

Thứ chúng ta cần chuẩn bị nhiều hơn là với những thất bại đến từ thế giới bên trong, như là học cách bảo vệ bản thân khỏi sự thất vọng, bất an, bị từ chối và sỉ nhục, về những suy nghĩ cho rằng mình không xứng đáng.

Bạn có thể cô lập bản thân để không sợ cảm giác bị từ chối, bằng cách do dự, không dám mạo hiểm, không dám bước ra khỏi vùng an toàn để không phải đối mặt với cảm giác bản thân yếu kém.

Mình cũng đã từng bảo vệ mình khỏi thất bại bằng cách này, nhưng hóa ra nó lại tạo ra một phiên bản Hoàng mà mình không hề mong muốn – rụt rè, giao tiếp kém, và không thể khám phá được các tiềm năng đang có của bản thân.

Thế nên mình nghĩ cách đúng đắn nhất để chuẩn bị cho sự thất bại đến từ thế giới bên trong đó là học cách xây dựng sự tự tin lành mạnh. Mình đã viết bài riêng về chủ đề này, bạn có thể đọc thêm ở đây: Tự tin thế nào để cơ hội luôn sẵn sàng?

“Câu thần chú” khi đối diện thất bại

Mỗi khi gặp thất bại, thay vì kết luận “tôi không thể”, hãy thử nói “tôi chưa thể” – đây là cách mình đã áp dụng và cảm thấy rất hiệu quả.

Chẳng hạn, khi bạn đặt ra mục tiêu sáng mai dậy sớm lúc 5h nhưng vẫn nướng tới 8h, khi đó thử nói: “Tôi chưa thể dậy sớm. Tôi cần phải điều chỉnh từ từ thói quen thức khuya.”

Khi đưa suy nghĩ về “tôi chưa thể”, chúng ta vẫn giữ niềm tin vào một ngày nào đó ta sẽ làm được điều ta mong muốn, chỉ cần kiên trì, cố gắng thêm một chút nữa.

Lợi ích khác nữa của “tôi chưa thể” là giúp ta hiểu được mình cần học thêm nhiều thứ, tìm kiếm thêm các sự hỗ trợ từ người khác để trở thành “tôi có thể”. Nhờ vậy mà chúng ta cởi mở hơn để đón nhận những lời góp ý, giúp đỡ, thay vì tìm cách che đậy sự thất bại của mình.

Nếu thất bại không “vì mình kém cỏi” thì là vì điều gì?

Làm gì với dư vị của thất bại?

Thường thì sau khi đón nhận thất bại chúng ta sẽ phải đối diện với những lời chê bai dè bỉu, hoặc nhận được những lời an ủi, động viên, đôi khi sẽ là cả hai.

Nhưng mình nghĩ đừng để ý tới cả hai thứ này. Vì sao à?

Những lời chê bai, dè bỉu sẽ làm trầm trọng hơn nỗi đau thất bại, làm chúng ta ấm ức và có thể mất luôn động lực để tiếp tục cố gắng. Còn những lời động viên, an ủi thì sẽ xoa dịu nỗi đau tức thời, nhưng lại vô tình làm giảm đi sức đề kháng với nghịch cảnh, sẽ không thể giúp bạn đối diện vững vàng hơn ở những lần thất bại tiếp theo.

Nên sau khi thất bại, mình sẽ đi tìm những người mà mình tin tưởng vào sự thông thái của họ, để chia sẻ về thất bại và lắng nghe lời khuyên từ họ. Mình vẫn biết ơn những lời an ủi, và bỏ qua những lời chê bai, nhưng sẽ chỉ mang theo những bài học cho hành trình tiếp tục của mình.

Suy nghĩ cuối

Mình nghĩ không có gì gọi là thất bại cả. Nó chỉ là dấu hiệu cho ta thấy cách mình đang làm là chưa hiệu quả. Mình xem thất bại như một chặng nghỉ ngơi, lấy lại sức, điều chỉnh lại kế hoạch nhờ học từ lần thất bại trước và để tiếp tục hành trình.

Nhưng dù nói là không sợ thất bại, mình cũng phải chuẩn bị cho nó một cách đúng đắn.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm góc nhìn, để nếu có thất bại thì chúng sẽ là những thất bại thật tốt cho hành trình phát triển bản thân của bạn!

Happy Live Team

Nguồn: Vietcetera

Có thể bạn quan tâm:

396 LỜI KHUYÊN KHAI THÔNG TRÍ TUỆ NÂNG TẦM TƯ DUY

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề