fbpx

Đặt mục tiêu “nhẹ đô”: Cách giải lời nguyền trì hoãn năm mới

Vì sao ta cứ mãi đặt những mục tiêu mà mình… không làm được, rồi trì hoãn nó?

Hôm nghe hội bạn rủ làm bảng mục tiêu cho năm mới (vision board), thứ đầu tiên tôi nghĩ đến là, “Lại một năm nữa sao?”

Đặt mục tiêu phát triển bản thân thì hay đấy, nhưng thứ khiến tôi khựng lại là… tính khả thi của tất cả những gạch đầu dòng này trên giấy.

Ta chỉ mất 10 giây để nghĩ về hình mẫu lý tưởng mình muốn trở thành (ví dụ: muốn giảm 5kg thon gọn), nhưng lại mất rất lâu, có khi là không bao giờ theo đuổi mục tiêu đó đến cùng.

Chúng ta đều biết rằng nói thì dễ hơn làm, cứ thế ta bị cuốn vào vòng lặp tự hứa “năm sau sẽ khác”, rồi lại đâu vào đó. Vì sao ta cứ đặt mục tiêu chỉ để cuối cùng… không làm được nó? Liệu ta có đặt sai cách ở đâu không?

Đặt mục tiêu “nhẹ đô”: Cách giải lời nguyền trì hoãn năm mới

Vì sao ta dễ đặt những mục tiêu mà mình… không làm được?

Bạn đang mắc bẫy “hô khẩu hiệu”

Đặt mục tiêu hoành tráng không có nghĩa rằng ta sẽ lột xác. Trên thực tế, mục tiêu càng hô khẩu hiệu mạnh mẽ thì tác động của chúng đến ta càng… yếu ớt hơn.

Bạn có thể vô tình “hô khẩu hiệu” khi viết ra những lời tuyên bố hùng hồn, năng nổ nhưng lại thiếu kết nối với bản thân, ví dụ như:

    • Đọc hết 20 quyển sách trong 2023 (dù trước đó bạn không đọc sách).
    • Dậy sớm 5 giờ sáng liên tục từ nay về sau (dù bạn cú đêm đến 2 giờ khuya).
    • Tiết kiệm được x số tiền trong tài khoản (dù bạn tiêu sạch lương từ… đầu tháng).

Bạn chưa hiểu rõ mình cần gì, muốn gì, hay cách cơ thể mình vận hành trong điều kiện tốt nhất,… song đã vội đưa ra kế hoạch phát triển xa tầm với. Giữa bạn và mục tiêu không hề có liên kết nào, hoặc liên kết yếu, dẫn đến việc bạn chóng nản và bỏ cuộc lúc nào không hay.

Não từ chối những thay đổi quá lớn, bảo vệ ta khỏi thất bại

Hàng triệu người đặt bút viết new year’s resolution mỗi năm nhưng mấy ai duy trì được chúng?

Đại học Scranton, Mỹ đã được thực hiện nghiên cứu trên 200 người để đo mức độ “cam kết” của họ cho các mục tiêu trong thời hạn 2 năm. Kết quả là chỉ có 19% duy trì liên tục 2 năm, số còn lại nửa đường… đứt gánh trong vài tháng, thậm chí vài tuần.

Nguyên nhân xuất phát từ cách bộ não hoạt động. Nghiên cứu về Neuroscience cho thấy phần hạch hạnh nhân trong não ta sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ con người trước cảm giác thất bại.

Để ngăn ta vỡ mộng hay sụp đổ, não sẽ ra tín hiệu khiến con người “tê liệt” trước bất kỳ mục tiêu nào đặt ra quá xa tầm với, nhiều thử thách và dễ thất bại.

Vì vậy, khi bạn viết ra một mục tiêu “ảo diệu” và biết trước mình sẽ cần nỗ lực gấp 10 lần để hoàn thành chúng, bạn đồng thời cũng có cảm giác muốn… bỏ cuộc không làm nữa. Đây hoàn toàn là phản ứng tự nhiên, mà bất kỳ ai cũng sẽ trải qua.

Nếu việc hô khẩu hiệu thúc ép không còn hữu ích, xu hướng đặt mục tiêu nhẹ đô đang lên ngôi. Không cần “hừng hực khí thế”, bạn chỉ cần đặt mục tiêu đúng, đủ, và thuận theo bản chất với chính mình mình trước nhất. Dưới đây là một số ví dụ bạn có thể thử ngay cho 2024 sắp đến.

Đặt mục tiêu “nhẹ đô”: Cách giải lời nguyền trì hoãn năm mới

Đặt mục tiêu nhẹ đô: Nên hạ tông giọng thế nào mục tiêu trông… thân thiện hơn?

    • Thay vì nói: “Mình sẽ dậy sớm 5 giờ sáng liên tục từ nay về sau”.
    • Hãy nói: “Chỉ cần cố gắng dậy sớm 21 ngày thôi. Sau đó, mình sẽ để bản thân ngủ nướng thêm một chút trở lại”.

Câu thứ nhất thoạt nhìn có vẻ hợp lý hơn, nhưng là một ví dụ điển hình của bẫy hô khẩu hiệu. Nếu bạn vốn không quen việc dậy sớm từ đầu, cách đặt câu này sẽ khiến não chần chừ vì “game khó”. Kiểu mục tiêu này cũng mang tính gò ép, thiếu thực tế, và không dành cho tất cả mọi người.

Trèo cao té đau, bạn sẽ dễ cảm thấy tồi tệ hơn khi không thể hoàn thành được “streak” – chuỗi ngày liên tiếp công phá mục tiêu này trọn vẹn.

Câu thứ hai có vẻ… nuông chiều bản thân nhưng thực chất lại là cách tiếp cận thực tế. Chúng ta chỉ là con người, và không thể răm rắp thực thi một bài toán khó liên tục nhiều ngày. Chúng ta vẫn sẽ có sai số – đó là lý do cách tiếp cận nhẹ nhàng tinh tế bắt đầu lên ngôi.

Với cách 2, bạn viết mục tiêu khi đã hiểu rõ tâm lý bản thân. Điều này giúp bạn thoải mái vui vẻ tiến hành nó, thậm chí “vượt KPI” 21 ngày khi tâm thế đủ tốt.

Đây cũng có thể là một cuộc “cách mạng tư duy” nơi những câu khẩu hiệu không còn hiệu quả. Chưa kể chúng còn trở nên sáo rỗng nếu ta chỉ đặt mục tiêu… theo phong trào mà không mảy may muốn hiện thực hóa chúng.

Một mục tiêu phải xuất phát từ chính yêu ghét, sở thích và năng lực của người thực hiện, giúp mở ra liên kết giữa bạn và hình ảnh bạn muốn trở thành trong tương lai.

Đặt mục tiêu “nhẹ đô”: Cách giải lời nguyền trì hoãn năm mới

Từ đây, chúng ta có thể thay đổi cách tiếp cận với mọi kiểu mục tiêu trong đời, từ nhỏ đến lớn, ví dụ như:

    • Thay vì nói: “Mình sẽ đọc hết 20 quyển sách trong 2023”.
    • Hãy nói: “Mình sẽ dành 10 phút mỗi ngày để đọc, không cần đạt KPI, miễn là mình học được gì đó qua 10 phút mỗi ngày này”.
    • Thay vì nói: “25 tuổi số dư tài khoản phải 9 chữ số”.
    • Hãy nói: “25 tuổi, nếu tiền dư 9 chữ số thì mình và gia đình sẽ đi du lịch một chuyến hậu hĩnh”.
    • Thay vì nói: “Phải ngủ sớm trước 10 giờ bắt đầu từ hôm nay”.
    • Hãy nói: “Dành ra một ngày trong tuần để ngủ trước 10 giờ, rồi mình sẽ tăng tần suất lên theo thời gian”.

Luôn sẽ có một sự lựa chọn nhẹ nhàng và dễ gắn bó hơn cho mỗi chúng ta. Khi đã “hạ đô” những mục tiêu năm mới, tự khắc thói quen tích cực sẽ đến với bạn tự nhiên, tự nguyện và ít gượng ép hơn.

Việc đặt mục tiêu nhẹ đô cũng phản ánh cách ta thấu hiểu thế giới nội tâm bên trong. Khi đã thiết lập được kết nối mạnh mẽ với chính mình, bạn có thể bắt tay làm mọi thứ dễ dàng hơn. 2024 sắp đến, hãy bắt đầu với từng “chiến thắng” nhỏ để đạt được thành công lớn về sau nhé!

Happy Live Team

Nguồn: Vietcetera

Có thể bạn quan tâm:

TINY HABITS: Thói quen tí hon Tiềm năng khổng lồ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề