Elon Musk ‘huỷ diệt’ thị trường lao động công nghệ, có vị trí kỹ sư trả lương tới 12 tỷ đồng/năm khiến loạt đối thủ ‘đói’ nhân sự
Thông tin được tờ Business Insider khai thác dựa trên dữ liệu tiền lương của OpenAI và xAI trong năm 2024.
Elon Musk ‘huỷ diệt’ thị trường lao động công nghệ
Hồi tháng 8, tỷ phú Elon Musk đệ đơn kiện OpenAI và CEO Sam Altman, tố cáo công ty đứng sau ChatGPT trả lương thưởng quá xa xỉ khiến đối thủ cạnh tranh “chết đói”.
Đánh giá về tuyên bố này, tờ Business Insider đã phân tích dữ liệu tiền lương của OpenAI và xAI trong năm 2024. Đây là tài liệu các công ty phải nộp khi tuyển dụng lao động nước ngoài theo dạng thị thực đặc biệt, chẳng hạn như H-1B.
xAI, được Musk mở ra vào tháng 7/2023, có quy mô khá nhỏ so với OpenAI – do Musk đồng sáng lập năm 2015. Theo công ty nghiên cứu công nghệ và vốn thị trường PitchBook, xAI hiện có khoảng 100 nhân viên, trong khi OpenAI là khoảng 3.000 nhân viên. Dựa trên thông tin gửi lên Cơ quan Hải quan và Di trú Mỹ, cả hai đều trả cao hơn mức trung bình của ngành, lần lượt 37% và 87%.
Theo quy định, người có thị thực H-1B phải được trả ít nhất ngang mức lương trung bình. Trong khi đó, lương cho 10 vị trí có đơn xin thị thực chuyên ngành tại xAI dao động từ 250.000 đến 500.000 USD (12 tỷ đồng), cao nhất là vị trí kỹ sư máy học cao cấp. 86 vị trí tương tự tại OpenAI trả lương từ 145.000 đến 530.000 USD, trong đó một số thành viên thuộc đội ngũ kỹ thuật kiếm được số tiền cao gấp 3 lương trung bình.
Ngoài ra, trong bảng thống kê, trừ hai công việc đầu, lương trung bình ở nhiều vị trí tại OpenAI chỉ bằng 55-93% so với xAI.
Theo Financial Times, sự “hiếu động” của các công ty trong làn sóng cường điệu AI đã vô hình chung mở ra một cuộc chiến tranh giành nhân tài. Hiện tại, ngay cả những kỹ sư tương đối trẻ tại các công ty nghiên cứu hàng đầu như DeepMind hay Anthropic cũng đã có thể yêu cầu mức lương bảy con số. Một số kỹ sư cao cấp hơn có thể kiếm tới 10 triệu USD.
Jordan Jacobs, đối tác quản lý của Radical Ventures – công ty đã đầu tư vào khoảng 50 công ty khởi nghiệp AI trên toàn cầu, cho biết: “Không nghi ngờ gì nữa, rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến nhân tài khổng lồ. Trên đỉnh kim tự tháp là những người có thể xây dựng các mô hình nền tảng. Rất ít người có thể làm được điều đó và các tổ chức sẵn sàng chi tiền để kéo họ về”.
Dễ dàng nhận ra, các công ty công nghệ lớn đang chi khoản tiền khổng lồ chiêu mộ những bộ óc giỏi nhất về trí tuệ nhân tạo. Mục đích cuối cùng nhằm giữ cho riêng mình một vị thế vững chắc trên thị trường.
Chẳng hạn, Google mới đây đã phải chi gần 3 tỷ USD để chiêu mộ lại Noam Shazeer – người từng nghỉ việc tại Google vào năm 2021 để thành lập công ty riêng là Character AI sau khi gã khổng lồ tìm kiếm từ chối phát hành chatbot do chính ông phát triển.
“Noam rõ ràng là một người tuyệt vời trong lĩnh vực này”, Christopher Manning, giám đốc Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Stanford, cho biết. “Liệu ông ấy có giỏi hơn những người khác gấp 20 lần không?”.
Đây là một bước ngoặt đáng chú ý kể từ khi Noam Shazeer công khai cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm quá ‘nhút nhát’ khi phát triển AI. Vị kỹ sư 48 tuổi hiện là một trong ba người dẫn đầu nỗ lực của Google nhằm xây dựng phiên bản tiếp theo của Gemini.
Vũ Anh
(Theo: Financial Times, Business Insider, Nhịp sống thị trường)