FED và chu kỳ “xén lông cừu”
Đến thời điểm hiện nay, tổng số tiền Fed cung cấp ra thị trường thông qua các gói kích thích, viện trợ của nhiều quốc gia trên toàn cầu (đã thực hiện và cả cam kết) lên tới hàng chục ngàn tỷ USD nhằm giải cứu kinh tế thế giới khỏi nguy cơ suy thoái vì dịch bệnh Covid-19. Trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 3.000 tỷ USD tính đến cuối tháng 4, chưa kể các biện pháp bổ sung khác làm lượng tiền tăng lên, khiến tổng nợ quốc gia của Mỹ lên tới 25.000 tỷ USD.
Thời điểm tranh cử tổng thống, ông Donald Trump luôn than phiền nợ công tăng quá nhanh dưới thời Obama. Nhưng sau khi vào Nhà trắng, ông Trump buộc phải mạnh tay chi để duy trì chu kỳ kinh tế tăng trưởng vốn đã quá dài (11 năm) và sắp tới giúp kinh tế Mỹ vượt qua dịch bệnh.
Tác động sâu xa
Cần lưu ý, Covid-19 không phải là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay và đẩy kinh tế toàn cầu lao dốc. Trước đó, thương chiến Mỹ – Trung, bất ổn Trung Đông và hàng loạt vấn đề như hậu quả của khủng hoảng 2008 vẫn chưa giải quyết xong.
Thậm chí, vụ bê bối Enron thời 2000-2001 đã dẫn tới “cho vay nợ dưới chuẩn”, vẫn phủ bóng đen lên kinh tế hiện nay. Các ngân hàng trung ương (NHTW) lúc đó lại đóng vai trò giải cứu trước bối cảnh hàng loạt công ty phá sản, khiến họ phải hành động thật nhanh là hạ lãi suất và bơm cung tiền ra lưu thông.
Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ do doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng vọt, nên không vay tiền khi nợ cũ chưa trả được, hàng tồn kho tăng, hàng bán không được… Fed buộc phải dùng chiêu “cho vay nợ dưới chuẩn”, nghĩa là các khoản vay đều được “dẹp chuẩn”, nhằm kích hoạt việc vay tiền để thúc đẩy kinh tế và tiêu dùng.
Lúc đầu mọi việc có vẻ đúng, nhưng sau một thời gian tốc độ tăng trưởng kinh tế không tăng tương ứng với tốc độ bơm tiền, vàng, dầu, chứng khoán và bất động sản một cách khủng khiếp, Fed nhanh chóng phát hiện “cho vay nợ dưới chuẩn” đã quá đà và có dấu hiệu mất kiểm soát, lập tức ngưng lại và yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) trả lại tiền.
Do không có tiền trả vì đã cho vay ra hết, các NHTM đã phải bán tháo bất động sản và các tài sản khác để trả nợ. Khủng hoảng xảy ra khắp nơi, đến mức nhiều người đã vay tiền mua nhà, giá nhà giảm đến mức bán xong vẫn không đủ trả lãi vay chưa nói đến trả tiền nhà, đã bị ra đường.
Hàng loạt vụ lừa đảo bị đổ bể trong giai đoạn này, nhiều mô hình Ponzi bị vỡ lở, điển hình là vụ Bernard Madoff chủ mưu vụ lừa đảo năm 2008 với số tiền thất thoát ở thời điểm đó khoảng 65 tỷ USD, tương đương trăm tỷ USD thời điểm hiện tại, đã đẩy nhiều người, tổ chức, doanh nghiệp vào đường cùng. Khi đó Fed lại phải hành động, lần lượt kích hoạt các gói QE (nới lỏng có định lượng).
Sau khi kinh tế Mỹ và thế giới bắt đầu đà tăng trưởng trở lại, nhận thấy không thể để cục nợ khổng lồ như vậy, đến năm 2015 Fed bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Đến cuối 2018 khi dấu hiệu kinh tế đi xuống, rồi dịch Covid-19 xuất hiện, làm Fed một lần nữa đảo ngược chính sách để lo ưu tiên giải quyết bài toán kinh tế tăng trưởng trước khi lo giải quyết “bom nợ” vốn đã phình to.
Thị trường tài chính chao đảo
Hoạt động “bơm – hút – thổi” của Fed dù khá nhịp nhàng vẫn làm thị trường tài chính chao đảo. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) không nắm bắt kịp theo hành động của Fed cũng như không hiểu các hoạt động tài chính phức tạp do các NĐT lớn và cực lớn tạo ra, đã phải “lên đường”. Và điều kinh khủng nhất là mặt trái những gói cứu trợ đã giúp Mỹ dịch chuyển bớt những khó khăn của mình để “san sẻ” cho các quốc gia khác chịu bớt, cũng như xuất khẩu lạm phát đi toàn thế giới.
Đơn giản do USD là đồng tiền được dự trữ và thanh toán quốc tế lớn nhất thế giới. Vì thế, khi Fed bơm tiền ra lưu thông, không chỉ nước Mỹ mà các nước khác cũng sẽ vay đồng USD. Khi họ vay được (bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ) đem về nước họ và phát hành tiền quốc gia cho vay trong nước. Người dân và doanh nghiệp vay tiền sẽ phải có tài sản thế chấp, và như vậy NHTW lại tiếp tục bơm tiền ra (đã có tài sản đảm bảo).
Quy trình này cứ thế được lặp lại cho đến khi lạm phát gia tăng và Fed quay sang hút tiền, bỏ lại một núi nợ cho thế giới. Khi đó quy trình “xén lông cừu” được kích hoạt. Và khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người mới vỡ lẽ hầu hết tài sản của họ đều được tài trợ bởi nợ.
Với sức mạnh kinh khủng của USD nên cứ 10 năm lại có cuộc phát động đòi thay thế USD, gần đây là từ Trung Quốc. Chu kỳ “xén lông cừu” trung bình khoảng 8-13 năm/lần, tùy các sự kiện kinh tế và các phản ứng của con cừu và bầy sói cùng NĐT cỡ bự. Lần xén lông này còn có sự tham gia của đồng Bitcoin.
Yếu tố bất ngờ từ Covid-19
Như vậy, việc Fed tăng lãi suất, thắt chặt cung tiền đồng thời kéo theo các nước khác cũng phải tăng lãi suất, dẫn đến các dòng tiền mới không được tạo ra làm khối lượng lớn tài sản như bất động sản, chứng khoán được thổi giá phải trở lại… mặt đất. Trước mắt việc bơm tiền lần này đã có hiệu quả ngay khi Fed và các NHTW công bố các gói kích cầu, chứng khoán toàn cầu tăng dựng đứng, nhiều thị trường lấy lại phần lớn những gì đã mất và bước vào “thị trường con bò tót” (giá tăng).
Vàng, USD, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp hút hàng; vàng liên tục lập các đỉnh mới, dù số liệu kinh tế khắp nơi lao dốc, doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp khắp nơi.
Với khối lượng lớn tiền tập trung vào các tài sản an toàn như trái phiếu, vàng, tiền mặt đồng hành cùng với USD, các tài sản như chứng khoán và bất động sản khó hưởng lợi trong dài hạn.
Tuy nhiên, lần này mọi thứ vẫn có thể trở lại mặt đất, không cần phải tăng lãi suất hay thắt chặt cung tiền theo cách cũ, mà đã biến thể sang phiên bản mới nhờ Covid-19. Cho dù thế giới đang ngập trong tiền nhưng tiền đó chủ yếu ngập trong… nợ (nợ toàn cầu đã lên tới 260.000 tỷ USD), các khoản tiền mới từ đi vay hay “tiền trực thăng” cũng chủ yếu dành để duy trì sự tồn tại nhằm… trả nợ.
Song song đó, đồng tiền các quốc gia khác cũng giảm giá khi họ phải “chạy đua vũ trang” giống Fed nhằm hạ giá đồng tiền của mình để cân bằng lại với USD, cũng góp phần đẩy USD tăng. Dịch bệnh cũng làm doanh nghiệp khó khăn, đẩy nền kinh tế tuột dốc, tình trạng bán tháo và mất thanh khoản xuất hiện khắp nơi.
Trong khi đó, dòng tiền còn lại cần để phòng thủ trước khi tấn công, ít nhất đến khi dịch bệnh được kiểm soát và cả khi nhiều thành phần kinh tế khác kiệt quệ, tài sản giá trị ở mức giá rẻ.
Số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy các NHTW, quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn… vẫn liên tục mua vàng vào thời gian gần đây cho tới tận quý I-2020, đã hỗ trợ cho vàng không ngừng leo dốc và hiện tại đã đạt đỉnh 8 năm. Như vậy, những tài sản rủi ro như chứng khoán hay bất động sản sẽ khó được hưởng lợi, dù trong ngắn hạn vẫn kích thích giới đầu cơ, lướt sóng.
Nguồn: TraderViet
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán