Franklin D. Roosevelt – Vị Tổng thống khuyết tật duy nhất tại vị 4 nhiệm kỳ
Franklin Delano Roosevelt hay Franklin D. Roosevelt (1882-1945) là nhân vật nổi tiếng và người khuyết tật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới thế kỷ XX. Ông lập kỳ tích hy hữu trong lịch sử nước Mỹ – 4 lần đắc cử Tổng thống (trong những năm 1933-1945).
Liệt nửa người 4 lần thắng cử Tổng thống
Khởi đầu sự nghiệp chính trị, tháng 8/1921 trong thời gian nghỉ cùng gia đình trên đảo Campobello ở Canada, Roosevelt lực lưỡng đầy sức sống bất ngờ bị biến thành người tàn tật. Đang bơi con thuyền thể thao, ông trượt chân rơi xuống dòng nước lạnh cóng ở vịnh Funda. Ngày tiếp theo hết mình giúp mọi người dập tắt đám cháy lớn bất ngờ bùng nổ trên hòn đảo nhỏ, sau đó Roosevelt nhảy xuống hồ nước ngọt tắm táp. Trở về nhà, ông leo lên giường ngủ. Khi tỉnh giấc, người ông nóng hệt hòn than bởi sốt cao cùng những cơn đau dữ dội toàn thân và trở thành bệnh nhân bị liệt từ thắt lưng trở xuống.
Trong thời gian dài các bác sĩ không biết, nạn nhân mắc bệnh gì. Mãi sau nhiều tháng thăm khám, xét nghiệm và hội chẩn, hội đồng khoa học bệnh viện thống nhất kết luận: Roosevelt bị bệnh viêm tủy xám, còn gọi là bại liệt trẻ em hoặc polio (tiếng Latin: Poliomyelitis. Bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi trùng Poliovirus). Bệnh bại liệt đã biến người đàn ông 39 tuổi khỏe mạnh thành con người tàn phế vĩnh viễn. Giai đoạn đầu tiến triển bệnh, Roosevelt bị đe dọa liệt toàn thân và mù lòa cùng những cơn đau buốt óc. Các bác sĩ đã lắp cho người bệnh cặp nẹp chân bằng kim loại. Can thiệp vào mọi chuyện, bà mẹ những muốn con trai tàn phế từ bỏ sự nghiệp hoạt động chính trị, giam mình ở Hyde Park, bên trong trang trại gia đình nhà Roosevelt.
Roosevelt, Tổng thống Mỹ (ngồi giữa), bên trái là Thủ tướng Anh Churchill, bên phải là lãnh tụ Liên Xô Stalin.
Tuy nhiên, Eleonora – vợ Roosevelt kiên quyết phản đối dự định của mẹ chồng. Được vợ và bạn thân, Tổng biên tập Thời báo New York động viên, bệnh nhân đặc biệt quyết định vượt qua mọi sự trớ trêu của số phận. Sau thời gian ngắn, nhờ ý chí mạnh mẽ và hàng ngày tập luyện tích cực, Roosevelt đã giành lại một phần khả năng chi phối cơ thể, có thể tự ngồi dậy và cử động hai tay. Cuối tháng 12/1921, Roosevelt được xuất viện và trở về nhà trên phố 65 phía Tây Manhattan. Tuy nhiên, suốt đời ông phải gắn với xe lăn. Bất chấp khuyết tật, con người yêu đời không đánh mất cảm giác khôi hài bẩm sinh. “Cặp giò của tôi có thể không khỏe mạnh – Roosevelt bông đùa – song các vị hãy nhìn hai cánh tay tôi. Chắc chắn Jack Dempsey (vô địch quyền Anh nhà nghề thế giới, hạng nặng) cũng phải ghen tị”.
Bước ngoặt chữa trị di chứng bệnh polio của Roosevelt là vào mùa thu 1924, khi các bác sĩ phát hiện tác dụng hỗ trợ nỗ lực phục hồi chức năng kỳ diệu của suối nước nóng ở Warm Springs, bang Georgia. Roosevelt lập tức có mặt và nhẫn nại ngụp lặn trong dòng nước nóng, cố gắng tái khởi động cơ chân. Bệnh hiểm đã mang lại thời gian, để Roosevelt chiêm nghiệm sâu sắc, nó giúp ông tỉnh táo nhìn nhận nhiều vấn đề. “Nếu ai đó nằm liệt giường hai năm gắng sức ngọ nguậy ngón chân cái và cuối cùng đã thành công – Tổng thống Mỹ thứ 32 tương lai chia sẻ – khi ấy tất cả những công việc khác sẽ trở nên quá dễ”.
Sau gần hai năm thực hiện nhiều đợt trị liệu tắm nước suối nóng có kết quả (đôi chân liệt hoàn toàn đã có thể tập tễnh đi lại), đầu năm 1926 Roosevelt mua một khu điều dưỡng ở Warm Spring và biến nó thành Trung tâm Thủy liệu pháp dành cho bệnh nhân bại liệt. Trung tâm này đến nay vẫn duy trì hoạt động.
Năm 1928 đánh dấu thành công quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Roosevelt. Ông đắc cử Thống đốc bang New York, mở đường để 4 năm sau (tháng 3/1933) bắt đầu kỳ tích trở thành Tổng thống Mỹ 4 nhiệm kỳ liên tiếp đến ngày qua đời (1945). Trong thời gian triển khai cuộc vận động bầu Tổng thống nhiệm kỳ đầu (cuối năm 1932 – đầu 1933) Roosevelt đã vượt chặng đường trên 44 nghìn kilômet. Đó là nỗ lực phi thường với người chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn.
Sẵn có kiến thức của một luật sư giàu kinh nghiệm và có uy tín (tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Colombia), ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, những cải cách kinh tế – xã hội (New Deal) do Roosevelt khởi xướng đã dẫn đến kết thúc đại khủng hoảng kinh tế. Với vai trò ông chủ Nhà Trắng trong ba nhiệm kỳ tiếp theo, Roosevelt đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Liên Xô và tham gia tích cực nỗ lực giải quyết cuộc Chiến tranh Thế giới II. Roosevelt là tác giả Liên minh Chống phát xít. Cùng Thủ tướng Anh Churchill và lãnh tụ Liên Xô Stalin, Roosevelt đã góp phần tích cực giải quyết hiệu quả hàng loạt vấn đề liên quan đến số phận thế giới thời hậu chiến.
Đông đảo người Mỹ ngưỡng mộ vị tổng thống đã chiến thắng tật nguyền. Các nhiếp ảnh gia không bao giờ chụp hình Roosevelt trên xe lăn. Xem hình ảnh Roosevelt chụp chung với Churchill và Stalin, thật khó nghĩ rằng, ông là người tàn tật. Bằng cuộc chiến can đảm kéo dài nhiều năm của mình vượt lên chứng bệnh không thể chữa trị, Franklin Delano Roosevelt đã chứng minh với bản thân và thế giới thực tế sinh động: người khuyết tật vẫn có thể vươn tới thành công. Roosevelt xứng đáng là vị tổng thống nổi tiếng và chính khách vĩ đại của thế kỷ XX.
Hoàng đế tranh quảng cáo đại chúng
Andy Warhol sinh ra để nổi tiếng bằng nỗ lực dùng bút vẽ và bột màu biến lon nước súp cà chua cùng chai Cola-Cola tầm thường trở thành tác phẩm nghệ thuật gần như vĩnh cửu. Chính Andy Warhol là tác giả câu nói khôi hài nhưng tự tin nổi tiếng: “Mỗi đồ vật và con người được tôi giới thiệu sẽ có tối thiểu 15 phút vinh quang”.
Cuộc đời họa sĩ tài hoa, nhà tiên tri chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ là những giai thoại đầy ắp thông tin dị thường. 6 tuổi đã đi học và vào luôn lớp 2. Nổi tiếng hơn người từ nhỏ. 8 tuổi cơ thể chấm dứt tiết xuất pigment bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mắc bệnh bạch tạng, tóc ngả bạc chớp nhoáng và rụng từng mảng. 12 tuổi đội mũ cả khi đi ngủ vì mặc cảm trọc đầu. Suốt cả cuộc đời còn lại mang tóc giả. Là con út gia đình 3 anh em trai. Tính nhút nhát. Chỉ chơi với bạn gái. Lớn lên tự bạch, là người đồng tính. Từ thời là sinh viên đến khi qua đời chỉ biết một người phụ nữ duy nhất, đó là mẹ Julia. Cả mẹ và bố Andy đều là dân Slovakia di cư sang Mỹ cuối những năm 20, thế kỷ XX (Andy sinh năm 1928 ở Pittsburgh, Pensylvania). Bố là công nhân xây dựng các công trình giao thông thường xuyên vắng nhà đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Mẹ nội trợ, đến cuối đời vẫn không thể nói tiếng Anh thành thạo. Andy nhút nhát, sống khép mình, không thích bạn trai, phần lớn thời gian ở nhà sinh hoạt cùng mẹ.
17 tuổi trở thành sinh viên Khoa Hội họa, Viện Công nghệ Carnegie ở Pittsburgh. Andy nổi tiếng thay đổi sở thích nhiều như thay quần áo. Ngay năm thứ hai đại học, danh họa tương lai đã dành thời gian nhiều hơn cho vũ ba lê, bộ môn nghệ thuật khác xa hội họa. Tiếp theo là thời gian khá dài đắm đuối theo đuổi các khóa đào tạo đạo diễn điện ảnh và kỹ thuật quay phim. Song cuối cùng Andy vẫn gắn với bút vẽ và bột màu.
21 tuổi tổ chức triển lãm tranh đầu tiên. Tuy nhiên các tác phẩm tranh nghệ thuật của Andy không mang lại thành công mong đợi. Họa sĩ trẻ chuyển sang lĩnh vực sáng tác tranh quảng cáo, loại hình nghệ thuật dễ thâm nhập vào sở thích đông đảo công chúng. Hàng chục nhân vật nổi tiếng trong giới chính khách như cựu phu nhân Tổng thống Kennedy, Jacqueline Onassis, các minh tinh màn bạc và ca sĩ (Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, Marlon Brando, Elisabeth Taylor và Elvis Presley) được danh họa dựng chân dung trở nên nổi tiếng hơn. Theo một số nhà nghiên cứu, chân dung nhân vật của Andy Warhol “hút hồn” đông đảo công chúng bởi phương pháp sáng tạo dị thường của tác giả. Tất cả nhân vật trong tranh Warhol đều bị tước bỏ mọi dấu vết mang tính tâm lý. Giới thiệu Marilyn Monroe, Warhol loại bỏ sắc đẹp hiếm gặp và không lặp lại của người đẹp. Gương mặt Monroe không khác gì một hàng hóa, tương tự chai Coca-Cola hoặc lon nước súp Campbell.
Tác phẩm của Andy được các nhà xuất bản, các doanh nghiệp đón nhận nồng nhiệt và trả giá cao. Chưa đầy 30 tuổi, danh họa đã có tiền tậu nhà 3 tầng trên đường phố sầm uất New York. Chàng đồng tính độc thân sẵn tình cảm gắn bó với mẹ Julia từ tuổi ấu thơ đã đón mẹ từ Pittsburg lên sống chung. Mẹ ở tầng trên, con tầng dưới, song vì đắm đuối với công việc sáng tác cùng đủ dạng mối quan hệ với những đối tượng cùng giới trong cộng đồng nghệ sĩ, cả ngày hai mẹ con chỉ gặp nhau vào thời gian bữa ăn sáng.
Hoàng đế tranh quảng cáo đại chúng đột ngột qua đời khi mới 58 tuổi (năm 1987) tại một bệnh viện lớn ở New York vì biến chứng sau ca phẫu thuật cắt túi mật. Tử vong bởi loạn nhịp tim là nội dung thông báo chính thức. Cách đây vài năm tại New York, hai tác phẩm của Andy Warhol: Chân dung tự họa và 8 Elvis (Elvis Presley) lần lượt được bán với giá 30 và 100 triệu USD, một kỷ lục thế giới thuộc lĩnh vực tranh quảng cáo.
Nguồn: Sức khoẻ đời sống