fbpx

4 bài học đầu tư khi Gen Z đem tiền “ôm mộng làm giàu”

Mất luôn số tiền dành dụm trong suốt 3 tháng làm thêm hồi năm nhất Đại học, cô nàng đã rút ra kha khá “bài học xương máu” khi mới chập chững bước vào đầu tư chứng khoán.

Là một 2k, lại là sinh viên ngành Tài chính nhưng trải nghiệm về đầu tư tiền bạc của mình cũng “đau đớn” phải biết. Mình sẽ liệt kê ra những sai lầm đã từng gặp phải theo từng giai đoạn khi mới tập tành đầu tư và những bài học từ chúng.

Bài học 1: Liều chưa chắc ăn nhiều

Khi mới là sinh viên năm nhất, bên cạnh việc đi học trên trường, mình đã kiếm một công việc làm thêm tính theo giờ. Từ việc ở ghép với nhiều bạn cùng với chi tiêu hợp lí, mình đã tiết kiệm được kha khá tiền để dành trong suốt ba tháng lao động cực lực. Nhờ sự giới thiệu của bạn bè và các anh chị cùng chỗ làm, mình quyết định đem tài sản tích cóp được đầu tư … chứng khoán .

Với thị trường chứng khoán những năm 2018 chưa sôi nổi nhiều như hiện nay, cộng với kiến thức thị trường khá mù mờ, mình như một con vẹt học nói. Thấy mọi người rần rần mở tài khoản, mình cũng mở theo, thấy các anh chị đầu tư mã nào, mình cũng nhảy vô chốt mua nốt với hi vọng sinh lợi càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, với số tiền tiết kiệm hạn chế, mình chỉ chốt mua được 2 mã cổ phiếu có mức giá trung bình từ 13.000 – 20.000/ cổ phiếu mà chưa qua tìm tòi hay nghiên cứu gì cả.

Nhưng hỡi ôi, ngay sau khi khớp lệnh, thị trường đỏ toàn tập, VN-Index và VN-30 đồng loạt giảm điểm khiến mình sốc toàn tập, từ đó giá cổ phiếu 2 mã mình mua cũng giảm như đứt phanh, số tiền mình dành dụm bốc hơi lên đến 30-40%. Nhìn tài khoản màu đỏ như hoa dâm bụt mà lòng mình bất an mất ăn mất ngủ.

Kết luận: Liều chưa chắc ăn nhiều, muốn đầu tư không chỉ cần bỏ tiền và đợi sinh lợi, mà cần thời gian học hỏi và am hiểu thị trường, đồng thời với những người đầu tư cần học cách quản lý cảm xúc, kiên định và tỉnh táo, tránh hiệu ứng tâm lý FOMO (hiệu ứng tâm lý khi người chơi chứng khoán so sánh bản thân với người khác, lo sợ rằng họ đang đứng ngoài cuộc chơi và điên cuồng đầu tư theo số đông) khiến bản thân đưa ra các quyết định sai lầm và rủi ro.

Bài học 2: Cầm tiền đừng để tiền rơi

Rút kinh nghiệm từ lần đầu tư “thất thần lên tận cung trăng” trước, mình bắt đầu tâm lí dè chừng hơn. Sau khi cắt lỗ chứng khoán cùng với tiếp tục cày làm thêm để tích cóp một khoản mới, mình đi mở sổ tiết kiệm.

Với tâm thế ăn chắc mặc bền, mình thấy rằng mở sổ tiết kiệm thời điểm đó là phù hợp, với lãi suất hằng năm dao động từ 5 – 5,5%/ năm. Mình thấy như vậy là vô cùng hợp lý, ít nhất nếu thị trường hay nền kinh tế biến động, tiền sẽ không mất đi, nếu lãi thấp hơn kỳ vọng thì tiền gốc vẫn còn.

Bên cạnh đó, được các dì các bà tư vấn nên đầu tư vàng bởi “vàng chỉ toàn có tăng giá, chưa bao giờ thấy vàng giảm lần nào, mua chỉ có lời”. Mình tìm hiểu thị trường và đúng thật, giá vàng luôn có những đợt biến động, dao động lớn trong 10 năm qua. Với sự tư vấn nhiệt tình như vậy, mình đâm đầu đi mua… sợi dây chuyền vàng 1,5 chỉ.

Tuy nhiên, đối với hình thức sổ tiết kiệm, dù tiền không mất đi, nhưng số lãi sinh lời cũng không khá khẩm bao nhiêu, thêm việc ngân hàng yêu cầu gửi tiền theo kỳ hạn tối thiểu từ 6-12 tháng, khiến mình không thể rút ra khoản tiền khi có việc cần.

Đối với hình thức đầu tư vàng, vì vàng mình mua là loại trang sức, nên thông thường các tiệm vàng thường tính thêm một khoản tiền phí thủ công (phí thợ), đồng thời vàng trang sức nên chi phí khấu hao khá nhiều, mình không những không lời được đồng nào mà mất luôn khoản phí thủ công nữa.

Kết luận: Nên lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với kỳ vọng của bản thân và khoản tiền mà bạn có, đừng “cố đấm ăn xôi” ở những hình thức đầu tư mà bạn không có cơ hội sinh lợi hoặc kiếm lời từ nó.

Nên mua vàng miếng hay vàng nhẫn để tích trữ

Bài học 3: Chia rượu đều tay

Với nhiều kênh đầu tư đã trải qua, xác định được mức độ chịu rủi ro thấp nhưng lại muốn khả năng sinh lời tốt. Vậy là khi có 10 triệu trong tay, mình quyết định quay lại thị trường chứng khoán, phân tích thị trường và lựa chọn những mã cổ phiếu bluechip (loại cổ phiếu do các công ty có vốn hóa thị trường lớn phát hành), sau khi phân tích thị trường và chắc chắn điểm mua vào, mình quyết định rót hết tiết kiệm vào một mã bluechip duy nhất (giá hơn 90.000VNĐ/ cổ phiếu).

Sau khi mua được 3 tuần, mình phát hiện nhiều mã cổ phiếu penny (loại chứng khoán có mệnh giá nhỏ, do các công ty có vốn hóa nhỏ tung ra thị trường) có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn mà giá bình quân ở mức thấp đến trung (từ 7.000 – 40.000VNĐ/ cổ phiếu) nhưng cũng đã muộn màng khi mình đã đổ hết tiền tiết kiệm chỉ với một mã duy nhất. Quá tiếc nhưng cũng không thể làm được gì hơn.

Kết luận: Nên phân bổ tài khoản đầu tư hợp lí, có thể phân ra tỉ lệ đầu tư 60-40 hoặc 50-50 cho tỷ lệ cổ phiếu bluechip – penny.

Blue-chips “làm trò” với phái sinh, cổ phiếu penny tím ngắt

Bài học 4: Đi một ngày đàng học được… một ít

Dẫu biết rằng lợi nhuận là mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các bạn trẻ, tuy nhiên với kinh nghiệm còn non nớt và chưa có cái nhìn lớn về thị trường, rất nhiều bạn trẻ đã đánh mất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian của bản thân chỉ để mong chờ từng đồng lợi nhuận mà mình đã đầu tư.

Đối với bản thân mình, đầu tư, dù bất cứ hình thức nào, cũng đã mang lại nhiều bài học đắt giá về quản lý tài chính, vòng xoay dòng tiền và hướng đến những mục tiêu mới tốt đẹp hơn. Vì vậy, mình cho rằng những va vấp khi mới đầu tư là không thể tránh khỏi, cái quan trọng là bạn có rút ra được bài học và cách khắc phục hay không.

Kết luận

Suy đi tính lại, đối với sinh viên hoặc các bạn mới ra trường, việc đầu tư sinh lợi là có thể nhưng với số tiền nhỏ, các bạn nên phân bổ hợp lý cho cả việc chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, đồng thời học hỏi tìm tòi thị trường, lựa chọn hình thức đầu tư và đưa ra các chiến lược đầu tư phù hợp với mức độ chịu rủi ro của bản thân. Và quan trọng nhất, đầu tư là một con đường dài, đòi hỏi sự chịu khó, nhẫn nại và cả biết nắm bắt thời cơ nữa nhé!

Đọc thêm 10 cuốn sách dành tuyển chọn dành cho NĐT F0 khi tham gia thị trường chứng khoán 

Happy Live Team

Nguồn: Cafef

Có thể bạn quan tâm ấn phẩm bán chạy nhất của Happy Live

Ngày đòi nợ – Phil Town

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề