George Soros từng thất bại đến mức chùn tay, hoài nghi khả năng tiên đoán của mình (Phần 2)
Nếu như ở phần một, chúng ta đã thấy một George Soros “bất khả chiến bại”, có khả năng “tiên đoán như thần” và nắm trong tay quyền sinh sát giá trị cổ phiếu và giá trị đồng tiền ở các nước. Thế nhưng, với lối đầu cơ mạo hiểm “được ăn cả ngã về không”, Soros có lúc đã vấp phải thất bại liên tiếp đến mức ông phải rút lui ở nhiều hạng mục đầu tư mà trước đây từng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho mình.
Soros – Một tay che cả bầu trời (tiếp theo)
Tháng 09.1992, Soros lại có một vụ đầu tư thành công. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1989, lãi suất ở Đức tăng lên và đồng mác có xu hướng tăng giá. Nhưng hầu hết các đồng tiền của EU bị buộc vào nhau theo cơ chế Tỷ giá Hối đoái (Exchange Rate Mechanism – ERM) của Hệ thống Tiền tệ châu Âu (European Monetary System). Vì vậy các nước khác phải tăng lãi suất của mình để duy trì tỷ giá hối đoái cố định.
Soros tiên đoán rằng chính phủ Anh sẽ không thể duy trì chính sách này được vì nền kinh tế Anh vốn đã suy yếu và có tỷ lệ thất nghiệp cao. Ông cho rằng nước Anh hoặc vẫn ở trong ERM nhưng phá giá đồng bảng hoặc rút khỏi ERM. Dù thế nào đi nữa, đồng bảng cũng sẽ mất giá. Từ dự đoán này, ông đầu cơ giá xuống vào đồng bảng và đầu cơ giá lên vào đồng mác bằng cách vay bảng mua mác, đồng thời còn đầu tư vào các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Giá trị các hợp đồng này cực lớn – 10 tỷ USD.
Khi Soros và các nhà đầu tư khác thực hiện hợp đồng, họ bán đồng bảng, do vậy tạo nên sức ép giảm giá với đồng bảng. Các ngân hàng trung ương cố gắng bảo vệ tỷ giá cố định, nhưng chẳng bao lâu chính phủ Anh đành buông tay và rút khỏi ERM đồng bảng mất giá thảm hại so với đồng mác. Chỉ trong một tháng Quỹ Quantum thu lợi nhuận khoảng 1 tỉ USD từ các hợp đồng đầu cơ giá xuống vào đồng bảng và 1 tỉ USD nữa từ các hợp đồng đầu cơ giá lên vào các đồng tiền châu Âu khác.
Cả thế giới biết đến Soros như kẻ làm mất uy tín của một trong những đồng tiền có giá trị bậc nhất thế giới. Tạp chí Economist gọi Soros là “người phá sập Ngân hàng nước Anh.” Sau năm 1992, Soros chuyển giao hầu hết các quyết định giao dịch của quỹ Quantum cho người nối nghiệp mà ông lựa chọn, Stanley Druckenmiller.
Năm 1993 là năm George Soros đạt mức thu nhập kỷ lục 1,1 tỷ USD, vượt trên tất cả các đối thủ tại phố Wall. Số tiền này thậm chí bằng lợi nhuận mỗi năm của tập đoàn bán đồ ăn nhanh khổng lồ khổng lồ McDonald. Những năm kế tiếp, Quỹ Quantum tiếp tục có một số vụ thắng lớn và thua lớn nữa.
Vào đầu năm 1997, Soros và Druckenmiller đã thấy trước sự suy yếu của đồng bạt Thái Lan nên trong tháng 1 và tháng 2, Quỹ Quantum đã đầu cơ giá xuống vào đồng bạt. Cuộc khủng hoảng nổ ra vào tháng Bảy, đồng bạt Thái tụt giá và các đồng tiền châu Âu khác tiếp tục mất giá, họ nghĩ rằng thị trường đã đẩy các tỷ giá này xuống quá thấp. Ví dụ như khi đồng ru-pi Indonesia giảm từ 2.100 ăn một USD xuống còn 4.000 ăn một USD, họ đã đầu cơ giá lên vào ru-pi và bị mất tiền khi đồng tiền này tiếp tục mất giá xuống còn 10.000 ăn một USD. Lần này thì họ đã đoán sai.
Với những dự đoán chính xác mang lại hàng tỷ USD, Soros được biết đến như một nhà đầu cơ tiền mặt “vĩ đại” nhất của thế kỷ XX. Điều đó cho thấy Soros không chỉ là một nhà kinh doanh có đầu óc nhạy bén, mà còn là một người cực kỳ thực dụng. Ông luôn đưa ra quyết định dựa trên những xét đoán về điều đúng và điều sai theo phương châm trên. Soros từng khiến bao nhiêu người phải khổ sở bởi quyết định của ông có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính quốc tế.
Theo các nhà phân tích, George Soros là nhà đầu cơ ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của ông mang tính trục lợi rất cao, đầu tư những khoản tiền lớn nhưng mang nhiều tính đánh bạc trên cơ sở những biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, sau sự kiện này, nhất cử nhất động của George Soros đều thu hút sự chú ý đặc biệt của các quan chức chính phủ và ngân hàng trung ương của tất cả các nước.
Nước Nga cũng đã từng là nạn nhân của George Soros trong cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 8.1998 khi giới đầu cơ quốc tế tấn công vào đồng Rúp. Ông đã đưa ra những lời bình luận không có lợi khiến ngay trong giờ đầu tiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nga đã tụt 12% và chỉ 5 ngày sau đồng Rúp đã mất tới 25% giá trị. Điều này giải thích cho sự đón tiếp lạnh nhạt của người Nga khi Hiệp hội “Vì một xã hội mở” của George Soros mở chi nhánh tại nước này.
George Soros không phải là bất bại
George Soros gặt hái nhiều chiến tích trên thị trường tài chính, nhưng điều đó không có nghĩa là George Soros không bao giờ thất bại. Đó cũng là một đặc thù của thị trường tài chính mà các nhà đầu tư cần quan tâm. Một thành tích trong quá khứ không thể bảo đảm cho thắng lợi trong một phi vụ đầu tư ở tương lai.
Cú ê mặt lớn nhất của ông xảy ra vào tháng 10.1987 khi dự đoán TTCK Mỹ chưa đến thời điểm xuống dốc. Nhưng chỉ vài ngày sau đã diễn ra sự kiện “Ngày thứ hai đen tối” khi chỉ số Dow Jones giảm 508 điểm, tức 22,61% chỉ trong một ngày. Đây là mức giảm ghê gớm nhất trong vòng một ngày kể từ khi TTCK Mỹ thành lập. Sai lầm này khiến George Soros bị thiệt hại 300 triệu USD, ông trở thành một trong những cá nhân tổn thất nặng nề nhất trong vụ rớt giá kỷ lục đó.
Năm 1998 được coi là một năm thất bại nữa của George Soros, với 2 tỷ USD bị mất trong một vụ vỡ nợ tại Nga. Một năm sau, ông lại tiến hành một phi vụ lớn tại Mỹ khi dự đoán cổ phiếu Công ty Internet sẽ tụt dốc. Mặc dù dự đoán của ông đã đúng nhưng đợt thoái trào của các công ty “dot com” chỉ thực sự diễn ra một năm sau đó. Vì cú đầu tư sớm này mà ông tổn thất 700 triệu USD.
Năm 1999, quỹ lỗ 22% trong sáu tháng đầu năm, sau đó chuyển sang đầu tư vào các cổ phần công nghệ và cuối năm lãi được 35%. Việc đầu tư vào công nghệ và đầu cơ giá lên đồng euro đã khiến quỹ lãnh đủ vào đầu năm 2000. Trong bốn tháng đầu năm, quỹ lỗ 22%. Mệt mỏi với các cuộc chiến, Druckenmiller từ chức vào tháng tư năm đó.
Những thất bại khiến Soros chùn tay, ông tuyên bố rằng quỹ chuyển sang đầu tư vào những món lợi thấp hơn nhưng ít rủi ro hơn. Quỹ đã bị tụt từ 20 tỉ USD năm 1998 xuống còn 11 tỉ USD năm 2001. Sự việc còn trở nên tồi tệ hơn khi ông lao vào mua thêm cổ phiếu của hàng tá các công ty công nghệ cao đang có nguy cơ chết chìm. Mùa xuân năm 2000, chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq cuối cùng đã rớt thê thảm kéo theo gần 3 tỷ USD tiền đầu tư của George Soros.
George Soros – Thành công không chỉ là may mắn
Theo giới chuyên môn, thành công của George Soros chính là nghị lực phi thường cộng với sự phấn đấu không biết mệt mỏi. George Soros cho biết cũng như bao nhà đầu tư khác, để có quyết định đúng, ông phải thu thập các thông tin và phân tích chúng một cách tỉ mỉ, cộng thêm một chút bản năng vốn có và may mắn mới tạo ra được một sự thành công.
Ông cho rằng thị trường tài chính là nơi bất ổn nhất. Tại đó, các mức giá cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ phụ thuộc vào người mua và người bán mà đa số họ thường hành động theo cảm tính chứ không bằng những tính toán logic. Ông cũng tin rằng các nhà đầu tư khác, luôn chịu tác động lẫn nhau và có xu hướng dịch chuyển theo số đông. George Soros cố gắng hiểu được hướng đi của số đông đó. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định, ông sẽ tách khỏi xu hướng chung và đi con đường riêng có lợi nhất cho mình.
Xem lại phần 1 >> Tại đây
Nguồn: sách Những gương mặt nổi trội ở Wall Street
Có thể bạn quan tâm:
Các phương pháp giao dịch ngắn hạn hiệu quả
trên thị trường Forex – Kathy Lien
(Chiến lược để thu lợi từ sự dịch chuyển của thị trường tiền tệ)