Giá dầu có thể lặp lại kỷ lục 14 năm
Từ nay đến cuối năm, giá dầu có thể sẽ lặp lại mức kỷ lục trong 14 năm – 140 USD/thùng.
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết sẽ tổ chức một hội nghị của các ngoại trưởng EU trong tuần này, nếu 27 nước thành viên không thể đạt được thỏa thuận liên quan tới lệnh cấm vận dầu từ Nga. Một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU cũng được dự kiến tổ chức vào cuối tháng này và nếu có thể là thông qua lệnh cấm.
Giá dầu thế giới tuần qua đã tăng thêm 5%. Mức tăng này không quá lớn, bởi EU mới chỉ đưa ra đề xuất và lệnh cấm sẽ chỉ có hiệu lực sau 6 – 8 tháng nữa mới. Song về dài hạn, các chuyên gia đều đang nhận định, sức ép tăng giá trên thị trường dầu mỏ từ nay đến cuối năm sẽ là rất lớn.
Các ý kiến cứng rắn ủng hộ việc đẩy nhanh cuộc chiến năng lượng với Nga ở châu Âu cho rằng, lệnh cấm vận này sẽ có hiệu lực quá chậm, từ nay tới cuối năm thì Nga sẽ tìm được những khách hàng thay thế EU.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu lệnh cấm được thông qua ngay mà không có quá trình đệm, chuyển đổi tìm nguồn cung thay thế, các nước thành viên EU sẽ rơi vào cuộc chạy đua “gom dầu” từ mọi nơi, thậm chí là bất chấp mọi giá. Khi đó cầu sẽ vượt cung, gây thiếu hụt giả trên thị trường vàng đen. Dầu vì thế sẽ tăng giá mạnh, mức 140 USD/thùng – kỷ lục trong 14 năm dự kiến sẽ lặp lại từ nay đến cuối năm.
“Nếu tăng lên 110 – 120 USD/thùng, nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể chống đỡ được nhưng nếu mà tăng 130 – 140 USD/thùng sẽ rơi vào suy thoái. Các ngân hàng đầu tư họ bắt đầu đưa những kịch bản này vào trong những quyết định đầu tư hoặc cố vấn cho khách hàng của họ”, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn – Đại học Bristol, Vương Quốc Anh cho hay.
Ông Sergey Pikin – Giám đốc Quỹ Phát triển Năng lượng, Bỉ cho biết: “Các lệnh cấm vận được đưa ra vì lý do chính trị, nhưng sẽ tác động lớn tới mặt kinh tế. Giá dầu rồi sẽ tăng phi mã. Người tiêu dùng sẽ là chịu hậu quả lớn nhất”.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) khẳng định sẽ bám sát các kế hoạch tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ trong tháng 6 tới. Bất chấp lời kêu gọi từ các nước phương Tây, OPEC+ sẽ chỉ tăng sản lượng dầu thêm 432.000 thùng/ngày.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đánh giá lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu sẽ đẩy giá dầu quốc tế tăng cao, gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu đang mong manh và gây ít ảnh hưởng đến Nga vì dù giảm xuất khẩu thì nước này vẫn hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Theo bà Yellen, điều phương Tây cần tập trung là hạn chế việc Nga có được doanh thu từ bán dầu và khí đốt cho các đối tác khác.
Nguồn: vtv
Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao)