fbpx

Giá dầu thô đảo chiều, tín hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang nhanh chóng hạ nhiệt

Giá dầu thô và một số hàng hoá công nghiệp khác như khí đốt, đồng,… đã quay đầu giảm. Reuters cho rằng đây có thể là một dấu hiệu quan trọng khiến nhà đầu tư càng thêm hoài nghi về lập trường diều hâu kéo dài của Fed.

Những động lực thiểu phát

Hôm 4/1, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tụt xuống dưới mức của một năm trước, lần đầu tiên sau gần hai năm. Trước dầu Brent, các hàng hoá công nghiệp và năng lượng khác như khí đốt, đồng và bột mì cũng ghi nhận diễn biến tương tự.

Trong bối cảnh nhu cầu và hoạt động kinh tế đều chững lại, những “hiệu ứng cơ sở” này cho thấy lạm phát nhìn chung đã đạt đỉnh và có thể hạ nhiệt nhanh chóng trong những tháng tới, Reuters nhận định.

Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại không cho thấy rõ rằng họ sẽ “nới tay” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các quan chức Fed bận tâm đến khía cạnh lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ và việc thị trường lao động bị siết chặt, hơn là nguy cơ suy thoái ngày càng lớn dần.

Ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ khó cân bằng nếu tình trạng giảm phát trên các lĩnh vực quan trọng như năng lượng và hàng hoá vẫn tiếp diễn, sau đó nhanh chóng kéo lạm phát tiêu dùng đi xuống và quay trở lại mức mục tiêu 2% của Fed.

Ông Gregory Daco, kinh tế trưởng tại hãng tư vấn EY-Parthenon, cho rằng các động lực thiểu phát này sẽ tiếp tục mạnh lên, đến mức lạm phát tiêu dùng toàn phần của Mỹ có thể hạ xuống dưới mức 2% vào cuối năm nay.

“Các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục duy trì lập trường diều hâu nhưng họ sẽ gặp khó khăn để đưa ra luận điểm cho lựa chọn đó”, ông Daco chia sẻ với Reuters.

Không thiếu yếu tố bất ngờ

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương này muốn có “sự linh hoạt và nhiều tuỳ chọn” trong các động thái thắt chặt trong tương lai.

Song, họ nhấn mạnh rằng thị trường không nên coi định hướng đó như một dấu hiệu cho thấy cam kết chống lạm phát của Fed đang suy yếu. Cũng theo biên bản, không một nhà hoạch định chính sách nào kỳ vọng sẽ hạ lãi suất trong năm nay.

Dù vậy, rất nhiều thứ có thể thay đổi trong một năm ngắn ngủi. Hồi tháng 12/2021, biểu đồ “dot plot” của Fed cho thấy các quan chức dự đoán lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng lên mức 0,9% vào cuối năm 2022 và 1,6% vào cuối năm 2023.

Chiến sự tại Ukraine và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng – hai trong các yếu tố thúc đẩy lạm phát – lại không phải nhất thời. Kết quả là, lãi suất chuẩn tại Mỹ đã kết thúc năm 2022 ở mức trên 4%.

Theo một số nhà hoạch định chính sách và dự đoán của thị trường hiện nay, lãi suất tại Mỹ có thể sẽ chạm mốc 5% trong năm nay.

Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã đi xuống trong 5 tháng liên tiếp, từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6 xuống còn 7,1% vào tháng 11. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ còn tiếp tục hạ nhiệt.

Diễn biến của giá dầu thô sẽ giúp xác định tốc độ đi xuống của lạm phát. Ông Daco của EY-Parthenon ước tính rằng giá dầu giảm 10 USD thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ sụt 0,2 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Giá dầu Brent đã tụt xuống dướng mức 80 USD/thùng trong phiên 4/1. Chênh lệch giá giữa phiên 4/1/2023 và 4/1/2022 đã lần đầu tiên chạm mức âm trong gần hai năm.

Xu hướng trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhờ các hiệu ứng cơ sở, chẳng hạn như việc giá dầu Brent đã vọt lên mức cao nhất trong 14 năm là gần 130 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái và trên 100 USD/thùng vào tháng 7 cùng năm.

Trên đà đi xuống

Hiệu ứng cơ sở đối với giá của các mặt hàng năng lượng và hàng hoá khác cũng đang chỉ theo cùng một hướng, ở các mức độ khác nhau.

Theo Reuters, chênh lệch giữa giá dầu WTI ở thời điểm hiện tại và cách đây một năm đã chuyển sang mức âm kể từ tháng 11. Thước đo tương tự của giá đồng đã âm từ tháng 4.

Giá khí đốt tự nhiên giao dịch tại Mỹ cũng ghi nhận diễn biến tương tự, dù chỉ là trong một thời gian ngắn. Điểm đáng lưu ý là giá của loại nhiên liệu này chỉ mới đạt đỉnh 14 năm vào tháng 8.

Chi phí hàng hoá và năng lượng có tỷ trọng tương đối trong CPI. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, các hàng hoá trong lĩnh vực vận tải (không bao gồm nhiên liệu động cơ) chiếm khoảng 8% rổ hàng hoá để tính CPI, và năng lượng chiếm 7,5%.

Ông Danny Blanchflower, giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth và từng là nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Anh, cho biết lập luận thuyết phục nhất cho các hiệu ứng cơ sở đến từ chính các số liệu lạm phát chính thức.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng trung bình hàng tháng (không được điều chỉnh yếu tố mùa vụ) trong nửa đầu năm ngoái là 1%. Trong 5 tháng tiếp theo, tỷ lệ này đã hạ xuống mức 0,1%.

Nếu tỷ lệ lạm phát hàng năm nói chung là tổng tỷ lệ của 12 tháng thành phần, thì đà đi lên của lạm phát trong nửa đầu năm ngoái có thể sẽ tụt mạnh trong những số liệu sắp tới.

“Các hiệu ứng cơ sở đang giảm mạnh. Hoàn toàn có lý khi nghĩ rằng, chỉ dựa trên các hiệu ứng cơ sở, lạm phát sẽ lùi xuống dưới mức 2% vào tháng 6 năm nay”, ông Blanchflower cho hay. Ông lưu ý thêm rằng những đợt lạm phát lên cao luôn sẽ kéo theo sau quá trình thiểu phát, hoặc thậm chí là giảm phát mạnh.

Hà An

Vietnambiz

 

Các viết cùng chủ đề