Thách thức lớn…
Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2020 vốn ban đầu được kỳ vọng sẽ tiếp nối đà tăng trưởng từ chu kỳ 2009-2019, nhưng đã đảo lộn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Dịch bệnh lan rộng ở quy mô hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đang là thử thách chưa từng có của thế giới kể trong hơn 100 năm qua.
Đại dịch này ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội, tác động tới nền kinh tế các nước trên bình diện vĩ mô, cũng như hoạt động tài chính của các doanh nghiệp và người dân trên bình diện vi mô.
Các quốc gia đồng loạt thực thi các chính sách hỗ trợ kinh tế nhằm đối phó ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19: (1) Về chính sách tiền tệ: Hạ lãi suất điều hành, lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản; (2) Về chính sách tài khóa: Hoãn, giảm thuế và các loại phí; thực hiện các gói gỗ trợ…
Bên cạnh các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa, trên lĩnh vực chứng khoán – lĩnh vực được xếp vào nhóm trọng yếu, Việt Nam đã có một số biện pháp hỗ trợ như việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC giảm và miễn hoàn toàn đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán trong thời gian dự kiến là 5 tháng…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng dự kiến các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cá nhân sẽ nộp phí, lệ phí bằng 50% mức thu đối với 19 khoản lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 272/2016/TT-BTC…
Các giải pháp giảm phí chủ yếu là để hỗ trợ ngắn hạn, các thành viên thị trường cần hơn những sản phẩm mới và giải pháp căn cơ để doanh nghiệp có thể huy động được vốn, thu hút nhà đầu tư và phát triển dài hạn TTCK theo đúng chức năng.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại, có thể thấy rõ các giải pháp giảm phí chủ yếu là để hỗ trợ ngắn hạn, các thành viên thị trường cần hơn những sản phẩm mới và giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp có thể huy động được vốn, thu hút nhà đầu tư và phát triển dài hạn TTCK theo đúng chức năng.
Theo đó, đối với các mức phí hiện tại, đề xuất Bộ Tài chính xem xét lại chính sách thuế đối với TTCK (hiện là 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán) theo hướng cần đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho giảm hoặc miễn thuế trong một thời gian nhất định như đã từng áp dụng năm 2009.
Giải pháp này có thể giúp giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư, giúp họ trụ lại với TTCK ngay cả khi hoạt động đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Cần giải pháp mạnh
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, điều họ chờ đợi là Chính phủ làm rõ thông điệp ưu tiên phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các công cụ tài chính, các sản phẩm tài chính tiêu chuẩn, để nguồn lực tài chính chu chuyển nhanh chóng và hiệu quả thông qua các công cụ thị trường.
Cùng với đó, TTCK cần có những giải pháp thiết thực để xây dựng niềm tin và sức hấp dẫn các dòng tiền đầu tư.
Thứ nhất, nhà quản lý cần tập trung xây dựng chiến lược dài hạn, phát triển nhà đầu tư thay cho việc chỉ chú trọng phát triển nguồn cung, tăng trưởng quy mô thị trường, hướng tới giảm dần tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân, tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức có nguồn vốn và khả năng đầu tư dài hạn bằng cách xây dựng và cho ra đời các quỹ bảo hiểm, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí tự nguyện tham gia đầu tư trên TTCK.
Thứ hai, đề xuất Bộ Tài chính nâng mức đóng góp của doanh nghiệp và người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được miễn thuế lên tối thiểu là 2-4 triệu đồng/người/tháng, thay vì mức miễn trừ tối đa 1 triệu đồng/tháng như hiện tại – vốn chưa tạo được động lực, cũng như sức hấp dẫn để người lao động và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.
Theo khảo sát, tại các nước như Thái Lan, Philippines…, phần đóng góp vào quỹ được miễn thuế ít nhất bằng thu nhập GDP bình quân đầu người. Tại Việt Nam, GDP đầu người khoảng 2.000 USD/năm, tương đương 50 triệu đồng/năm, tức hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Thứ ba, để cải thiện sức cầu, cần triển khai rút ngắn thời gian giao dịch T+2 như hiện tại (thực chất là T+3) xuống T+2 đúng nghĩa và có lộ trình đưa về T+0.
Thứ tư, cần nghiên cứu và sớm triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR (sản phẩm này đã được đề cập tại Luật Chứng khoán sửa đổi 2019, nếu triển khai sẽ gỡ được nút thắt về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK. Điều này không chỉ thu hút thêm dòng vốn ngoại, mà còn hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng thị trường).
Thứ năm, cần phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm cơ cấu.
Bên cạnh các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chứng quyền có đảm bảo, cần phát triển thêm các sản phẩm hợp đồng tương lai cổ phiếu, quyền chọn cổ phiếu.
Với nhiều công cụ có tính chất đối xứng sẽ tránh được hiện tượng nhà đầu tư tập trung vào một công cụ, qua đó có thể chi phối thị trường cơ sở.
Một giải pháp khác cũng cần được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng, đó là cơ chế tự ngắt giao dịch. Trong trường hợp cần thiết, cơ chế này có khả năng ngăn nhà đầu tư phản ứng thái quá và có thêm thời gian để đánh giá mức giá hiện tại.
Chẳng hạn, TTCK New York có 3 mức ngắt mạch ở các mức 7% (Level 1), 13% (Level 2) và 20% (Level 3) của giá đóng cửa trung bình chỉ số S&P 500 cho ngày giao dịch trước đó.
Level 1 và Level 2 giảm dẫn đến việc ngừng giao dịch trong 15 phút (trừ khi chúng xảy ra sau 3 giờ 25 chiều, khi không áp dụng tạm dừng giao dịch).
Sự suy giảm Level 3 dẫn đến việc giao dịch bị đình chỉ trong phần còn lại của ngày. Hay tại TTCK Trung Quốc, từ ngày 1/1/2016, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút nếu chỉ số CSI 300 giảm 5% và ngừng giao dịch trong cả ngày hôm đó nếu mức giảm vượt quá 7%.
Kể từ khi mở cửa đến nay, TTCK Việt Nam đã huy động cho Nhà nước hơn 1,6 triệu tỷ đồng trái phiếu chính phủ, huy động cho các doanh nghiệp hơn 570.000 tỷ đồng cổ phiếu và trái phiếu.
Số liệu cho thấy, TTCK đã xác lập được vai trò là kênh huy động vốn trung – dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Dù vậy, huy động vốn từ TTCK vẫn còn khá khiêm tốn so với thị trường tín dụng. Nguyên nhân do các doanh nghiệp hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ ngân hàng, đồng thời tính thanh khoản của TTCK chưa cao, quy mô TTCK còn nhỏ so với tiềm năng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ tín dụng khu vực tài chính cung cấp cho nền kinh tế đạt xấp xỉ 8,2 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 130% GDP), trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức khá cao so với tăng trưởng GDP.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước đạt gần 988.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần quy mô huy động vốn trên thị trường cơ sở trong cùng năm.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, chuyển động chính sách phát triển TTCK sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm đặc biệt này để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và phát triển TTCK thành kênh thu hút đầu tư và huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Nguồn: Anh Pha