fbpx

Giải thích đơn giản cách thức thị trường chứng khoán hoạt động

Bài viết dành cho những người muốn học đầu tư và tìm hiểu cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán.

Giả dụ như bạn sáng lập một công ty sản xuất phụ tùng ngay trong garage nhà mình. Bạn bắt đầu bán phụ tùng và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Điều này cứ tiếp diễn vài năm cho đến một ngày đẹp trời, bạn bắt đầu dời xưởng sản xuất ra khỏi garage và chuyển sang một nhà máy nhỏ.

Giải thích đơn giản cách thức thị trường chứng khoán hoạt động

 

Nhu cầu mua phụ tùng của khách hàng ngày càng tăng lên đến mức nhà máy nhỏ của bạn không thể sản xuất kịp nữa. Bạn cần phải mở một nhà máy bự hơn nhưng thiệt không may – bạn không có đủ tiền. Có hai cách để tìm vốn xây nhà máy bự: Một là vay nợ, bạn tìm ai đó chịu cho bạn vay tiền với mức tiền lãi nhất định; Hai là tìm vốn góp.

Với phương pháp vay nợ, công ty của bạn phải trả vốn và lãi cho chủ nợ liên tục, dù cho bạn lời hay lỗ. Còn với phương pháp tìm vốn góp, thay vì trả tiền cho người góp, bạn cho họ sở hữu một phần của công ty. Và giả dụ như bạn bán ra 1000 cổ phần, thì mỗi cổ phần đều có giá trị bằng nhau. Những cổ phần của công ty mà bạn giữ không hơn gì những cổ phần khác – dù cho bạn có là nhà sáng lập của công ty đi nữa.

Giờ bạn đã xây xong nhà máy bự và mọi thứ đều hoạt động trơn tru. Những nhà đầu tư ban đầu (người góp vốn) khá hài lòng cơ mà nhu cầu phụ tùng trong thị trường lại tăng và công ty bạn lại phải tìm cách xây thêm nhà máy, kho bãi, thậm chí là đầu tư cho mấy ý tưởng mới của mấy ông kĩ sư bạn tuyển năm ngoái. Tất cả mọi thứ đều tốn tiền cơ mà chúng đều có khả năng sinh thêm nhiều lợi nhuận cho mấy nhà đầu tư. Giờ mấy nhà đầu tư của bạn muốn công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng, để thiên hạ tự do trao đổi quyền sở hữu công ty. Điều này mang lại 3 lợi ích lớn:

Thứ nhất, viêc đó giúp kiếm thêm vốn để xây thêm nhiều nhà máy lớn hơn;

Thứ hai, việc đó cho phép các nhà đầu tư ban đầu bán lại phần sở hữu công ty của họ cho người khác một cách dễ dàng hơn;

Thứ ba, việc đó cho phép các nhà đầu tư mới tham gia vào sở hữu công ty – những người đặt niềm tin vào sự phát triển của công ty bạn.

Giờ thì chúc mừng, bạn đã hoàn thành IPO (Phát hành cổ phiếu công khai lần đầu) cho công ty mình và giờ đã được liệt kê trên sàn chứng khoán. Dân thường giờ đã có thể mua cổ phiếu công ty bạn. Bây giờ bạn – với tư cách là CEO – bị ràng buộc bởi pháp luật nên phải ra sức mang lại lợi nhuận tối đa cho công ty và trả lại lợi tức (một phần lợi nhuận kiếm được) cho các nhà đầu tư.

Công ty của bạn làm ăn khấm khá vào năm tiếp theo, đã đến lúc thưởng cho các nhà đầu tư thông minh của chúng ta rồi. Có 3 cách để trả lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư:

Cách một: Bạn có thể trả cổ tức – lợi nhuận được chia đều theo số cổ phần hiện tại của công ty và được gửi đến những người giữ những cổ phần đó.

Cách hai: Bạn có thể mua lại cổ phần – công ty bạn sẽ giữ lại một phần lợi nhuận và mua cổ phần lại từ các nhà đầu tư với giá cao hơn giá thị trường.

Cách ba: Bạn có thể chọn dùng số lợi nhuận đó để đầu tư ngược trở lại công ty mình. Nghĩa là nếu bạn đầu tư khôn ngoan, những cổ đông (người sở hữu cổ phần) hiện tại sẽ sở hữu cổ phiếu của một công ty lớn hơn, mạnh hơn, và đương nhiên, có giá trị hơn.

 

Rồi thì năm nay làm ăn khá khẩm, có nhiều tiền lời nên bạn quyết định làm cả ba cái trên luôn:

Đầu tiên, bạn dùng một phần tiền để đầu tư vào một dự án mới mà bạn tin là sẽ thành công trong tương lai gần.

Tiếp đó, ban giám đốc bảo là các nhà đầu tư đang muốn nhận cổ tức. Họ muốn thấy được khoản đầu tư của họ thực sự sinh ra được tiền lời, NGAY BÂY GIỜ! Họ cũng đã kiên nhẫn chờ đợi vài năm rồi nên thôi, bạn đồng ý. Công ty của bạn quý này kiếm được 60 triệu đô-la và bạn đã dành 10 triệu đô cho đầu tư dự án mới. Sau khi trừ thuế doanh nghiệp là 21% thì bạn còn khoảng 40 triệu để chia cho nhà đầu tư. Công ty có 1,000,000 cổ phần, và trong số đó thì bạn đang nắm giữ 100,000 cổ phần.

Ban giám đốc đã họp và đồng ý sẽ trả cho nhà đầu tư 3 đô-la mỗi cổ phần. Các nhà đầu tư đều hài lòng, bạn thì cũng có cho mình 300,000 đô-la thu nhập.

Vậy là đi tong 30 triệu đô-la tiền cổ tức, bạn còn 10 triệu. Chả còn gì hay ho để làm, bạn – với tư cách là CEO công ty – quyết định dùng 10 triệu mua lại cổ phần từ những nhà đầu tư đang muốn bán. Sau khi họ rời đi, những khoản cổ tức tương lai sẽ có giá trị cao hơn (do giờ tổng số lượng cổ phần đang lưu thông ngoài thị trường đã giảm đi nên khi chia ra sẽ được phần nhiều hơn).

Nhìn chung thì đây chính là cách hoạt động của công ty, cũng như mối quan hệ giữa nó với cổ phiếu và các nhà đầu tư.

Giờ thì như tôi đã nói, các nhà đầu tư kiếm được tiền từ cổ tức, còn không thì họ kiếm tiền từ việc bán đi cổ phần của mình. Họ cũng chẳng cần phải đợi công ty mua lại cổ phần, họ có thể bán chúng ở thị trường tự do.

Giá cổ phần phụ thuộc vào tình hình làm ăn của công ty bạn. Nếu người ta nghĩ công ty bạn đang làm ăn phát đạt, và sẽ tiếp tục ăn nên làm ra trong tương lai, họ sẽ đồng ý trả nhiều tiền hơn để mua cổ phần. Và bạn cũng có thể kiếm lời từ khoản đầu tư của chính mình bằng cách bán lại cổ phần mình đang giữ ra thị trường – nơi nhiều người đang muốn mua với giá cao hơn.

Nguồn: Reddit

Các viết cùng chủ đề