Giảm lãi suất điều hành – chờ thêm bước tiến mới?
Hiện có không ít kỳ vọng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có động thái giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, trước mắt có thể là với hai loại lãi suất vẫn được giữ nguyên trong đợt điều chỉnh vừa qua là trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng và lãi suất tái cấp vốn.
Động thái bất ngờ nhưng là hệ quả tất yếu?
Ngày 17-3-2023, lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu về chỉ còn 3,4%/năm – thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, trong khi kỳ hạn một và hai tuần cũng rớt mạnh về tương ứng 3,66%/năm và 4,4%/năm. So với đỉnh cao một tuần trước đó, lãi suất qua đêm đã giảm mạnh 282 điểm cơ bản, kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng giảm lần lượt 263 điểm cơ bản và 209 điểm cơ bản.
Diễn biến lao dốc của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu từ ngày 15-3-2023, thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm ba trong năm loại lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Trước và sau thời điểm NHNN giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng kiến hàng loạt ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiền gửi, với mức giảm khá mạnh trong hơn một năm trở lại đây. Thậm chí có không ít ngân hàng giảm liên tiếp hai lần chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3, với tổng mức giảm hơn 1 điểm phần trăm. Xu hướng này phản ánh hệ thống đang dư thừa thanh khoản như thế nào, do đó động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN dù khá bất ngờ nhưng dường như là hệ quả tất yếu trong tình hình hiện nay.
Đánh giá về xu hướng giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, ngoài câu chuyện dư thừa thanh khoản, thì có lẽ sau khi nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng lần 1 năm 2023 của NHNN, với hầu hết chỉ tiêu được giao chỉ ở mức trung bình, cao nhất cũng chỉ ở 13,5%, thấp hơn mục tiêu chung toàn ngành cho năm nay dự báo ở 14-15%, các ngân hàng thấy rằng nhu cầu huy động vốn để phục vụ tăng trưởng tín dụng trước mắt là không lớn, vì vậy tiếp tục giảm lãi suất huy động là chính sách cần thiết để tối ưu hóa nguồn vốn trong tình hình hiện nay.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng sự sụp đổ mới đây của một số ngân hàng tại Mỹ như Silicon Valley Bank (SVB) Signature Bank hay Silvergate Bank, hay tại châu Âu là Credit Suisse, có thể khiến các ngân hàng trung ương (NHTƯ) ngừng lộ trình nâng lãi suất trong thời gian tới, thậm chí có thể sớm nới lỏng trở lại để hỗ trợ các thị trường tài chính. Thực tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng lớn tại Mỹ gần đây đã phải bơm tiền giải cứu các ngân hàng có nguy cơ sụp đổ kế tiếp, còn tại châu Âu thì NHTƯ Thụy Sỹ cũng bơm tiền hỗ trợ sau khi ngân hàng UBS đạt được thỏa thuận mua lại Credit Suisse.
Điều này có lẽ đã thúc đẩy NHNN chủ động đi trước đón đầu. Tuy nhiên, việc chỉ giảm ba trong số năm loại lãi suất điều hành, trong khi vẫn giữ nguyên trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng ở mức 6% và lãi suất tái cấp vốn 7% – hai loại lãi suất có mức độ lan tỏa cao hơn và tác động rộng hơn đến chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, cho thấy nhà điều hành vẫn giữ mức độ thận trọng và dường như đang “ném đá dò đường”.
Theo dõi tỷ giá, lạm phát và Fed
Hiện có không ít kỳ vọng cho rằng NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, trước mắt có thể là hai loại lãi suất vẫn được giữ nguyên trong đợt điều chỉnh vừa qua là trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng và lãi suất tái cấp vốn. Tình hình hiện nay cũng có không ít cơ sở hỗ trợ cho xu hướng lãi suất tiếp tục đi xuống.
Đầu tiên là gần đây một số ngân hàng, sau khi giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, cũng đã bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng, không còn niêm yết ở sát mức trần như trước. Đây có thể là tín hiệu khởi đầu cho thấy xu hướng lãi suất sẽ tiếp tục diễn biến tích cực hơn trong giai đoạn tới, mở đường cho chính sách giảm thêm lãi suất điều hành.
NHNN cho rằng việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn tại hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh hôm 16-3-2023, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết cần hạ lãi suất hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa cho DNNVV, trong đó có cả lãi suất cho vay ngoại tệ, lãi suất tiền gửi ngoại tệ, lãi suất vay tiêu dùng để thúc đẩy mạnh việc tiêu thụ.
Đáng lưu ý là lãi suất cho vay thực tế cũng đã có những bước giảm đầu tiên trong những tuần gần đây. Dù tốc độ giảm có thể chưa nhanh như lãi suất tiền gửi, nhưng việc một số ngân hàng công bố giảm lãi suất cơ sở cho thấy khả năng hạ lãi suất cho vay đang trở nên khả thi hơn. Với nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, thể hiện qua chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm nay ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%), tăng trưởng tín dụng chậm chạp, việc giảm lãi suất cho vay cũng chính là giải pháp cho hoạt động của các ngân hàng trong giai đoạn tới.
Dù vậy, có lẽ nhà điều hành sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tỷ giá, lạm phát và hành động của Fed trong những tháng tới để có quyết sách phù hợp. Trong khi tỷ giá được giữ ổn định nhờ sự giảm mạnh của đô la Mỹ trong những tuần qua, đặc biệt là sau những rối ren trên thị trường tài chính Mỹ khiến kỳ vọng tăng lãi suất của Fed suy yếu, ngược lại lạm phát đang mang đến lo ngại nhiều hơn.
Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng: “Kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của NHNN và chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong suốt năm 2023. Điều đó nghĩa là NHNN có thể phải hỗ trợ tiền đồng để tránh nhập khẩu lạm phát. Chúng tôi cũng kỳ vọng NHNN sẽ gia tăng dự trữ ngoại hối khi có cơ hội, sau khi sụt giảm đáng kể vào năm ngoái”. Việc NHNN mua ngoại tệ và bơm tiền đồng cũng là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ cho xu hướng lãi suất đi xuống.
Trong khi đó, về hành động của Fed, không loại trừ khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất nếu vẫn đánh giá vấn đề lạm phát duy trì ở mức cao nghiêm trọng hơn so với những bất ổn của các ngân hàng địa phương ở nước này gần đây. Thực tế là bất chấp những biến động thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 16-3-2023 vẫn tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm kiềm chế lạm phát, đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ cuối năm 2008.
Đặc biệt, việc NHNN cho biết đã có chỉ đạo nghiêm cấm các ngân hàng thực hiện biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, đồng thời cấm cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động huy động vốn, cho thấy vẫn có những căng thẳng thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng mà mức lãi suất niêm yết chính thức dường như chưa phản ánh hết. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra và kéo dài, rõ ràng sẽ khiến mong muốn giảm thêm lãi suất trở nên thách thức hơn. Hiện NHNN cho biết sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Cuối cùng, việc huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng đến ngày 9-3-2023 chỉ tăng 0,45% so với cuối năm 2022, vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 1,12%. Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, không loại trừ khả năng thanh khoản của hệ thống lại đối mặt với những áp lực căng thẳng, khi đó cũng ảnh hưởng đến động lực giảm lãi suất của các ngân hàng.
Tiến Phát