fbpx

Gil Morales kiếm 11.000% như thế nào trên thị trường chứng khoán? (Phần 2)

Gil Morales – Đừng bận tâm khi nào hành động của bạn mới cho quả ngọt – chỉ cần tập trung vào hành động là đủ rồi. Quả ngọt sẽ đến khi thời điểm chín muồi. Đây là một thói quen rèn luyện tinh thần rất nhiều ý nghĩa.

gil-morales-kiem-11-000-nhu-the-nao-tren-thi-truong-chung-khoan-phan-1-happy-live-4

THAM GIA CÂU LẠC BỘ 1.000%

Khi nghe nói về “thị trường bong bóng dot-com” của năm 1999, có thể bạn chỉ mường tượng đây là buổi tiệc tưng bừng cả năm trời cho những ai đầu tư chứng khoán. Nhưng sự thật thì không dễ ăn như thế. Như trong Hình 3.5, 9 tháng đầu tiên của năm 1999, chỉ số NASDAQ biến động khó lường (choppy market) và thiết lập các đỉnh cao mới một cách chậm chạp, cú tăng tốc chỉ đến vào đầu tháng 10 năm 1999. Trong suốt những tháng khó khăn của năm 1999, chỉ số NASDAQ đều đặn thiết lập đỉnh cao mới rồi quay đầu giảm. Rất khó để kiếm tiền trong giai đoạn này, cứ mỗi lần cổ phiếu bắt đầu tăng được một chút thì lại quay đầu nhanh không kém và có cú rũ bỏ. Vào giữa tháng 10 năm 1999, thị trường trông chẳng có vẻ gì là hứa hẹn.

gil-morales-kiem-11-000-nhu-the-nao-tren-thi-truong-chung-khoan-phan-2-happy-live-1

Chỉ số NASDAQ tuy lình xình nhưng ít ra cũng tăng điểm theo hình bậc thang, nhưng chỉ số Dow Jones đến tận tháng 09 năm 1999 vẫn đang thiết lập các đáy thấp hơn và chật vật giữ đường MA 200 ngày vào tháng 10 năm 1999, như trong Hình 3.6. Cả Chris Kacher và tôi đều gặp phải khó khăn trong giai đoạn thị trường xập xình như vậy, và sẽ là nói giảm nói tránh nếu bảo chúng tôi nóng hết cả máu với kiểu thị trường này. Vì tình hình kiểu này mà chúng tôi có khuynh hướng nghĩ thị trường có thể còn cắm đầu đi xuống.

Sau giai đoạn bực bội do liên tục dính phải các bẫy giá từ tháng 02 năm 1999, chẳng có gì khó hiểu khi chúng tôi lại có quan điểm tiêu cực đến vậy. Tuy nhiên, nếu so sánh đồ thị của NASDAQ (Hình 3.5) với Dow Jones (Hình 3.6), bạn sẽ nhận thấy giữa hai chỉ số đang xảy ra sự phân kỳ. Những đợt tăng giá đều đặn vẫn xuất hiện ở trên chỉ số NASDAQ, bằng chứng là kênh giá dốc lên như trong Hình 3.5, là yếu tố phân kỳ quan trọng và là mấu chốt để nhận định nhịp tăng tiếp tới trong thị trường sẽ được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ, nhóm cổ phiếu chính yếu của chỉ số NASDAQ. Sự phân kỳ tăng giá của chỉ số vào năm 1999 cho thấy cái nồi đang lục bục của cơn điên cuồng dot-com sắp sửa bùng nổ, tuy chậm nhưng nó đang từ từ sôi dần bên dưới bề mặt hành động khó lường của thị trường.

BONG BÓNG ORACLE

Thật thú vị, đến ngày 28 tháng 10, chỉ 7 ngày sau ngày chúng tôi nghĩ rằng cổ phiếu vốn hóa lớn sắp đi đời nhà ma và chỉ số thị trường cũng theo số phận ấy, thì thị trường có một ngày bùng nổ theo đà cực mạnh, báo hiệu cho thấy thị trường chung bắt đầu xu hướng tăng giá mới. Vào thời điểm ấy, mọi đánh giá của chúng tôi về thị trường đều bị ném ra ngoài cửa sổ, chúng tôi ngay lập tức chuyển sang chế độ mua vào. Không có nếu thì, tuy hay nhưng gì sất. Thị trường đã đưa ra lời phán quyết bằng ngày bùng nổ theo đà, và khi thị trường chuyển sang tăng giá, chúng tôi cũng chuyển quan điểm cùng thị trường. Tất nhiên, lúc đó, chúng tôi chẳng hề biết rằng mình sắp sửa đối mặt với con sóng tăng giá vĩ đại nhất trong sự nghiệp của mình, một cú tăng giá như tên lửa theo nghĩa đen mà Hình 3.5 minh họa rõ nét sóng tăng huy hoàng. Danh sách mua của tôi đã âm ỉ sôi trên bếp lò từ vài tuần trước, và tôi đã sẵn sàng hành động. Một trong những cổ phiếu tôi theo dõi là Oracle Corp. (ORCL), đã xuất hiện điểm phá vỡ từ mẫu hình chiếc cốc-tay cầm vào tháng 09 năm 1999, trước khá lâu so với ngày bùng nổ theo đà vào cuối tháng 10 như trong Hình 3.7. Lưu ý trong tất cả đồ thị này, giá của ORCL đều được điều chỉnh sau chia tách, vì thế giá $10 trên đồ thị mà tôi đang sử dụng thực ra là giá $40 vào năm 1999, trước khi có chia tách.

gil-morales-kiem-11-000-nhu-the-nao-tren-thi-truong-chung-khoan-phan-2-happy-live-3

Đồ thị ngày của ORCL (Hình 3.8) mang lại thông tin chi tiết về điểm phá vỡ sớm này, và có thể xem là “điểm pivot mẫu mực như trong sách giáo khoa, ngay trên tay cầm hình thành trong 6 tuần. Khối lượng tại điểm phá vỡ tăng đột biến so với thanh khoản bình quân. Mặc dù tôi đã thấy ORCL hình thành điểm phá vỡ vào lúc đó, nhưng tôi không hành động vì thấy nó mâu thuẫn với số liệu báo cáo tài chính quý khá tiêu cực (đang cho thấy sự giảm tốc trong tăng trưởng lợi nhuận: 58%; 43%; 33% và quý gần nhất là 23%). Tăng trưởng doanh số của quý gần nhất cũng chỉ là 13%. Bình thường, bạn sẽ muốn nhìn thấy tăng trưởng doanh số cao hơn 20% đối với các cổ phiếu đạt chuẩn CANSLIM. Vì những lý do này, cũng như toàn bộ thị trường chung vẫn còn đang điều chỉnh vì chưa có ngày bùng nổ theo đà, ban đầu tôi đã lờ đi điểm phá vỡ ở ORCL. Nhưng có nhiều thứ khiến tôi không thể rời mắt khỏi nó.

CEO của Oracle – Larry Ellison, là người đầu tiên mang đến ý tưởng net computing (máy tính mạng) vào năm 1995. Sau đó, vào năm 1997, Oracle đã sáng lập nên Network Computer, Inc. (một công ty con được sở hữu 100% bởi một công ty khác). Larry Ellison tiên phong phát triển các ứng dụng (application) dựa trên website, theo đó cho phép người dùng truy cập các ứng dụng thông qua website từ một mạng máy chủ (server) trung tâm, hơn là từ các ứng dụng được cài đặt sẵn trên máy tính cá nhân. Điều mà Ellision và Oracle đang làm là ý tưởng sơ khai của “các ứng dụng thông tin”. Đây là một phát hiện đột phá lúc bấy giờ, và sự phát triển nhanh chóng của Internet đã giúp ý tưởng này ngày càng dễ thực hiện hơn. Ngày nay, chúng ta nhìn thấy bóng dáng những ý tưởng của Oracle như “điện toán đám mây” cũng như “các ứng dụng Internet” cầm tay như Iphone của Apple và thiết bị Blackberry của Research in Motion.

Vì thế, Oracle được xem như là người đi đầu trong việc phát triển các ứng dụng dựa trên sự phát triển của Internet. Thị trường tăng giá năm 1999, vốn được chi phối mạnh bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed để xoa dịu cuộc khủng hoảng bởi cú sụp đổ quỹ Long – Term Capital (LTCM) vào năm 1998 cũng như cuộc “khủng hoảng Y2K sắp tới”. Các tổ chức tài chính đang dư thừa tiền muốn tìm kiếm nơi để giải ngân. Dòng tiền lớn thường ưa thích thanh khoản, do đó họ đặt cược vào những công ty có giá trị vốn hóa lớn, chất lượng cơ bản tốt, được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của Internet. Oracle chính là một trong những cái tên như thế, mặc dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty đang giảm tốc nhưng ROE vẫn ở mức cao, 38.8%. Các nhà đầu tư tổ chức thường ưa thích những công ty đã có danh tiếng, với thành tích sinh lợi cao trong thời gian dài (ROE là một thước đo ưa thích vì nói chung đó là một tín hiệu cho thấy công ty được điều hành hiệu quả, với các sản phẩm được ưa chuộng và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá). Trong tình huống này, Oracle chính là một cái tên hoàn hảo, nhưng phải mất gần 2 tháng, tôi mới dần nhận ra bức tranh của công ty đang phù hợp với bối cảnh lớn, điều giúp tôi cảm thấy thoải mái để mua vào cổ phiếu này.

KIÊN NHẪN VÀ LUÔN ĐỂ MẮT TỚI

Vì Oracle bắt đầu có điểm phá vỡ vào đầu tháng 09 năm 1999, trước khi thị trường chung tạo đáy và quay trở lại xu hướng tăng giá vào cuối tháng 10, còn quá sớm để mua cổ phiếu này ở lần phá vỡ đầu tiên. Rốt cuộc, cổ phiếu lình xình đi ngang thêm 6 tuần khi hình thành một vùng củng cố hoặc một nền giá ngay phía trên tay cầm mà nó bứt phá hồi đầu tháng 09. Ban đầu, tôi cho rằng cổ phiếu không thể hiện đặc điểm tăng tốc về lợi nhuận mà tôi đánh giá tối ưu, và tôi đánh giá việc thiếu tín hiệu thrust tăng lên xác nhận ý kiến này. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ cổ phiếu trong danh sách theo dõi khi nó xây nền giá phẳng trong 6 tuần ngay phía trên tay cầm, tạo nên mẫu hình nền giá chồng trên nền giá cực mạnh.

Mẫu hình nền giá chồng trên nền giá thường là một mẫu hình mạnh vì nó cho ta thấy một cách trực quan rằng cổ phiếu đã xuất hiện điểm phá vỡ và thực sự muốn tăng cao hơn, nhưng thị trường chung chưa sẵn sàng, ví dụ như thị trường chung vẫn chưa ở trong pha tăng giá, nên cổ phiếu đơn giản là tiếp tục xây nền củng cố ngay phía trên điểm phá vỡ trước đó, như bạn thấy trong Hình 3.9, khi cổ phiếu “nén như lò xo” để chờ đợi thời điểm chín muồi bung giá cao hơn khi sức nặng của thị trường biến mất.

Oracle cũng để lại manh mối về mặt khối lượng ở nền giá thứ hai, bởi nó điều chỉnh mạnh ngay sau khi bứt phá khỏi điểm phá vỡ của nền giá đầu tiên vào đầu tháng 09. Như tôi đánh dấu trên đồ thị, bạn có thể thấy giá kéo ngược về điểm phá vỡ của nền giá đầu tiên, giống như một phiên rũ bỏ nhẹ khi thanh khoản tăng lên đáng kể lúc cổ phiếu bật lên ngay đỉnh nền giá trước đó và đóng cửa phiên hôm đó ở nửa trên của khung giá, tín hiệu rõ ràng cho thấy có hỗ trợ khi cổ phiếu kéo ngược. Đây là dấu hiệu tối quan trọng cho thấy các nhà đầu tư tổ chức dùng lần kéo ngược này làm cơ hội để tích lũy Oracle với số lượng lớn. Oracle sau đó trải qua 6 tuần tích lũy đi ngang, thậm chí đôi lúc cố gắng thiết lập điểm phá vỡ sớm bằng cách thử vượt qua giá $12 nhưng không thành công, cổ phiếu chỉnh và phải kiểm định lại MA 50 ngày. Việc Oracle thất bại tại điểm phá vỡ đầu tiên chẳng phải điều gì quá đáng ngại, chỉ đơn giản vì thị trường chung chưa sẵn sàng. Điều này minh họa một ý tưởng rất có giá trị của Livermore khi ông phát biểu chúng ta phải chờ cho đến khi “đường kháng cự yếu nhất” được xuyên thủng. Trong trường hợp của Oracle, điều này không chỉ dừng lại ở việc cổ phiếu phải thiết lập nền giá phù hợp mà còn ở việc Oracle phải được thoải mái “cất cánh” khi thị trường chung cho phép.

ĐỦ ĐIỀU KIỆN CẤT CÁNH

Một khi thị trường chung xuất hiện ngày bùng nổ theo đà vào cuối tháng 10, Oracle xuất hiện điểm phá vỡ từ nền giá thứ hai (Hình 3.9). Đây mới là thời điểm đúng để thực hiện giao dịch mua. Tất cả các điều kiện đều đã hội tụ lý tưởng để bứt phá qua “đường kháng cự yếu nhất”, cổ phiếu thoải mái leo lên các đỉnh giá mới.

Đồ thị tuần của Oracle trong Hình 3.10 cho thấy sự ủng hộ của khối lượng ở tuần giảm đầu tiên trong nền giá hai của mẫu hình nền giá chồng nền giá mà tôi đánh dấu trong Hình 3.10. Đây là manh mối khối lượng tích cực có thể xuất hiện cả trên đồ thị tuần lẫn đồ thị ngày mà chúng ta nên quan sát kỹ. Kết hợp manh mối này với mẫu hình nền giá chồng nền giá mạnh, “ôm sát” MA 10 tuần hoặc MA 50 ngày, tôi đánh giá tín hiệu rất kiến tạo, do vậy tôi quyết định giải ngân một phần vị thế khi cổ phiếu bắt đầu hình thành tuần thứ 6 của nền giá thứ hai. Khi thị trường có ngày bùng nổ theo đà và Oracle bắt đầu hình thành điểm phá vỡ thoát ra khỏi đỉnh của nền giá thứ hai, cổ phiếu bắt đầu chạy giá.

Đến giữa tháng 11 năm 1999, Oracle gần như đã tăng gấp đôi và tôi cưỡi một con sóng rất tuyệt vời lúc đó. Đồ thị nến trên khung ngày của Oracle trong Hình 3.11 cho thấy chuyển động giá trong tháng 11. Các tam giác nhỏ màu đen xuất hiện trên đồ thị cho thấy trong 15 phiên giao dịch thì cổ phiếu có đến 12 ngày tăng giá liên tục. Bạn có thể nhận thấy Oracle có chuỗi 12 ngày tăng giá liên tiếp, trước khi bắt đầu có cú điều chỉnh đầu tiên và bước sang giai đoạn tích lũy. Mấu chốt ở đây là khi cổ phiếu có chuỗi 12 ngày tăng giá (hoặc nhiều hơn) trong 15 phiên giao dịch, đây là dấu hiệu của một siêu cổ phiếu. Một khi cổ phiếu bắt đầu củng cố nhịp tăng mạnh mẽ này sau khi bứt phá khỏi một nền giá phù hợp, chúng ta phải quan sát xem có sóng tăng giá khác hoặc “điểm phá vỡ” thiết lập đỉnh cao mới hay không, vì đây là điểm chúng ta phải sẵn sàng bổ sung thêm thật mạnh vị thế mua. Ngoài chuỗi 12 ngày tăng giá trong 15 phiên giao dịch, hoặc tốt hơn nữa là mới chỉ ở giai đoạn đầu của sóng tăng giá vừa mới hình thành từ điểm phá vỡ vào cuối tháng 10, cổ phiếu này cũng nhúng xuống dưới MA 10 ngày và tìm thấy hỗ trợ ở MA 20 ngày. Khi Oracle bứt phá lên trên vùng củng cố nhỏ trong ba tuần, cổ phiếu cho điểm mua lớn thứ hai, nên ở điểm này, ta có thể tự tin gia tăng tỷ trọng, điều này cho phép tôi cưỡi con sóng tiếp theo suốt tháng 12, cho đến đỉnh của cổ phiếu vào cuối năm.

Happy Live team sưu biên soạn/Cách kiếm lợi nhuận 18000%

Dành cho nhà đầu tư thích đi theo xu hướng của thị trường để tận dụng cơ hội kiếm tiền

Bộ sách Giao dịch theo xu hướng đánh bại thị trường

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề