fbpx

Gió bắt đầu đổi chiều: Hàng loạt NHTW đảo ngược chính sách lãi suất

Một số ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu xoay trục chính sách trong tuần này. Hiện tại, thị trường đang thận trọng xem xét và đánh giá liệu diễn biến tương lai sẽ ra sao.

gio-bat-dau-doi-chieu-hang-loat-nhtw-dao-nguoc-chinh-sach-lai-suat-happy-live-1

Có lẽ sự đảo ngược chính sách của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã chính thức bắt đầu. Trong tuần này, Thụy Sĩ đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm.

Thị trường vẫn đang cố gắng đánh giá khi nào hầu hết các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng trên thế giới sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt mà họ đã áp dụng trong hai năm qua nhằm kiềm chế đà tăng cao của lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)

Nhật Bản là một trường hợp ngoại lệ, nước này đã duy trì lãi suất âm trong 17 năm nhằm kích thích nền kinh tế trì trệ và thúc đẩy lạm phát. Thử nghiệm đó, cùng với các chính sách độc đáo về kiểm soát đường cong lợi suất cuối cùng đã kết thúc vào thứ 3 tuần này.

Đối với mức tăng lương sau cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân, các nhà hoạch định chính sách của BOJ kỳ vọng mức lương cao mới sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, từ đó tạo đà tăng cho lạm phát.

Tomoya Masanao, đồng Giám đốc Pimco Japan cho biết tác động trung và dài hạn của những thay đổi này có thể sâu sắc hơn những gì thị trường dự đoán, và câu hỏi quan trọng là tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản sẽ duy trì ở mức nào sau đại dịch Covid-19.

“Mặc dù BOJ đã nhấn mạnh mục tiêu lạm phát 2%, tuy nhiên, ngân hàng này sẽ khó có thể duy trì chính sách tiền tệ đủ dài để đạt được mục tiêu này”, ông nhận định.

“Những điều chỉnh chính sách trung hạn của BOJ có thể sẽ liên quan đến cả việc giảm bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất. Bất chấp những trở ngại tiềm ẩn từ suy thoái kinh tế toàn cầu và việc cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn khác, BOJ vẫn sẵn sàng giảm bảng cân đối kế toán cực lớn của mình một cách chậm rãi nhưng chắc chắn”, ông nói thêm.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB)

Hôm thứ 5, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 1,5% cũng như cho biết lạm phát có khả năng sẽ duy trì ở mức dưới 2% trong tương lai gần.

SNB cũng dự báo lạm phát nước này đạt 1,4% vào cuối năm 2024, 1,2% năm 2025 và 1,1% năm 2026. Ngân hàng trung ương cũng cho biết sức mạnh của đồng franc Thụy Sĩ là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan này quyết định nới lỏng chính sách.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)

Hôm thứ 4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định giữ phạm vi lãi suất ổn định ở mức 5,25%-5,5%, cũng như đưa ra dự báo về ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với mỗi đợt giảm 25 điểm cơ bản.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường dự doán khả năng lên đến 70% đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra tại cuộc họp ngày 11-12/6 của Fed.

Kỳ vọng cắt giảm lãi suất vẫn được duy trì bất chấp dự báo tăng trưởng cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và lạm phát lõi cao hơn một chút so với dự kiến.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)

Hôm thứ 5, Ngân hàng Trung ương Anh cũng giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25% – mức cao nhất trong vòng 16 năm qua, qua đó loại bỏ mọi dự đoán về đợt cắt giảm lần này trong bối cảnh lạm phát đã giảm song vẫn ở mức cao.

Trong tuyên bố cùng ngày, Thống đốc BoE Andrew Bailey nhấn mạnh nền kinh tế Anh chưa đến ngưỡng để có thể cắt giảm lãi suất, nhưng mọi việc vẫn diễn ra theo đúng lộ trình.

Tương lai sẽ ra sao?

Đây là tuần quan trọng của thị trường tài chính toàn cầu. Hiện tại, mọi người đều đang thận trọng xem xét và đánh giá diễn biến tương lai sẽ ra sao.

Về phía Nhật Bản, nhiều chuyên gia cho rằng, tác động dài hạn do chính sách lãi suất dương mà nước này tạo ra có thể rất sâu sắc. Nó có thể ảnh hưởng từ lãi suất thế chấp đến tài chính của chính phủ Mỹ. Nhật Bản là quốc gia nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ lớn nhất ở nước ngoài. Nước này cũng là nhà cho vay lớn ở nước ngoài và quốc gia xuất khẩu hùng mạnh.

Việc tăng lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của các ngân hàng tư nhân, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các công ty vừa và nhỏ tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, nếu đồng Yên tăng giá do lãi suất dài hạn tăng thì các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Theo CNBC, ông Donald Trump từng công khai tuyên bố rằng nếu đắc cử Tổng thống sẽ áp thuế quan bổ sung đối với hàng hóa từ Trung Quốc, có thể ở mức 60% hoặc cao hơn.

“Điều đó có thể khiến lạm phát tăng ở Mỹ khiến Fed buộc phải tăng lãi suất trở lại. Nó cũng sẽ có một số tác động đến nền kinh tế Nhật Bản”, Keiji Kanda, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Daiwa nhận định.

Về phía Anh, nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý IV/2023 và trải qua hai năm trì trệ. Vì vậy, ngân hàng trung ương nước này buộc phải cân bằng giữa việc đưa lạm phát trở lại mức 2% và tránh đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái kéo dài.

Happy Live team sưu tầm/cafef

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề