fbpx

Guy Spier – Quy tắc đầu tiên để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả: Ngưng kiểm tra giá cổ phiếu

Dựa trên kinh nghiệm đầu tư cá nhân, Guy Spier đã đưa ra lời khuyên quan trọng cho các nhà đầu tư khác rằng: Ngưng kiểm tra giá cổ phiếu. Liệu điều này có hợp lý?

Nếu loài kiến có thể sử dụng một loạt các nguyên tắc cơ bản để phát triển một chiến lược sinh tồn phức tạp đến vô tận, vậy các nhà đầu tư thì sao? Liệu chúng ta có thể tạo nên bộ nguyên tắc có tính đột phá giúp ta đưa ra các quyết định đầu tư thông minh hơn và ít bị tổn thương bởi sự méo mó của bộ não phi lý trí của ta? Quy tắc đầu tiên để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả: Ngưng kiểm tra giá cổ phiếu.

Đây là một cách để nhìn nhận về điều này: người ta nói rằng bộ não có công suất 12 watt – nói cách khác, chỉ bằng 1/5 năng lượng cần để thắp sáng một bóng đèn 60 watt. Như thế là không nhiều khi so với lượng điện năng tiêu thụ của các hệ thống máy tính hiện thời. Thế nhưng ta mong đợi cỗ máy có phần cứng rất khiêm tốn này thực hiện cách tính toán phức tạp vô cùng của giới đầu tư, và chúng ta còn bạo dạn mong rằng mình có thể tính toán đúng.

Như chúng ta đã bàn, một cách để nghiêng bàn cờ về phía có lợi cho ta là xây dựng một môi trường nơi ta có thể hoạt động có lý trí hơn – hay chí ít là bớt phi lý trí đi. Nhưng có một công cụ khác mà ta đã bỏ qua: nếu chúng ta muốn đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn hơn, một điều vô cùng giá trị là phát triển một loạt các quy tắc và thói quen mà ta có thể liên tục áp dụng.

Trong thời hậu khủng hoảng, Guy Spier cần mẫn làm việc để thiết lập cho mình cách tiếp cận đầu tư có hệ thống hơn, nhằm đem lại sự ngăn nắp và tính dễ suy đoán hơn đối với hành vi của tôi, đồng thời làm giảm độ phức tạp của quá trình đưa ra quyết định của mình. Đơn giản hóa mọi việc quả thực rất có ý nghĩa, do não bộ vốn có nguồn năng lượng rất hạn chế. Những quy tắc mà Guy Spier thiết lập bao gồm một tập hợp phổ biến và rộng rãi những quy trình đầu tư thiết yếu, bao gồm những gì Guy Spier đã đọc (và cả thứ tự) khi nghiên cứu cổ phiếu; những người sẽ thảo luận (và từ chối nói chuyện) về những thương vụ đầu tư tiềm năng; cách Guy Spier nói chuyện với ban điều hành công ty; cách Guy Spier mua bán cổ phiếu; cách Guy Spier trao đổi (và những điều không nên trao đổi) với cổ đông.

Dưới đây là hành trình xây dựng một quy trình đầu tư tốt hơn và 8 nguyên tắc thiết lập được từ hành trình ấy của Guy Spier trích trong quyển sách “Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị”. Spier cũng chia sẻ:

“Một số quy tắc có thể áp dụng rộng rãi; một số lại chỉ dành riêng cho tôi và có thể có tác dụng với tôi hơn là với bạn. Hơn thế nữa, đây vẫn là một công trình dang dở – một sách lược chơi game mà tôi vẫn tiếp tục nâng cấp khi học hỏi từ kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, tôi vững tin rằng những sách lược này có thể giúp bạn rất nhiều nếu bạn bắt đầu suy nghĩ về quy trình đầu tư của mình theo cách thức có hệ thống, bài bản như thế này. Các phi công đã dung nạp những bộ quy tắc, quy trình hướng dẫn từng hành động của họ và đảm bảo an toàn của chính họ cũng như các hành khách. Những nhà đầu tư nghiêm túc muốn đạt lợi nhuận cao mà không phải đánh đổi bằng rủi ro nên theo bước các phi công. Vì sao? Vì trong đầu tư, cũng như lái may bay, sai lầm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.”

Nguyên tắc thứ 1: Ngưng kiểm tra giá cổ phiếu

Khi định cư ở Zurich, tôi chủ định giữ lại thuê bao Bloomberg terminal nhưng không bật máy này lên mỗi buổi sáng đi làm. Như tôi đã đề cập, giờ tôi thường tắt máy Bloomberg nhiều tuần liền. Nhưng đây chỉ là một phần nỗ lực của tôi nhằm tách bản thân ra khỏi những ồn ào thường ngày chốn thị trường.

Rất nhiều nhà đầu tư kiểm tra giá cổ phiếu mỗi ngày, thậm chí có người còn ngồi soi bảng điện hàng phút nữa. Có một vấn đề khác thường ở trong não khiến chúng ta nghĩ rằng cổ phiếu biết chúng ta đang trông chừng nó. Chúng ta thậm chí còn có một nỗi sợ dai dẳng là nếu ngừng chú ý liên tục, có điều gì đó không hay sẽ xảy ra. Có thể là một vụ việc hệ trọng sẽ xảy ra khi ta không theo dõi và đùng một cái cổ phiếu ấy biến mất. Nhìn giá cổ phiếu nhảy múa trên bảng điện đem lại cho nhà đầu tư một cảm giác an tâm giả tạo rằng mọi thứ đều ổn thỏa, rằng trái đất vẫn còn quay quanh trục.

Vấn đề chính là, sự lên lên xuống xuống liên tục của giá cổ phiếu là lời mời gọi hành động. Nếu tôi thấy một mã cổ phiếu sáng lên trên màn hình máy Bloomberg, tín hiệu đó nói với phần não phi lý trí của tôi rằng tôi cần phải làm gì đó. Nếu bạn đang đầu tư cổ phiếu biotech hay cổ phiếu Internet thời thượng, bạn rất có thể sẽ bị cuốn vào vòng xoáy điên cuồng: một công ty môi giới công bố một báo cáo vô cùng tích cực và cổ phiếu của bạn đột ngột tăng vọt 20% khi các tay đầu cơ khác nhảy vào. Nhưng tôi cố gắng đầu tư theo cách có tính toán hơn, mua cổ phần của các công ty mà tôi kỳ vọng sẽ nắm giữ nhiều năm, nếu không muốn nói là nắm mãi. Như Buffett từng nói, khi chúng ta đầu tư vào một doanh nghiệp, chúng ta nên sẵn lòng giữ cổ phiếu đó nếu ngay ngày mai thị trường đóng cửa và sẽ không mở lại trong suốt 5 năm.

Tôi chẳng thể tắt màn hình đi suốt 5 năm vì tôi cần cập nhật giá trị ròng của quỹ mỗi tháng một lần cho các cổ đông. Nhưng nếu chỉ quản lý tài khoản của chính tôi, tôi sẽ thiết lập một hệ thống chỉ xem giá cổ phiếu mỗi quý một lần hay thậm chí là mỗi năm một lần. Như hiện giờ, tôi chỉ xem giá các cổ phiếu trong danh mục nhiều nhất là một lần mỗi tuần. Tật nhẹ nhõm đến tuyệt vời khi biết danh mục của bạn vẫn ổn khi bạn không theo dõi. Tôi còn cố ý sắp đặt cho màn hình máy tính hay màn hình Bloomberg không hiện ra giá toàn bộ danh mục trên một màn hình; nếu tôi cần xem giá của một cổ phiếu, tôi chỉ xem giá của mình nó thôi. Tôi không muốn xem giá các cổ phiếu khác một cách không cần thiết và không muốn phơi mình ra trước những lời kêu gọi hành động này.

Cũng đáng để suy nghĩ một chút về ảnh hưởng của những phiền não không cần thiết này lên bộ não đáng thương của tôi. Kiểm tra giá cổ phiếu quá thường xuyên sẽ làm cạn kiệt sức mạnh ý chí rất hạn chế của tôi vì thao tác này đòi hỏi tôi phải sử dụng năng lượng tinh thần để chống lại những lời mời gọi hành động ấy. Ý thức rằng năng lượng tinh thần (willpower) của bản thân là một nguồn tài nguyên khan hiếm, tôi muốn dùng nó một cách xây dựng.

Chúng ta cũng biết từ nghiên cứu tài chính hành vi bởi Daniel Kahneman và Amos Tversky rằng các nhà đầu tư cảm nhận nỗi đau mất mát lớn gấp hai lần khoái cảm khi gặt hái. Nên tôi cần bảo vệ trí não mình khỏi cơn bão cảm xúc có thể xảy ra khi thấy cổ phiếu, hay cả thị trường đi xuống. Nếu dao động trung bình, thị trường điển hình sẽ đi lên trong hầu hết các năm suốt thời kỳ 20 năm. Nhưng nếu kiểm tra thường xuyên, xác suất cao là thị trường tại thời điểm tôi kiểm tra đang đi xuống (Nassim Taleb giải thích chi tiết về hiện tượng này trong quyển sách cực hay của ông Fooled by Randomness, tạm dịch Bị lừa bởi sự Ngẫu nhiên). Vậy thì vì sao lại phải đặt bản thân vào vị trí có thể gánh lấy phản ứng cảm xúc tiêu cực với những cú trượt ngắn hạn, những thứ sẽ gửi tín hiệu sai lầm đến não của tôi?

Trong bất kỳ trường hợp nào, với loại công ty mà tôi đầu tư, việc cần phải biết điều gì diễn ra hàng ngày chẳng phải việc quan trọng. Hầu như mọi khoản đầu tư của tôi đều là những công ty mà thành quả lâu dài là không gì ngăn cản được; công ty đang hướng về viễn cảnh tươi đẹp, câu hỏi chỉ là bao lâu. Các công ty Buffett nắm giữ cũng có cùng tính chất quý giá này. Thực sự, ông dùng từ “chắc chắn” để miêu tả kết quả tích cực mà ông mong đợi ở các công ty này. Hãy xem thử cổ phiếu Burlington Northern Santa Fe. Không còn nghi ngờ gì về mạng lưới vận chuyển của nó sẽ trở nên giá trị hơn khi nền kinh tế Mỹ phát triển, khi đất nước được phát triển hơn, và ngày đường sắt liên kết với nhau. Thêm nữa, chẳng ai xây thêm đường sắt mới bên cạnh để cạnh tranh, nên Burlington chẳng thể bị thay thế được.

Nếu bạn cũng đầu tư vào những công ty như vậy, thực sự không gì ngăn cản nổi, bạn chẳng cần ngại tắt bảng điện đi, cuộn mình vào ghế sofa, và lấy sách ra đọc. Rốt cuộc, Buffett không kiếm hàng tỉ đô từ những công ty như American Express và Coca-Cola bằng cách tập trung vào những chuyển động vô nghĩa hàng ngày của giá cổ phiếu.

Nguyên tắc: Kiểm tra giá cổ phiếu càng ít thường xuyên càng tốt.

Đọc thêm tại Chương 10: Những công cụ đầu tư – Xây dựng một quy trình tốt hơn – Sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“

Có thể bạn quan tâm:

Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier

Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall

trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề