fbpx

Hạnh phúc vốn không có đáp án tiêu chuẩn, nhưng tiết kiệm chính là chỗ dựa vững chắc nhất

Có người nói rằng các cuộc họp lớp chẳng khác nào những hội chợ phù phiếm, nơi chúng ta thể hiện, so sánh, hay “cứu vãn” thêm nhiều mối quan hệ, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy.

Một nhà văn, đồng thời là nhà giáo dục trẻ em đã nói như này: “Mỗi một lần gặp nhau là một lần chúng ta chậm lại, quan sát cuộc sống của những người xuất phát cùng thời điểm với mình sau nhiều năm trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, của dòng chảy thời đại”.

Điều gì khiến họ không ngừng tiến lên phía trước, điều gì khiến họ bị mắc kẹt?

Mọi phương thức, mọi cách sống đều tập trung trong cuộc tụ họp này, và cách sống không giống nhau của mỗi người cũng mang lại cho tôi nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.

Không có cái gọi là “định nghĩa tiêu chuẩn” về hạnh phúc

Lúc mới tốt nghiệp, chúng tôi, người thì học tiếp lên cao học, người thì đi du học, người lại quyết định đi làm luôn. Mỗi người một hướng đi, nhưng tất cả đều hướng tới một mục tiêu: vì một tương lai tốt đẹp hơn.

10 năm đã trôi qua, mỗi người đều có một con đường của riêng mình.

Lâm, sau khi tốt nghiệp đã vào trong nam, đầu quân cho một công ty khởi nghiệp về Internet.

Sau vài năm làm việc, cậu ấy đã được thăng chức lên làm quản lý.

Năm ngoái, công ty lên sàn chứng khoán, Lâm nhẹ nhàng đạt được tự do tài chính.

Cuộc sống của cậu ấy rất đơn giản, vẫn ngày ngày chăm chỉ làm việc, bận rộn và trọn vẹn.

Cậu bạn Khôn sau khi tốt nghiệp cũng vào một doanh nghiệp nhà nước làm việc, 9h làm, 5h tan, đều như vắt chanh, và đã kết hôn với một cô gái người địa phương.

Mặc dù lương không cao, nhưng nhàn hạ, ổn định, gia đình hạnh phúc, lần nào gặp, trên môi cậu ấy cũng nở một nụ cười.

Cô bạn Linh sau khi tốt nghiệp đã học lên thạc sỹ, thạc sỹ xong tiếp tục học lên tiến sỹ, sau đó thì làm giảng viên đại học.

Ở tuổi 32, cậu ấy vẫn độc thân, thường xuyên bị ba mẹ giục cưới.

Nhưng cậu ấy không có vội, một lòng chuyên tâm vào nghiên cứu và dạy học. Cậu ấy nói, bài giảng và sinh viên là những người bạn đồng hành tuyệt vời nhất, cậu ấy cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Còn Hân, sau khi tốt nghiệp, cậu ấy kết hôn với một đàn anh cùng trường, hơn 2 tuổi, đi làm chưa được 1 năm nhưng vì có em bé nên đã xin nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ toàn thời gian.

Tự mình chăm sóc 2 đứa con, không nhờ vả ai, mỗi ngày đều bận rộn với công việc nhà cửa, gia đình.

Nhưng chồng đối xử với cậu ấy rất tốt, con cái cũng rất ngoan ngoãn. Hân nói nội trợ toàn thời gian cũng là một công việc, bản thân cậu ấy hiện cũng đang cảm thấy rất hạnh phúc.

Còn một vài người bạn ra nước ngoài phát triển, có người thì thi biên chế, có người sớm đã kết hôn sinh con, có người thì vẫn một thân một mình, ai cũng đều có cuộc sống của riêng mình.

Bạn thấy đấy, hạnh phúc thực ra không có định nghĩa tiêu chuẩn.

Cùng học một lớp, nhưng mỗi người một đường, mỗi người một cách sống, và ai cũng biết được rằng hạnh phúc mà mình mong muốn nó nằm ở đâu.

Một họa sỹ truyện tranh từng nói: “Hạnh phúc không có đáp án tiêu chuẩn, niềm vui cũng không chỉ có một con đường”.

Có lẽ không ít chúng ta đều “được bảo” rằng, phải nỗ lực kiếm tiền, phải kết hôn sinh con.

Dường như chỉ có làm như vậy, chúng ta mới có thể có được hạnh phúc.

Nhưng, có biết bao người chạy theo đồng tiền, sống với một cuộc hôn nhân không có tình yêu, để rồi cùng là sống, nhưng bản thân lại chỉ là “sống cho qua ngày”.

Suy cho cùng, đời người cũng chỉ là một hành trình nơi bạn lựa chọn cho mình một phương thức để trải nghiệm mọi thứ xung quanh, bạn có thể sống một cách đầy vội vã và nhiệt huyết, nhưng cũng có thể lựa chọn trôi chảy một cách chậm rãi mà vẫn rực rỡ.

Không có con đường nào nhất định sẽ dẫn tới hạnh phúc cả, bởi lẽ con đường chạm tới hạnh phúc là khác nhau ở mỗi người.

Cuối năm, tham gia họp lớp, tôi hiểu ra 4 sự thật về cuộc đời: hạnh phúc vốn không có đáp án tiêu chuẩn, nhưng tiết kiệm chính là chỗ dựa vững chắc nhất! - Ảnh 1.

Tiết kiệm, là chỗ dựa vững chắc nhất của mỗi người

Cậu bạn cùng phòng của tôi, Phi, khi còn đi học là một người tiêu xài khá hoang phí, cuối tháng nào cũng sinh tồn nhờ vào việc vay tiền của mấy người bọn tôi.

Sau khi tốt nghiệp, Phi cũng tìm được một công việc với mức lương khá hậu hĩnh, nhưng cái tật tiêu xài hoang phí thì vẫn chưa sửa được. Ngày nào cũng đi ăn uống với đồng nghiệp, mua đủ các thứ, hầu như tiền tháng nào cũng đều tiêu hết tháng đó.

Bản thân cậu ấy lại khá tận hưởng lối sống đó, mọi người đều khuyên cậu ấy nên tiết kiệm một chút đề phòng chuyện cấp bách, nhưng cậu ấy lại thường không để tâm.

3 năm trước, ba cậu ấy đột nhiên mắc bệnh nặng, cần phẫu thuật với số tiền khá lớn, lúc này hỏi tới Phi, cả nhà mới tá hỏa ra rằng cậu ấy chẳng có bao nhiêu tiền.

Phi cũng rất lo lắng, chạy đi vay tiền khắp nơi.

Một vài người biết cậu ấy bình thường khá hoang nên cũng khéo léo tìm cách từ chối. Sau cùng, vẫn là mấy người bạn cùng phòng chúng tôi cho cậu ấy vay, vượt qua khó khăn này.

Kể từ đó về sau, Phi bắt đầu nhận ra được tầm quan trọng của việc tiết kiệm, không còn tiêu tiền linh tinh như trước.

Mấy năm trở lại đây, bên cạnh việc trả hết nợ cho chúng tôi, bản thân cũng vẫn để ra được chút tiền. Phi nói kể từ sau chuyện lần đó, cậu ấy đã biết thế nào là cảm giác bất lực, hoảng sợ khi không có tiền, có một tài khoản tiết kiệm quả thực rất quan trọng.

Một cuộc sống không có tiền tiết kiệm sẽ chẳng thể chống đỡ được bất kì khó khăn nào. Những con số trên thẻ ngân hàng đôi khi lại chính là ân nhân cứu mạng trong lúc cấp bách nhất.

Cuối năm, tham gia họp lớp, tôi hiểu ra 4 sự thật về cuộc đời: hạnh phúc vốn không có đáp án tiêu chuẩn, nhưng tiết kiệm chính là chỗ dựa vững chắc nhất! - Ảnh 2.

Ở vào khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc sống, tiến lên thêm một bước thôi cũng là bước ngoặt

Cuộc đời giống như một đường cong hình sin, đỉnh và đáy luôn luân phiên nhau ở phía trước, rất ít ai có một cuộc đời luôn bằng phẳng trải đầy hoa hồng.

Vỹ khởi nghiệp sau 2 năm tốt nghiệp, dựa án hay, phát triển nhanh, chúng tôi hay gọi cậu bạn là Giám đốc Vỹ.

Mua được biệt thự, kết hôn với một tiểu thư đích thực, cuộc đời cậu ấy khiến nhiều người ghen tị.

Nhưng, năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, công việc kinh doanh của cậu ấy chịu ảnh hưởng nặng nề.

Chỉ trong vòng một năm, cậu ấy phải bán xe, bán nhà để trả nợ. Không chịu nổi được cuộc sống nợ nần, người vợ cũng ly hôn với cậu ấy.

Mất đi sự nghiệp, gia đình tan vỡ, cuộc sống như mất đi hết hi vọng.

Rất nhiều người khuyên cậu ấy từ bỏ công việc kinh doanh, cứ tìm tạm một công việc làm cho qua giai đoạn khó khăn, đợi dịch bệnh qua đi rồi bắt đầu lại.

Cậu ấy im lặng. Nhưng không hề bỏ cuộc.

Rất nhanh sau đó, cậu ấy thoát khỏi nỗi đau, tích cực tìm kiếm con đường thay đổi.

Trong một cơ hội tình cờ, cậu ấy chuyển hình thức bán hàng sang online, giảm thiểu tác động của dịch bệnh xuống mức nhỏ nhất.

Một năm nữa trôi qua, cậu ấy trả được hết nợ, công việc làm ăn cũng ngày một thuận lợi hơn.

Trải qua vài năm thăng trầm, cậu ấy nói rằng bài học lớn nhất mà cậu ấy học được là, chỉ cần không từ bỏ, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua.

Ai cũng sợ khó khăn, sợ thất bại, khi rơi xuống đáy sâu của cuộc đời, có người chọn cách ở lại luôn dưới đó, nhưng cũng có rất nhiều người luôn cố gắng hết sức để bò lên. Bởi lẽ họ sớm đã nhận ra được sức mạnh của sự kiên trì.

Đã ở dưới đáy vực rồi, kết quả xấu nhất cũng chỉ đến vậy!

Ngồi đó chán nản thất vọng cũng là một cuộc đời; nỗ lực tìm cách giải quyết, nỗ lực trèo lên cũng là một cuộc đời, nhưng cuộc đời đó mang theo nhiều hi vọng hơn.

Thế giới này tự có cách vận hành của nó, khi bạn không còn gì để mất, cũng là lúc bạn bắt đầu đạt được.

Cuối năm, tham gia họp lớp, tôi hiểu ra 4 sự thật về cuộc đời: hạnh phúc vốn không có đáp án tiêu chuẩn, nhưng tiết kiệm chính là chỗ dựa vững chắc nhất! - Ảnh 3.

Cơ thể khỏe mạnh là nền tảng của thành công

Trong lúc nói chuyện rôm rả, khi nói tới lớp trưởng Thu, không khí bỗng trầm lại.

Lớp trưởng Thu là người chăm chỉ nhất trong số ba mấy con người lớp chuyên ngành của chúng tôi khi đó. Khi còn đi học, khi nào đèn ở thư viện hay phòng tự học tắt thì cậu ấy mới chịu rời đi.

Sau khi đi làm, cậu ấy cũng rất thường xuyên tăng ca tới giữa đêm.

Nhờ vào sự nỗ lực và chăm chỉ đó, chỉ vài năm đi làm thôi, cậu ấy đã được thăng tiến lên chức Phó tổng giám đốc, công việc từ đó cũng bận rộn hơn, những cuộc trò chuyện, tiếp đối tác, khách hàng cũng ngày một nhiều hơn.

Từng có người khuyên cậu ấy nên chú ý sức khỏe, đừng gắng sức quá, nhưng cậu ấy chỉ cười nói không sao.

Hồi đầu năm nay, trong một lần thức khuya, cậu ấy đột nhiên bị xuất huyết não. Mặc dù cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng, nhưng hiện tại cũng chỉ có thể nằm trên giường bệnh.

Dạo đó tôi có đi thăm cậu ấy, cậu ấy tâm sự với tôi như này:

“Ngày xưa lúc nào cũng nghĩ mình còn trẻ, vì sự nghiệp, vì kinh tế, không để ý tới sức khỏe của bản thân. Giờ ngã bệnh rồi mới biết, cái gọi là danh lợi, tuy hấp dẫn đấy, nhưng nếu phải đánh đổi bằng sức khỏe thì chẳng đáng chút nào!”.

Ai cũng biết sức khỏe là tiền đề của mọi thứ, nhưng chúng ta cũng lại cứ luôn ỷ lại vào sức trẻ mà phung phí sức khỏe của mình.

Đợi tới khi mất đi sức khỏe rồi, mới ngồi đó hối hận.

Cách đây không lâu, thông tin về cái chết đột ngột của cô gái 22 tuổi ở Trung Quốc do thường xuyên thức đêm làm việc khiến nhiều người xót xa.

Ở độ tuổi đẹp nhất, sau khi thức khuya làm thêm bốn năm ngày liên tục, cô gái đột nhiên ngã bệnh, phải vào ICU cấp cứu.

Sau cùng vẫn không may qua đời, để lại hai người đầu bạc cùng với hóa đơn viện phí khổng lồ.

Cha của Marx đã từng viết một bức thư cho ông, nội dung của nó như này: “Trên đời này, cơ thể là bạn đồng hành vĩnh cửu của trí tuệ. Cha mong con đừng làm việc quá ngưỡng mà sức khỏe của con có thể chịu đựng được”.

Sức khỏe là nền tảng quan trọng nhất của cuộc sống, mọi thứ khác đều được xây dựng trên tiền đề một cơ thể khỏe mạnh.

Có sức khỏe, mới không bị bệnh tật giày vò; có sức khỏe, mới có thể chú tâm cho sự nghiệp.

Có sức khỏe, mới có thể chăm sóc được gia đình; có sức khỏe, mới có thể tận hưởng những thứ mình làm ra.

Sức khỏe là nền tảng cơ bản của cuộc sống hạnh phúc, đánh đổi sức khỏe để lấy những thứ bên ngoài cơ thể là sai lầm lớn nhất của cuộc đời.

05

Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, John Dewey từng nói: “Một người có thể sử dụng kinh nghiệm của người khác để bù đắp cho sự hạn hẹp trong trải nghiệm của chính mình”.

Một buổi họp lớp khiến tôi ngộ ra được rất nhiều điều.

Cuộc đời của mỗi một người bạn, cũng giống như một bộ tiểu thuyết, nơi ta có thể đọc được những khía cạnh khác nhau của cuộc sống và sự vô thường của số phận.

Con người ta đến tuổi trung niên rồi mới hiểu ra rằng, cuộc đời vốn không phải là đường đua với người khác, nó chỉ là một hành trình tu dưỡng bản thân.

Điều khiến người ta an tâm là sự tự tin trong cuộc sống và một cơ thể khỏe mạnh.

Điều khiến người ta hạnh phúc là sự độc lập bên ngoài và sự phong phú bên trong.

Lấy nhau làm bài học, khám phá ý nghĩa cuộc sống trong sự vô thường và ý nghĩa sâu xa của số phận, đó có lẽ là điều trân quý của mỗi một buổi họp lớp!

Hà An

Theo TTVH

Các viết cùng chủ đề