fbpx

Harry Dent: “Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn mùa đông của nền kinh tế, bắt đầu từ năm 2007”

(*) Bài viết trích từ sách THƯƠNG VỤ ĐỂ ĐỜI: CÚ ĐỖ VỠ SIÊU BONG BÓNG 2017-2019 SẼ GIÚP BẠN LÀM GIÀU NHƯ THẾ NÀO?

“Nguyên Tắc Hướng Dẫn Số 1 để nhận diện các bong bóng: chúng xảy ra trong giai đoạn mùa thu của nền kinh tế, khi sóng chi tiêu trở thành yếu tố có thể dự báo. Sự kết hợp giữa sóng chi tiêu mạnh mẽ và lạm phát sụt giảm sẽ tạo nên các bong bóng. Bong bóng mang tính chất chu kỳ…”

Nhưng chu kỳ đang bị bóp méo bởi vấn đề nhân khẩu học. Do quy mô quá lớn, thế hệ Baby Boomer đã kéo dãn chu kỳ K (50-60 năm) thành chu kỳ kinh tế bốn mùa 80 năm.

Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn mùa đông của nền kinh tế, bắt đầu từ năm 2007, theo chu kỳ kinh tế bốn mùa 80 năm mới.

Mô hình kinh tế tân tiến nhất

Và tất cả chu kỳ đều có 4 mùa
Và tất cả chu kỳ đều có 4 mùa

Dù muốn hay không, mọi thứ trong cuộc sống này đều có tính chu kỳ. Và tất cả chu kỳ đều có 4 mùa. Chu kỳ thời tiết hàng năm của chúng ta là ví dụ rõ ràng nhất: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Điều này giống như có 4 giai đoạn trong cuộc đời mỗi con người: tuổi trẻ (mùa xuân); tuổi trưởng thành (mùa hạ), trung niên (mùa thu) và nghỉ hưu (mùa đông). Tương ứng là 4 giai đoạn trong chu kỳ nền kinh tế: đổi mới, tăng trưởng, chấn chỉnh và bão hòa.

Giống như có 4 tuần trong 1 tháng và 4 pha trong 1 chu kỳ trăng, tôi nhận thấy chu kỳ nền kinh tế cũng diễn tiến qua 4 mùa, ước tính tương đương một đời người là khoảng 80 năm.

Chu kỳ kinh tế đầu tiên tôi nghiên cứu vào đầu những năm 1980 là Sóng Kondratieff (viết tắt là chu kỳ K), được phát hiện bởi nhà kinh tế học người Nga – Nikolai Kondratieff vào năm 1925. Khi nhìn ngược lại quá khứ theo chu kỳ kinh tế 50-60 năm, chúng ta nhận thấy đỉnh lạm phát xuất hiện vào năm 1814, 1864, 1920 và gần đây là năm 1980.

Chu kỳ lạm phát và giảm phát có đặc điểm của bốn mùa:

– Bùng nổ vào mùa xuân với lạm phát tăng mạnh.

– Suy thoái vào mùa hạ với lạm phát tăng đến đỉnh dài hạn và chiến tranh diễn ra.

– Bùng nổ vào mùa thu với lạm phát sụt giảm, các công nghệ mới được đưa vào sử dụng phổ biến, và bong bóng tín dụng dẫn đến xu hướng đầu cơ mạnh hơn cũng như bong bóng tài chính lớn hơn.

– Cuối cùng là giai đoạn giảm phát diễn ra vào mùa đông, thời điểm các bong bóng bị đổ vỡ, xuất hiện quá trình giảm đòn bẩy nợ, giảm phát giá cả, và đình trệ kinh tế kéo dài (các cuộc chiến tranh có thể diễn ra theo sau bất ổn xã hội, như từng xảy ra ở Thế Chiến Thứ II)

Sau đây là chu kỳ K khi được áp dụng vào nền kinh tế mà một số học giải từng dự báo vào những năm 1980-1990. Theo chu kỳ K phiên bản gốc, nền kinh tế dự báo sẽ trải qua giai đoạn mùa đông vào những năm 1980-1990 và kéo dài đến năm 2010.

chu kỳ K
Chu kỳ K

Đây là giai đoạn những năm 1980-1990 mà hàng loạt các nhà kinh tế hàng đầu như: Ravi Batra, Robert Prechter, James Dale Davidson, và Harry Figgie đã tiên đoán thế giới sẽ trải qua đợt đình trệ kinh tế kéo dài trong mùa đông. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn những năm 1990 lại là thời kỳ thịnh vượng và bong bóng lớn nhất lịch sử. Phần tiếp theo sẽ giải thích điều gì đã làm thay đổi chu kỳ K và cách thức chu kỳ K mới được áp dụng vào thế giới thực.

Chu kỳ K bị kéo dãn thành chu kỳ kinh tế bốn mùa 80 năm như thế nào?

Tuy nhiên, chu kỳ gốc của Kondratieff (gọi tắt là chu kỳ K) có vẻ như mất khả năng dự báo trong vài thập niên gần đây khi áp lực giảm phát được kỳ vọng xảy ra vào những năm 1990 trên thực tế không xuất hiện. Tôi cho rằng có hai lý do khiến chu kỳ này không còn chính xác: đó là sự xuất hiện của thế hệ trung lưu đầu tiên sau Thế Chiến Thứ II, và thế hệ baby boomer ngay sau đó!

Khi thế hệ Bob Hope, là thế hệ sinh ra từ năm 1897 đến năm 1924, tham gia vào lực lượng lao động sau khi giành chiến thắng ở Thế Chiến Thứ Hai, họ là tầng lớp trung lưu đầu tiên có thể mua nhà bằng cách sử dụng các khoản thế chấp dài hạn. Họ khiến con người trở thành yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế hơn bất cứ thế hệ nào trước đây. Họ khiến các chu kỳ nhân khẩu học trở nên mạnh hơn và những chu kỳ này trở thành lực chi phối chính kể từ đó.

Chu kỳ lập gia đình của thế hệ Bob Hope và sự bùng nổ chi tiêu đã chi phối và kéo dãn chu kỳ bong bóng/đổ vỡ, được tạo bởi chu kỳ hàng hóa và chu kỳ đổi mới công nghệ, từ 30 năm lên gần 40 năm! Quá trình bùng nổ của thế hệ Bob Hope kéo dài từ năm 1942 đến năm 1968, theo sau là đợt đổ vỡ từ năm 1969 đến năm 1982.

Sau đó là sự xuất hiện của thế hệ lớn nhất trong 250 năm qua- thế hệ baby boomer- được sinh ra từ năm 1934 đến năm 1961.

Khi thế hệ baby boomer tham gia vào lực lượng lao động trong giai đoạn mùa hạ của nền kinh tế vào những năm 1970, lạm phát có xu hướng tăng cao hơn. Chi phí để giới trẻ tham gia vào lực lượng lao động ở mức cao. Cho đến khi thế hệ này kịp đạt được mức năng suất lao động cao, thì họ cũng đã đẩy lạm phát tăng vọt.

Tác động của thế hệ baby boomer đến nền kinh tế trong giai đoạn mùa thu cũng quá mức, khiến bong bóng là điều không thể tránh khỏi và trở nên lớn nhất, kéo dài hơn so với chiều cao và khoảng thời gian của chu kỳ gốc Kondratieff. Vì thế, khi chu kỳ K (viết tắt của Kondratieff) dự báo những năm 1990 là giai đoạn mùa đông của nền kinh tế, thực ra chúng ta lại ở trong giai đoạn bong bóng lớn nhất lịch sử.

Chu kỳ Kondratieff bốn mùa vẫn còn giá trị nhưng bị kéo dãn và phóng đại. Việc dự báo các chu kỳ chi tiêu và lạm phát nên được thực hiện qua lăng kính nhân khẩu học sẽ có mức độ chính xác cao hơn và tổng quát hơn. Điều này hình thành nên chu kỳ kinh tế bốn mùa. Sau đây là mô hình kinh tế bốn mùa 80 năm mới, được chỉnh sửa lại từ chu kỳ K gốc (50-60 năm). Hình dưới cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của mùa đông vẫn còn ở phía trước. Đó là lý do chúng ta sắp có cuộc đỗ vỡ siêu bong bóng 2017-2019.

Chu kỳ kinh tế 80 năm
Chu kỳ kinh tế 80 năm

Giải thích mới về chu kỳ K cho thị trường chứng khoán và giá tiêu dùng như dưới. Đỉnh năm 2000 của thị trường cổ phiếu được đánh nhãn là đỉnh thời điểm của giai đoạn mùa đông. Mặc dù chúng ta đang có đỉnh mới vào năm 2007 và hiện nay, nhưng sau khi điều chỉnh theo dữ liệu thực, chỉ số giá chứng khoán sau khi điểu chỉnh lạm phát vẫn có đỉnh cao nhất vào năm 2000. Giai đoạn mùa đông vẫn đang dư kiến tồn tại cho đến những năm 2020. Tuy nhiên, vì sự can thiệp bất thường của các ngân hàng trung ương bởi gói nới lỏng định lượng QE, hành vi giá của TTCK tại giai đoạn 2000-2007 cũng có thay đổi về hành vi. Theo Dent, thị trường chứng khoán đang di chuyển từ cơn cực khoái tài chính kiểu đàn ông sang kiểu phụ nữ (xem chi tiết ở các kỳ tiếp theo).

Chu kỳ K

Mời bạn đón đọc Nguyên Tắc Hướng Dẫn Số 2 để nhận diện bong bóng trong số tiếp theo.

Nguồn: chiemtinhtaichinh

 THƯƠNG VỤ ĐỂ ĐỜI: Làm giàu từ cú đổ vỡ siêu bong bóng 2017- 2019 

thương vụ để đời

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề