Hãy cư xử như một senior nếu muốn trở thành một senior
Senior thường được xem là những người có thâm niên khoảng 5 năm. Nhưng bạn không cần phải chờ lâu đến thế…
“Senior” là thuật ngữ mô tả những người có nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết và khả năng chuyên môn được nâng cao qua nhiều năm làm việc. Thông thường, chúng ta sẽ phải trải qua các giai đoạn từ Intern, Fresher, Junior – những thử thách ở các giai đoạn này sẽ giúp nâng cao năng lực và trình độ để bắt đầu có hiệu suất nổi bật.
Khi làm việc đủ lâu trong tổ chức, bạn sẽ được công nhận là một senior – khoảng thời gian này có sự khác nhau giữa năng lực, vị trí và công ty nhưng trung bình sẽ cần tối thiểu 5 năm kinh nghiệm. Mình tạm không tính tới trường hợp công ty sử dụng title này cho những mục đích khác, hoặc freelancer tự nhận để làm hồ sơ nổi bật hơn.
Nhưng điều này không nghĩa là bạn cần phải chờ tới 5 năm để cư xử như một senior.
Giống như không phải con vật nào biết bay cũng được gọi là chim (còn cần phải có lông vũ), thì không phải ai có nhiều năm kinh nghiệm cũng sẽ được gọi là senior. Điều làm nên một senior không chỉ là năng lực chuyên môn, mà còn là sự trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức của họ trong môi trường công việc.
The secret of success is to be ready when your opportunity comes.
– Benjamin Disraeli
Và vì thế, lời khuyên của mình cho những bạn đang bắt đầu sự nghiệp là ngay từ lúc này hãy cư xử như một senior, trước khi được gọi là senior.
Senior là người…
1. Đặt trách nhiệm cá nhân lên hàng đầu
Trở thành 1 senior là trở thành 1 người có trách nhiệm cao hơn.
Senior hiểu rằng để 1 dự án thành công – đôi khi cần sự may mắn, nhưng để nhiều dự án thành công – đòi hỏi trách nhiệm cực cao ở nhiều thứ khác nhau:
-
- Trách nhiệm với thời gian: của bản thân và đồng đội. Chủ động sắp xếp hợp lý, tránh lãng phí cho cả team.
- Trách nhiệm với chất lượng: đừng đợi cho tới khi người khác báo cho mình biết mọi thứ đang không ổn. Như mình thường nhắc với team: “đừng để anh là chốt chặn cuối cùng, chất lượng là thứ mà tất cả chúng ta cần phải giữ”. Hãy nhờ hỗ trợ khi bạn cần, và phản hồi, góp ý khi bạn muốn.
- Trách nhiệm với đồng đội: nghĩa là đừng chờ cho tới khi họ gặp rắc rối mới giúp đỡ. Là một team, chúng ta đều phải có trách nhiệm quan tâm tới nhau.
- Trách nhiệm với mục tiêu cuối cùng: vì nếu không đạt được nó, mọi sự cố gắng trước đó đều vô nghĩa.
2. Luôn hiện diện
Đừng bật “chế độ tàng hình” ở trong phòng họp, hay bất cứ nơi đâu đang thảo luận về các giải pháp cho vấn đề cần giải quyết.
Điều này nghĩa là bạn cần chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình hiểu và tìm kiếm giải pháp, vì senior không chỉ là người giỏi thực thi mà còn phải là người hiểu rõ từng vấn đề đang có.
Lúc bấy giờ, kỹ năng giao tiếp của bạn cũng sẽ bắt đầu cải thiện. Để giữ sự hiện diện bạn cần giao tiếp với đồng đội, khách hàng – xây dựng ý tưởng, tạo dựng niềm tin. Từ đó, bạn sẽ tạo ra những kết quả tuyệt vời.
Thôi nghĩ rằng bạn đã làm đủ với những gì công ty trả, mà hãy xem bạn có thể làm gì cho công ty để giúp công ty phát triển và từ đó giúp bạn nhận được những thứ tốt hơn.
3. Tập trung vào kết quả hơn quá trình
Giá trị được tạo ra không phải từ giải pháp tốt nhất…
…mà là giải pháp tốt nhất trong giới hạn cho phép.
Như đã nói, trong kinh doanh mục tiêu cuối cùng mới là điều quan trọng. Vì vậy, senior luôn biết đâu là những giới hạn của dự án (tiêu biểu là thời gian, chi phí và năng lực) để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.
Hiểu được điều này, senior sẽ ngừng chăm chăm vào những quy trình phức tạp tốn kém chỉ để thể hiện bản thân, và bắt đầu tạo ra những giá trị thật sự cho doanh nghiệp.
4. Chuẩn bị sẵn tinh thần cho rủi ro
Rủi ro chính là cơ hội, nếu chỉ làm những việc an toàn thì ngoài kia – đã có hàng triệu người làm chúng. Hãy chuẩn bị cho rủi ro như là một thứ phải xảy ra: nếu nó xảy ra – biến nó thành bài học; nếu nó chưa xảy ra – cho nó vào một danh sách.
Quản lý rủi ro, hoặc chấp nhận rủi ro đã dự đoán là điều cần thiết để vượt qua những giới hạn của bản thân.
Khi đối diện với chúng, hãy luôn trong tư thế sẵn sàng và…
Ngừng đổ lỗi!
5. Biết khi nào mình sai, và học cách từ chối
Cần có sự dũng cảm để thừa nhận mình sai, trở thành một senior không có nghĩa là cấp bậc của mình sẽ cao hơn người khác, hay đồng nghĩa với việc mình luôn luôn đúng.
Senior không chỉ trưởng thành trong công việc, mà còn trưởng thành trong chính con người họ. Người ta trưởng thành vì sẵn sàng nhận sai nhiều thứ hơn – không phải đúng về nhiều thứ hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng biết cách nói “Không.” – khi không còn làm theo mọi việc 1 cách mù quáng. Họ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao, thế nào và sẵn sàng từ chối nếu điều họ làm không tạo ra nhiều giá trị.
Cần phải có sự rõ ràng giữa giá trị cho mọi người và giá trị cho bản thân. Khi một senior nói “không”, nó phải đi kèm với lời giải thích thỏa đáng và những giải pháp thay thế phù hợp hơn.
6. Chủ động giúp đỡ và teamwork
“Teamwork makes the dreamwork.”
Senior sẽ thay từ “tôi” thành từ “chúng ta” vào các câu nói:
-
- “Chúng ta sẽ cùng làm việc này”
- “Chúng ta đã làm tốt thì mới có kết quả như thế”
Vì họ hiểu để làm những việc tạo ra nhiều giá trị, cần phải làm việc cùng đồng đội.
Chủ động giúp đỡ những người trong nhóm, nếu bạn có thể truyền đạt lại 1 số kinh nghiệm và tự tin hướng dẫn đồng nghiệp thì đã tốt lắm rồi. Quá trình giúp đỡ và giải thích này cũng giúp ta củng cố lại nền tảng kiến thức.
Cuối cùng, thêm một chữ senior vào trong chức danh của bạn chưa chắc sẽ mang lại cho bạn 1 cuộc sống thoải mái hơn, hay có năng lực siêu phàm hơn. Sự thăng tiến trong công việc là quan trọng, nhưng thái độ mới là tất cả.
Xây dựng được thái độ đúng đắn, mọi thứ còn lại chỉ là vấn đề thời gian.
Happy Live Team
Nguồn: Vietcetera
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách TRỞ THÀNH “ÁT CHỦ BÀI” CÔNG SỞ