Hiểu đầu cơ từ sự tích bầy khỉ trên thị trường chứng khoán
Câu chuyện thú vị về những con khỉ và ngôi làng ven rừng dưới đây sẽ giúp bạn hiểu về hiện tượng đầu cơ và mô hình hoạt động của thị trường chứng khoán theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, người dân và khỉ sống hòa thuận với nhau. Khỉ hay đến làng tìm kiếm thức ăn và người dân chẳng mảy may ghét bỏ sự hiện diện của những chú khỉ này. Thậm chí, họ còn chia sẻ với chúng những gì họ có.
Cho đến một ngày, một người thanh niên phương xa đến làng sinh sống, anh ta nói rằng mình đang cần mua khỉ với số lượng lớn, và sẽ trả 10 đồng cho mỗi con khỉ người dân bắt được. Dân làng thấy đây là một món hời lớn, ngoài những người dửng dưng và cố tìm cách cứu bầy khỉ kia, thì những người còn lại đều tranh nhau bắt khỉ, bắt được càng nhiều càng tốt. Những người dân ngày ngày hiền lành và đối xử tử tế với bầy khỉ, nay vì một món lợi mà trở nên điên cuồng. Họ lùng bắt không sót một con khỉ nào. Chẳng mấy chốc, ngôi làng trở nên vắng lặng, không còn chú khỉ nào dám đến làng tìm thức ăn. Và cũng có rất nhiều người trở nên giàu có khi bán khỉ cho người thanh niên kia.
Tưởng đâu mọi chuyện đã êm xuôi, ai ngờ người thanh niên lại nói rằng số khỉ đó vẫn chưa đủ với những gì anh ta muốn. Và bây giờ, anh ta sẽ trả cho ai 30 đồng cho bất cứ ai tìm bắt và bán một chú khỉ cho anh ta. Lúc này, cuộc chiến tìm khỉ bỗng chốc trở nên khốc liệt. Mọi thủ đoạn được áp dụng để dụ những con khỉ vào bẫy và có nhiều vụ ẩu đả để tranh giành khỉ đã xảy ra. Máu, các mối quan hệ sứt mẻ đã không khiến những người nông dân dừng lại việc mình đang làm. Ngược lại, con số 30 đồng cho một con khỉ là động lực để cuộc đua trở nên gây cấn và tuyệt tình hơn. Cuối cùng thì khỉ gần như tuyệt chủng ở khu rừng gần ngôi làng. Và, lại có những người tiếp tục giàu lên khi bán khỉ cho chàng thanh niên.
Nhưng có vẻ như càng thanh niên vẫn chưa hài lòng với số khỉ mình đang sở hữu. Lần này, anh ta tuyên bố rằng sẽ mua lại khỉ với giá 50 đồng/con cho những ai tìm thêm được khỉ và giao cho anh ta. Tuy nhiên, khỉ đã thực sự không còn, dù chỉ là một con trong khu rừng ấy và ngôi làng ấy. Khá thất vọng, nhưng đang có việc cần đi tỉnh nên chàng thanh niên đã dặn dò dân làng rằng: “Bây giờ, tôi có việc lên tỉnh, mấy ngày nữa mới về, người giúp việc của tôi sẽ ở lại phụ trách việc thu mua khỉ. Ai bắt được con khỉ nào thì cứ bán cho nó nhé!”
Trong thời gian chàng thanh niên đi vắng, người dân quay lại với công việc thường nhật, tuy nhiên, việc làm giàu quá dễ dàng từ bán khỉ trước kia đã khiến nhiều người chán ngấy công việc đồng án. Họ tận dụng thời gian trong ngày của mình đi tìm thêm khỉ như một khoản thu nhập phụ. Nhưng đúng là chẳng còn con khi nào thật.
Nắm được tâm lý của những người này, người giúp việc của chàng thanh niên hay than thở với họ rằng anh ta đã chán ngấy công việc giữ khỉ cho chủ rồi. Và anh ta đã nói về kế hoạch hoàn hảo của mình cho dân làng nghe: hiện tại ông chủ của anh ta đang rất cần khỉ, nếu anh ta trả hết số khỉ này cho dân làng với giá 35 đồng/con, khi ông chủ trở lại, mọi người ép ông ấy mua lại với giá 50 đồng, chắc chắc ông ta sẽ đồng ý.
Dân làng mừng rỡ liền dốc hết tiền bạc trong nhà ra, tranh nhau mua khỉ, nhưng đợi mãi chẳng thấy anh thanh niên quay lại, người giúp việc cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy quanh làng toàn khỉ là khỉ. Dân làng ai cũng tức giận đỏ hết cả mặt nhưng không biết bán lũ khỉ cho ai.
Sau này, người ta gọi những chú khỉ đó dưới tên cổ phiếu và sắc đỏ trên khuôn mặt giận dữ của người dân để biểu thị cho chỉ số cổ phiếu giá xuống.
Làm giàu bằng mua bán “khỉ” không phải là việc dễ dàng, cho nên nếu quá ngây thơ trên thị trường chứng khoán, người chịu thiệt thòi sẽ là bạn!