fbpx

HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER , VÌ SAO CHÚNG TA LẠI THƯỜNG ẢO TƯỞNG VỀ SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẢN THÂN?

Đầu tiên, dưới góc độ khoa học, hiệu ứng Dunning-Kruger đã được nghiên cứu bởi Dunning, Johnson, Ehrlinger, & Kruger, 2003; Hodges, Regehr, & Martin, 2001; Edwards, Kellner, Sistrom, & Magyari, 2003; Haun, Zeringue, Leach, & Foley, 2000.

Chắc hẳn đã đôi lúc bạn rơi vào tình huống phải nghe một gã “giáo sư cuội” nào đó luyên thuyên về những lĩnh vực chuyên môn của bạn, trong khi thật ra gã chẳng hề biết xíu xiu nào về lĩnh vực đó cả. Điều ấy không những không giúp bạn học thêm được điều gì, mà còn vô tình khiến bạn phải mua bực vào người do bị kéo vào một cuộc tranh luận vô nghĩa.

Và mình cá là trong đầu bạn bắt đầu hiện ra một vài cái tên rồi đấy. À mà không, nó phải là hiện ra cả hình ảnh và cảm giác tức tối khi bạn nghĩ đến tên “giáo sư” đó mới phải. Đó có thể là con bạn cùng khoa, ông hàng xóm hay nhậu nhẹt rượu chè thích bàn quốc sự, người thân trong gia đình bạn và đôi khi … ừ, chính là bạn đó. Nghe tệ nhỉ?
 
Thực tế đã chỉ ra rằng, căn bệnh “giáo sư” nêu trên là vô cùng phổ biến trong xã hội và bất tỉ lệ mắc phải căn bệnh này chắc chắn cao hơn tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 rất nhiều lần. Nó phổ biến đến mức từ dân gian xa xưa cho đến truyền thông hiện đại đã đặt cho nó một cái tên gọi thân thương – “thùng rỗng kêu to(oang)”. Và không dừng lại ở đó, bệnh “thùng rỗng kêu to” này thậm chí còn được nghiên cứu cụ thể để lý giải cho việc “Tại sao con người lại ảo tưởng về hiểu biết của bản thân”, nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger. Kết quả của nghiên cứu được đặt theo tên của hai người là “Hiệu ứng Dunning Kruger”.
 
Nhìn chung ai cũng nghĩ “chắc là cái bệnh này nó chừa mình ra” nhưng trên thực tế mọi thức lại thường đi ngược lại với nhận thức chủ quan của con người, và chính xác rồi đấy, kể cả tôi, hay bạn, hay bất kỳ ai cũng rất dễ mắc phải căn bệnh này. Hãy cùng mình phân tích về hiệu ứng tâm lý này và lý giải tại sao chúng ta cần biết về hiệu ứng này dưới góc độ học thuật, để từ đó xét xem nó sẽ giúp ích gì cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày?

HIỆU ỨNG DUNNING – KRUGER

Như đã giới thiệu ở trên, nghiên cứu về hiệu ứng này được thực hiện bởi 2 nhà nghiên cứu là David Dunning và Justin Kruger về sự nhận thức sai lầm về khả năng của bản thân (Nghiên cứu gốc có tên “Unskilled and Unaware of It: How Difficulties in Recognizing One’s Own Incompetence Lead to Inflated Self-Assessments”).
Để thực hiện nghiên cứu trên, 2 người đã tiến hành khảo sát và hỏi những người tham gia về các vấn đề học thuật và phi học thuật (về ngôn ngữ, tư duy logic và khiếu hài hước), sau đó yêu cầu họ tự đánh giá bản thân mình. Sau đó, hai nhà nghiên cứu đối chiếu trình độ thực tế của những người tham gia với câu trả lời thực của họ để đưa ra các kết luận về mô hình.
 
Có một nghiên cứu về khiếu hài hước được ghi chép lại nói rằng, Dunning và Kruger đã tiến hành hỏi 65 người tham gia. Trong đó có một vài người đã được thẩm định là rất … nhạt, hay là kém trong việc nhân định về những thứ hài hước với mọi người. Thế nhưng, chính những người này lại là những người tự nhìn nhận mình như là một “chúa hề” và cho mình cái quyền ngang như tòa án để phán xét óc hài hước của người khác. Còn những người hài hước thật sự lại có vẻ khá khiêm nhường nhưng những câu nói của họ lại vô cùng “mặn”.
 
Cuối cùng, nghiên cứu thu thập số liệu và vẽ được một mô hình thể hiện sự tương quan giữa 2 biến là “Sự tự tin – Confidence” và “Sự hiểu biết – Knowledge”. Trong đó trục tung là trục biểu diễn “Mức độ tự tin”, trục hoành biểu diễn “Mức độ hiểu biết”.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi chúng ta học hay tiếp nhận bất kỳ thứ gì mới, ở thời gian đầu chúng ta sẽ thấy rất dễ tiếp thu những điều căn bản và tự cho mình là giỏi hơn người (đồ thị có độ dốc lớn đi lên, biên độ dao động mạnh). Thế nhưng, khi thật sự nghiêm túc và đi sâu vào vấn đề, họ sẽ thấy muôn vàn thứ phải học và tự nhận ra mình … “ngu” (đồ thị có độ dốc lớn đi xuống, biên độ dao động mạnh). Khi họ thực sự master một vấn đề rồi, độ tư tin họ sẽ tăng dần trở lại nhưng với tốc độ tăng chậm dần (độ thị thoải đi lên, giao động thấp).
 
Ví dụ như khi học Marketing căn bản, được tiếp xúc với những thuật ngữ mới như “Định vị thương hiệu”, “IMC Plan”, “4Ps”, “Mô hình quản trị Marketing”,… chúng ta rất dễ lầm tưởng rằng mình đã nắm được mọi thứ trong tay. Nhưng trên thực tế khi bắt đầu va vấp trong môi trường doanh nghiệp, mọi thứ trở nên khắc nghiệt hơn và đôi khi yêu cầu cao hơn ở mức độ BIẾT, đó có thể là mức độ HIỂU SÂU, và có thể TẠO RA LỢI NHUẬN. Nó đòi hỏi bạn phải tự xây dựng hệ thống, tự linh hoạt trong nhiều quy mô doanh nghiệp khác nhau, có cách brainstorm khác nhau, vân vân và mây mây.
Điều này lý giải vì sao một số người nhảy từ ngành này sang ngành khác nhưng chỉ được một thời gian lại chán, đơn giản vì họ ảo tưởng rằng mình tiếp thu nhanh kiến thức về ngành đó và có thể thăng tiến nhanh chóng, nhưng thật ra đó chỉ là một cảm giác an toàn mà não bộ mang lại ( hiệu ứng thiên vị đánh giá – confirmation bias), họ thực chất mới chỉ chạm đến bề mặt của hiện tượng, nên khi ngụp lặn trong những vấn đề sâu hơn, họ dễ chán nản và rồi có thể lại tiếp tục … nhảy ngành!@#!?

VÌ SAO CHÚNG TA LẠI THƯỜNG ẢO TƯỞNG VỀ ĐỘ HIỂU BIẾT CỦA BẢN THÂN?

Nguyên nhân dẫn đến sự ảo tưởng về độ hiểu biết của bản thân gồm có 2 nguyên nhân chính:

  • Thiếu hụt khả năng nhận thức sai lầm
  • Sự tự đánh giá cao khả năng của bản thân

Mối tương quan giữa sự tự tin và vốn hiểu biết.

THIẾU HỤT KHẢ NĂNG NHẬN THỨC SAI LẦM

Dunning cho rằng việc thiếu hụt về kỹ năng và chuyên môn sẽ tạo ra 2 vấn đề phát sinh. Đầu tiên, những sự thiếu hiểu biết đó khiến cho mọi người thể hiện khả năng của mình một cách nghèo nàn trong lĩnh vực mà họ không giỏi. Thứ hai, chính vì họ không hiểu biết và không có kỹ năng về chuyên môn nên họ không đủ khả năng để nhận thức được khi nào họ sai, khi nào họ đúng trong lĩnh vực đó. Nghĩa là họ không có khả năng nhận thức sai lầm của bản thân, chính vì thế, họ vẫn nằm trong hệ quy chiếu hay miền xác định mà chính mình vạch ra, hành xử và lập luận như một “chàng ngốc” nhưng vẫn không tự nhận ra điều đó.

SỰ TỰ ĐÁNH GIÁ CAO KHẢ NĂNG CỦA BẢN THÂN

Nguyên nhân này hơi ngược một chút so với nguyên nhân đầu tiên, nhưng nhìn chung vẫn bổ trợ cho nhau. Ở nguyên nhân đầu tiên, khi bị nhiễm căn bệnh “thùng rỗng kêu to”, thông thường con người tự động phủ định những sai lầm do họ không thể có khả năng nhận thức sai lầm ấy. Còn ở nguyên nhân này, họ ngộ nhận rằng mình rất giỏi do mới chỉ tiếp xúc bề mặt của vấn đề, cái sự đơn giản của những lý thuyết cơ bản làm cho họ nghĩ ra một viễn cảnh tươi đẹp, rằng họ đã có thể làm những điều vĩ đại chỉ từ những lý thuyết cơ bản ấy.
 
Hai thái cực, một thái cực làm giảm sự tiêu cực, một thái cực làm tăng sự tích cực mà kẻ ảo tưởng nhìn thấy. Điều ấy càng khiến cho độ tự tin của con người càng tăng cao trong khi thực tế kiến thức chỉ đang ở giai đoạn hình thành.

NE NÉ CÁI BỆNH “GIÁO SƯ” NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Như đã nói ở đầu bài, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm căn bệnh này. Đừng ngộ nhận rằng bạn là một người khiêm tốn, đôi khi chỉ là bạn tự nhìn nhận bạn khiêm tốn mà thôi, còn nếu nhìn nhận từ thực tế khách quan thì biết đâu, bạn lại đang mang trong mình căn bệnh thùng rỗng kêu to đấy. Chỉ là chính bản thân bạn đang không nhận thức được sai lầm, nên bạn vẫn nghĩ dù mình rất giỏi, nhưng mình khiếm tốn.
 
Hãy tạm gác lại việc cố gắng tìm lời giải đáp hay nhận xét khách quan từ những người xung quanh, bản thân chúng ta nên đi tìm những giải pháp cho chính bản thân mình. Dưới đây là 2 cách rút ra từ mô hình Dunning Kruger để biết luôn khiến mình vững tâm và vững trí, không bị cái dốt làm mù mờ nhận thức của chính bản thân.

ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI VỀ THỨ BẠN ĐÃ BIẾT

Thật kỳ lạ, chắc hẳn sẽ có nhiều người phản biện lại rằng “biết rồi đặt câu hỏi lại làm gì cho mất thời gian?”. Như đã đề cập, cái chúng ta gọi là “biết” chỉ dừng lại ở suy nghĩ, cách nhìn nhận chủ quan của chính chúng ta mà thôi, thế nên nó không thể nào là thực sự chính xác được.
 
Việc bạn chủ động hỏi người giỏi hơn về những cái bạn đã biết sẽ cho bạn cơ hội nghe góc nhìn của họ, có cơ hội tranh luận nhiều hơn và có cái nhìn đa chiều hơn. Nó sẽ giúp bạn thoát khỏi vùng ngộ nhận của chính mình.

LIÊN TỤC LUYỆN TẬP ĐỂ NHẬN RA MÌNH … “NGU”

Vấn đề là bạn có đủ hiểu biết rằng mình kém hiểu biết không?.

Cảm giác tự nhận mình giỏi đôi khi còn giết chết chúng ta nhanh hơn sự tự nhận thức là mình rất ngu. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, hãy cố gắng luyện tập và học hỏi nhiều nhất có thể để nhận ra những lỗ hổng trong cách giải quyết vấn đề của mình. Từ đó, nâng cao khả năng nhận thức sai lầm để “nói ít đi, khắc phục nhiều hơn”.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, tiếp cận cách suy luận về sự ngạo mạn dưới góc độ học thuật là cần thiết để mọi người có cách suy nghĩ lý tính hơn trong các quyết định của mình. Tránh việc ngộ nhận khả năng của bản thân dẫn đến những hành động ngu ngốc trong tương lai mà đôi khi, có thể giết chết sự nghiệp của chính bản thân mình.
Nguồn: camnest.vn

Có thể bạn quan tâm

Tủ sách Tinh hoa chứng khoán toàn tập

Tủ sách Tinh hoa Chứng khoán toàn tập 2021

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề