fbpx

Honda và Nissan: Bắt tay làm đồng minh để đấu với xe điện giá rẻ Trung Quốc và Toyota

Cách đây 4 năm, không ai tin rằng hãng xe lớn thứ 2 và thứ 3 Nhật Bản có thể sáp nhập khi họ có mối thâm thù hơn 70 năm.

Honda đang đàm phán để sáp nhập với Nissan

Honda và Nissan: Bắt tay làm đồng minh để đấu với xe điện giá rẻ Trung Quốc và Toyota

Thông tin Honda đang đàm phán để sáp nhập với Nissan cùng Mitsubishi Motor để tạo nên tập đoàn xe hơi lớn thứ 3 thế giới đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Tuy nhiên điều trớ trêu là chỉ cách đây 4 năm, chẳng có ai tin rằng 2 kẻ thù truyền kiếp trong ngành ô tô Nhật Bản này lại có thể sáp nhập.

Tờ Nikkei cho hay sự hợp nhất này là để cạnh tranh tốt hơn trước Tesla cũng như các hãng xe điện giá rẻ Trung Quốc. Trong khi đó tờ Fortune lại cho rằng đây là sự phòng vệ của “2 kẻ yếu” trước Toyota.

Dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy ít nhất một nửa doanh số bán xe hơi mới trên toàn cầu vào năm 2035 sẽ là ô tô điện. Trong khi đó sự trỗi dậy của các thương hiệu xe điện Trung Quốc đang làm suy yếu các hãng xe đến từ Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trên thực tế không riêng gì Honda và Nissan, các hãng xe toàn cầu khác cũng đang theo đuổi các mối quan hệ hợp tác mới. Vào tháng 9/2024, General Motors cho biết họ sẽ tìm hiểu về mối quan hệ đối tác với Hyundai Motor về xe điện và phần mềm.

Trong khi đó, BMW đã công bố quan hệ đối tác với Toyota Motor về xe chạy bằng pin. Startup xe điện nổi tiếng Rivian Automotive cũng đang bắt tay với Volkswagen.

Không thể tin nổi

Mùa hè năm 2020, tờ Financial Times (FT) đã có bài viết về việc chính phủ Nhật Bản dự định sáp nhập Honda với Nissan, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng điều này là khó khăn khi 2 đối thủ này từng cạnh tranh trong nhiều năm.

Tuy nhiên chỉ 4 năm sau, hãng xe lớn thứ 2 và thứ 3 Nhật Bản đã buộc phải ngồi lại với nhau trước sự bành trướng từ dòng lũ xe điện Trung Quốc giá rẻ, công nghệ cao và thiết kế đẹp mắt.

Theo FT, tổng doanh số của 3 nhà sản xuất ô tô là Honda, Nissan cùng Mitsibishi sẽ vượt 8 triệu xe, thách thức ông lớn Toyota tại thị trường nội địa cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh tại Trung Quốc hay quốc tế.

Sự kiện này đã khiến nhiều chuyên gia không thể tin nổi bởi ngay từ những ngày đầu thành lập, hai hãng Honda và Nissan đã đi theo những con đường phát triển rất khác nhau.

Nissan được thành lập vào năm 1934 bởi Yoshisuke Aikawa, một nhà sáng lập ít tên tuổi đã biến công ty thành một tập đoàn lớn trước Thế chiến II thông qua hàng loạt thương vụ sáp nhập và niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Trái lại Soichiro Honda, nhà sáng lập Honda vào năm 1948 thì lại ưa thích phát triển ô tô một mình, căm ghét những liên minh hay liên doanh, coi việc thu mua sáp nhập (M&A) những doanh nghiệp khác chỉ khiến hoạt động sản xuất chậm lại.

Cho đến ngày nay, văn hóa M&A của Nissan để bành trướng đế chế vẫn còn, trong khi Honda thì vẫn trung thành với triết lý của nhà sáng lập là dồn lực phát triển ô tô thay vì nhăm nhe xâm chiếm các doanh nghiệp khác.

Tuy vậy bất kể là đường đi M&A của Nissan hay tập trung làm ô tô của Honda thì đều phải “tuyệt vọng” (Desperation), dù mức độ có khác nhau, trước sức mạnh xe điện giá rẻ Trung Quốc.

Theo FT, cả hai hãng xe lớn thứ 2 và 3 Nhật Bản này đều gặp khó khi mở rộng thị phần và giữ được sự cạnh tranh tại Trung Quốc những năm gần đây.

Vốn hóa thị trường của Honda, Nissan và Toyota

Sau khi bị chậm chân trong mảng xe điện, cả Nissan và Honda đều biết rằng họ không đủ nguồn lực, quy mô để có thể duy trì sự cạnh tranh và vị thế của mình trên toàn cầu trước sự bành trướng từ Trung Quốc.

Với Nissan, tập đoàn này đã phải từ bỏ đối tác liên minh với Renault của Pháp sau 25 năm vì họ đều hiểu rằng chuyện hợp tác sẽ chẳng giúp 2 bên đủ sức tồn tại trước cơn bão xe điện và những quy định mới khắt khe hơn về khí thải.

Giám đốc điều hành Nissan, ông Makoto Uchida thậm chí đã thẳng thắn nói về nhu cầu tìm kiếm đối tác mới trên truyền thông, dù hãng vẫn khẳng định liên minh cùng Renault và Mitsubishi Motors sẽ không hoàn toàn bị hủy bỏ.

Vào tháng 11/2024, Nissan đã công bố cắt giảm 20% công suất sản xuất và cắt giảm gần 10% lực lượng lao động trên toàn cầu, tương đương 9.000 nhân sự.

Trong khi đó, Honda nhận ra rằng chiến lược đi một mình của mình trước đây không còn khả thi nữa khi phải đối đầu với Trung Quốc nên đã bất ngờ hợp tác với Sony vào năm 2022 để sản xuất xe điện. Hãng cũng liên minh với GM trong lĩnh vực ô tô chạy bằng ắc quy cùng công nghệ tự lái.

Tuy nhiên liên minh này đã phải hủy bỏ kế hoạch phát triển xe điện giá rẻ vào năm 2023 vì không thể đạt mức chi phí hiệu quả bằng thương hiệu Trung Quốc.

Sự thất bại trong liên minh với GM được đánh giá là một đòn giáng mạnh vào CEO Toshihiro Mibe của Honda, người đã từng hùng hồn tuyên bố thay thế dần xe xăng bằng ô tô điện vào năm 2040 khi mới lên nhậm chức vào 3 năm trước.

Hiện tại, Honda vẫn là hãng ô tô triển khai xe điện chậm nhất Nhật Bản, nếu không muốn nói là trên thế giới.

Doanh số bán hàng của Honda tại Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2024 đã giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Nissan giảm 10,5%.

Trong bối cảnh khó khăn, Honda đã quyết định cắt giảm công suất sản xuất toàn cầu khoảng 500.000 xe, tương đương khoảng 10%. Tập đoàn này cũng lần đầu tiên phải cắt giảm công suất tại các nhà máy ở Trung Quốc, vốn là trung tâm sản xuất lớn nhất của hãng.

Bất ngờ và bất lực

Câu chuyện Nissan cạnh tranh với Honda để giành ngôi vị á quân tại Nhật Bản sau Toyota không còn gì mới lạ. Mối “thâm thù” giữa 2 doanh nghiệp này bắt đầu từ thời các nhà sáng lập khi có sự trái chiều về triết lý kinh doanh.

Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn khi cả 2 ông lớn đều bất ngờ trước sự trỗi dậy quá nhanh của xe điện Trung Quốc.

Nissan và Honada hợp tác

Dù mỗi hãng bán khoảng 4 triệu chiếc ô tô trên toàn cầu mỗi năm nhưng cả Nissan và Honda đều ngạc nhiên trước sự vươn lên của các tập đoàn xe điện nội địa Trung Quốc. Ban đầu phía Nhật Bản chỉ cho rằng đây là bong bóng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và tiền từ ngân sách, nhưng khi ngay cả Elon Musk và Tesla cũng phải dè chừng thì Honda và Nissan mới nhận ra họ đã quá trễ.

Sau khi Châu Âu và Mỹ đặt tiêu chuẩn mới về khí thải, những cái tên như BYD bất ngờ trỗi dậy ngang ngửa với Tesla, chưa kể các ông lớn trong chuỗi cung ứng như CATL đều đến từ Trung Quốc.

Đến tận đây, Honda và Nissan mới nhận ra họ không chỉ thua tại thị trường Trung Quốc mà còn chậm chân quá nhiều trong xu thế xe điện mới trên toàn cầu.

Những nỗ lực trong tuyệt vọng khi hợp tác với các liên minh để phát triển xe điện cho đến nay đều chưa thành công và nếu dòng lũ sản phẩm giá rẻ, công nghệ cao, thiết kế đẹp mắt từ Trung Quốc xâm chiếm các thị trường Đông Nam Á, Châu Âu hay Mỹ như đã làm tại Trung Quốc thì Honda và Nissan không có gì để chống lại.

“Chúng tôi cần phải tăng tốc hơn nữa. Tôi không biết liệu 1 năm sau thì ngành này sẽ xảy ra điều gì”, CEO Uchida của Nissan nói khi cho biết họ cần hợp tác với đối thủ truyền kiếp Honda để có được quy mô và hiệu suất giảm chi phí cần có nhằm cạnh tranh được với các hãng xe điện Trung Quốc.

Trên thực tế, Nissan đã gặp vấn đề từ sau bê bối của Chủ tịch Carlos Ghosn năm 2018. Những chiến lược sai lầm của nhà lãnh đạo này cùng việc bỏ trốn khỏi Nhật Bản sau khi bị bắt do cáo buộc hành vi sai trái về tài chính đã ảnh hưởng nặng đến danh tiếng công ty.

Tại Bắc Mỹ, Nissan chịu khoản lỗ hoạt động hợp nhất là 4,1 tỷ Yên, tương đương 27 triệu USD trong 6 tháng tính đến tháng 9/2024.

Đây là con số khó lòng chấp nhận khi cùng kỳ năm ngoái, công ty đã công bố lợi nhuận 241,4 tỷ Yên, chiếm hơn 70% tổng lợi nhuận hoạt động.

Phòng vệ trước Toyota

Trong khi Honda và Nissan bất lực trước dòng lũ xe điện giá rẻ Trung Quốc thì tờ Fortune lại cho rằng sự sáp nhập này là một biện pháp phòng vệ trước Toyota, hãng xe lớn nhất Nhật Bản và đứng đầu thế giới.

Do dần yếu hơn trước Toyota nên 2 hãng xe Nhật Bản đang phải bắt tay để hợp tác cùng sống sót. Tổng doanh số 6 tháng đầu năm trên toàn cầu của cả Honda và Nissan chỉ vào khoảng 4 triệu xe, thấp hơn so với 5,2 triệu chiếc của Toyota.

Nissan và Honda phòng vệ trước Toyota

Hiện Toyota đang nắm giữ cổ phần tại Subaru Corp, Suzuki Motor Corp và Mazda Motor Corp, nhờ đó tạo ra một liên minh thế lực hùng mạnh của các thương hiệu có xếp hạng tín dụng cao.

Giá trị định giá của Honda đạt 6,8 nghìn tỷ Yên, tương đương 44,4 tỷ USD tính đến phiên 17/12/2024, cao hơn nhiều so với vốn hóa thị trường 1,3 nghìn tỷ Yên của Nissan. Thế nhưng ngay cả khi kết hợp thì giá trị của 2 hãng này cũng bị lu mờ bởi 42,2 nghìn tỷ Yên của Toyota.

Băng Băng (Theo Fortune, FT, Nikkei, Nhịp sống thị trường)

Có thể bạn quan tâm

post_web_hpl_294cd5cf8ac0441fba3b1785c948de2b_grande.jpg

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề