fbpx

IMF nói kinh tế Nga ‘vượt khó’ tốt hơn dự báo

IMF cho biết bất chấp loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, kinh tế Nga dường như “vượt khó” tốt hơn dự báo nhờ hưởng lợi từ giá năng lượng cao.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố hôm 26/7 đã nâng ước tính GDP của Nga trong năm nay tăng 2,5 điểm phần trăm, dù nền kinh tế nước này dự kiến vẫn giảm 6%.

“Đó là cuộc suy thoái khá lớn ở Nga trong năm 2022”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng lý do chính khiến cuộc suy thoái không tồi tệ như dự kiến là bởi “ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách Nga đã có thể ngăn chặn cơn hoảng loạn rút tiền khỏi ngân hàng hoặc khủng hoảng tài chính khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt”.

Trong khi đó, giá năng lượng tăng đang “mang lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế Nga”, ông nhấn mạnh. Hồi đầu năm nay, giá dầu Brent là 80 USD/thùng, nhưng đã tăng vọt lên 129 USD vào tháng 3, trước khi giảm trở lại 105 USD ngày 26/7. Giá khí đốt tự nhiên đang tăng trở lại và đạt mức đỉnh gần đây.

Nhà kinh tế trưởng IMF Pierre Olivier Gourinchas trả lời phỏng vấn tại trụ sở IMF ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 26/7. Ảnh: AFP.

Nhà kinh tế trưởng IMF Pierre Olivier Gourinchas trả lời phỏng vấn tại trụ sở IMF ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 26/7. Ảnh: AFP.

Theo báo cáo, trong khi các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đang tăng trưởng chậm lại, “nền kinh tế Nga giảm ít hơn dự kiến trong quý II, với mức tăng xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng phi năng lượng tốt hơn dự kiến”.

“Bất chấp lệnh trừng phạt, nhu cầu nội địa của Nga cũng đang cho thấy một số khả năng phục hồi nhờ sự hỗ trợ của chính phủ”, báo cáo nêu.

Nhưng Gourinchas nhấn mạnh rằng “không có triển vọng phục hồi” phía trước đối với Nga. “Trên thực tế, IMF đang điều chỉnh giảm mức tăng trưởng của Nga trong năm 2023 thấp hơn 1,2 điểm so với dự báo 3,5% hồi tháng 4”, nhà kinh tế IMF cho hay.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ cùng các nước châu Âu đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt nhằm loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và cắt nguồn vốn Moskva có thể dành để tài trợ cuộc chiến.

Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng cũng như biện pháp mới được châu Âu công bố đồng nghĩa “tác động tích lũy của những biện pháp trừng phạt cũng tăng lên theo thời gian”, ông Gourinchas nói.

Báo cáo chỉ ra rằng châu Âu cũng đang phải đối mặt với gánh nặng hậu quả từ lệnh trừng phạt do những nước này phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Nga cắt xuất khẩu khí đốt và một khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận chuyển dầu Nga bằng đường biển bắt đầu từ năm sau.

Tiến Phát

vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề