fbpx

Indonesia: Dạy lập trình trong cửa hàng tiện lợi

Tình trạng thiếu nhân sự công nghệ đã khiến người Indonesia nghĩ ra giải pháp đầy sáng tạo.

Trước đây, bà mẹ 3 con Ade Irmayanti sống ở Jakarta vẫn hay xem cửa hàng tiện lợi 7-Eleven gần nhà là chỗ tụ tập chỉ dành cho giới thiếu niên. Tuy nhiên, người phụ nữ 43 tuổi này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ khi đăng ký dự một khóa học lập trình tại đây. Cùng với nhiều bà nội trợ khác, Irmayanti đều đặn đến 7-Eleven 3 buổi tối mỗi tuần để học HTML, JavaScript và các kiến thức khác về lập trình.

“Tôi muốn kiếm thêm tiền cho gia đình. Bằng cách học lập trình, tôi có thể làm việc quản trị mạng từ xa, và kiếm được việc bán thời gian ngay tại nhà”, Irmayanti cho biết.

day-phu-nu-lap-trinh

Tăng nguồn cung kỹ sư ngay tại 7-Eleven

Được khởi động bởi hệ thống 7-Eleven Indonesia, chương trình đào tạo kỹ năng lập trình cho các bà nội trợ là một nỗ lực có sự hợp tác của cả tư nhân và chính phủ. Ông Izak Jenie, một giám đốc của 7-Eleven, đã thuyết phục chính phủ khởi động chương trình “Các bà mẹ biết lập trình” (Coding Mums) sau khi nhận thấy Indonesia có thừa nguồn nhân lực nhưng lại thiếu người có kỹ năng công nghệ.

Ông Jenie cho biết: “Một số học viên của chúng tôi đã tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu, có người thậm chí còn tốt nghiệp từ trường Berkeley của Mỹ. Nhưng nhiều người trong số họ lại chỉ ở nhà chăm con. Đó không phải là điều sai trái gì, nhưng họ cần có thêm nguồn thu nhập, và chúng tôi thấy rằng họ có thể tìm được cơ hội làm việc ngay ở nhà”.

Chuyện đi học lập trình ở 7-Eleven tuy nghe có vẻ khá lạ lùng, nhưng thực ra ở Indonesia thì chuỗi cửa hàng này đã trở thành một dạng trung tâm cộng đồng trong những năm gần đây. Nhiều gia đình thường xuyên ăn uống tại đây, còn giới thiếu niên thì hay ngồi đến tận khuya để uống cà phê và dùng wifi miễn phí. Việc mở thêm lớp học lập trình vì thế cũng chẳng có gì lạ.

Những người xây dựng chương trình “Các bà mẹ biết lập trình” đang hy vọng nó sẽ giúp Indonesia bắt kịp với các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Ông Triawan Munaf, đại diện của cơ quan chính phủ đang hợp tác với 7-Eleven, cho biết ông đang hy vọng sẽ bổ sung được thêm 600.000 nhân lực cho các ngành công nghệ và sáng tạo của Indonesia trước năm 2019, tương đương 5% số nhân lực hiện có của các ngành này.

Nhiều công ty công nghệ đang xem Indonesia là động lực tăng trưởng mới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN này sẽ có 100 triệu người dùng Internet trong năm nay, trong đó hơn phân nửa là qua smartphone, theo eMarketer. Lĩnh vực thương mại điện tử tại đây được chính phủ dự kiến sẽ đạt tổng doanh thu 130 tỷ USD trước năm 2020.

Việc thiếu hụt nhân lực công nghệ ở Indonesia vì thế là chuyện khá đau đầu cho các công ty muốn tăng trưởng nhanh. Dịch vụ gọi xe PT Go-Jek, vốn đang có tiềm năng trở thành startup tỷ đô thứ tư của Đông Nam Á, đã phải mua lại 2 công ty phần mềm Ấn Độ để có thêm nhân lực. Chi nhánh Uber tại Indonesia cũng đang tìm kiếm những người Indonesia sống ở Mỹ để mời họ về nước làm việc.

Theo khảo sát năm 2015 của Microsoft, có tới hơn 90% số học sinh – sinh viên tại Indonesia muốn học lập trình, nhưng rất ít trường chịu dạy kỹ năng này. Vì thế, nhiều trung tâm tư nhân dã mọc ra. Một trung tâm là Coding Indonesia tại Jakarta đã có sĩ số học viên khóa hè tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Lương bình quân cho nhân sự ngành IT ở Indonesia là 302 USD/tháng, cao hơn gấp đôi so với mức lương tối thiểu là 144 USD, theo khảo sát của JobPlanet.

Nhiều học viên của chương trình “Các bà mẹ biết lập trình” đã bắt đầu tự khởi nghiệp. Bà Irmayanti đã tham gia sáng lập một công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến. Một học viên khác là Mentari Mayangsari Nasution thì xây dựng website để bán lại tranh thêu các câu trích dẫn từ kinh Koran. Một số người khác thì đang làm lập trình viên tự do, trong đó có người làm cho Tokopedia, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia.

Để theo đuổi sự nghiệp riêng của mình, các bà mẹ cũng phải chấp nhận nhiều sự hy sinh thầm lặng. Trong lúc ngồi xem lại bài vở ở nhà và được các con hỏi mình đang làm gì, bà Irmayanti trả lời: “Mẹ cũng có bài tập về nhà, giống y như các con vậy đó”.

Nguồn: nhipcaudautu

Các viết cùng chủ đề