Jack Ma nói với các nhà sáng lập startup Trung Quốc: ‘Đã đến lúc lên sàn’
Jack Ma đang ra tín hiệu cho hàng loạt công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc rằng: đã đến lúc gia nhập cuộc đua niêm yết trị giá hàng tỷ USD.
Thương vụ IPO kép của công ty tài chính Ant tại Hong Kong và Thượng Hải có thể trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới.
Hàng loạt công ty công nghệ của Trung Quốc đang lên kế hoạch niêm yết tại Hong Kong.
Khả năng căn thời điểm của Jack Ma thường rất chính xác. Và ngay bây giờ, ông đang ra tín hiệu cho hàng loạt công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc rằng: đã đến lúc gia nhập cuộc đua niêm yết trị giá hàng tỷ USD, trước khi đại dịch covid-19 hay chiến tranh thương mại gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn nữa.
Ant Financial, công ty dịch vụ tài chính của Jack Ma, đang tìm cách huy động 10 tỷ USD ngay trong lần phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng (IPO) tại Hong Kong và Thượng Hải. Quyết định này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các công ty nhỏ đẩy nhanh tiến trình IPO, nắm bắt cơ hội khi thị trường đang ở mức đỉnh nhiều năm và tránh những sự không chắc chắn về dài hạn. Chỉ trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã cho ra đời hơn 100 công ty khởi nghiệp có định giá trên 1 tỷ USD, dẫn đầu bởi Tik Tok – công ty con của ByteDance và gã khổng lồ của dịch vụ gọi xe Didi Chuxing.
“Nền kinh tế có lộ trình của riêng nó. Hiện tại thanh khoản đã có sẵn, nhưng nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu vẫn tồn tại nhiều rủi ro”, Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty Adamas Asset Management tại Hong Kong, cho biết. “Vì vậy, mọi doanh nghiệp đều muốn hành động ngay khi cơ hội đến”.
Chỉ riêng tại sàn chứng khoán Hong Kong, các công ty Trung Quốc đã huy động được 36 tỷ USD trong năm này và thương vụ IPO của Ant gần như chắc chắn sẽ đẩy con số này vượt mức 45 tỷ USD. Điều này đặt ra câu hỏi rằng: liệu thị trường Trung Quốc có đủ sâu để kiểm soát “cơn lũ” niêm yết này không. Giống như một bộ phim bom tấn Hollywood hấp dẫn ra mắt vào mùa hè, cái bóng khổng lồ của Ant có thể làm lu mờ kể cả những tác phẩm đầu tay lớn nhất.
Hàng tá doanh nghiệp cũng đang tìm cách tiếp cận nguồn lợi này: Công ty đứng sau trang web tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc Baidu và hãng du lịch Ctrip được cho là đang khám phá thị trường niêm yết thứ cấp tại Hong Kong. ByteDance, chủ nền tảng quay video nổi tiếng Tik Tok, cũng là một ứng cử viên tiềm năng. Truyền thông địa phương đưa tin công ty DiDi sắp khởi động quá trình IPO tại Hong Kong, nhưng phát ngôn viên của hãng đã phủ nhận thông tin này vào thứ tư. UBS ước tính có 42 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đủ điều kiện để niêm yết tại Hong Kong trong 12 tháng tới và có thể huy động gần 27 tỷ USD, với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng giả định là 5%.
Antsẽ là công ty lớn nhất trong nhóm trên, với thương vụ IPO định giá công ty ở mức hơn 200 tỷ, làm lu mờ tất cả những công ty khác, ngoại trừ người chống lưng chính, tập đoàn Alibaba và đối thủ Tencent. Dựa trên thời điểm Ant lên sàn chứng khoán – vài tháng nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ – nhiều công ty sẽ phải tìm cách đi trước gã khổng lồ dịch vụ tài chính này, hoặc đảm bảo việc IPO của mình diễn ra ổn thỏa sau khi thanh khoản yếu đi một lần nữa.
“Với việc Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất cho thấy triển vọng tăng trưởng rõ ràng, khẩu vị của nhà đầu tư dành cho chứng khoán Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên”, Andy Mok, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nói. “Mặc cho quy mô lớn của IPO của Ant, nhóm thanh khoản thậm chí còn tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn thế”.
Hong Kong và Thượng Hải đã trở thành điểm nóng IPO năm 2020, nơi đến của các công ty, từ JD.com đến SMIC, chỉ trong vòng vài tháng. Những doanh nghiệp lớn nhất tại Trung Quốc đang tìm cách giao dịch cổ phiếu ngay tại sân nhà sau khi Mỹ đề xuất dự luật đe dọa hủy niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán New York, thông qua áp dụng nhiều yêu cầu công bố thông tin nghiêm ngặt hơn. Tương lai này càng trở nên khả thi hơn khi chính quyền Tổng thống Trump tăng cường các động thái chống lại đối thủ địa chính trị là Trung Quốc. Điều này cũng góp phần đẩy mạnh làn sóng IPO tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Việc niêm yết của Ant sẽ tạo ra nhưng hiệu ứng không mong muốn. Cổ phiếu của Meituan, JD.com and Netease đã tạo sức ép cho nguồn vốn khả dụng và gây ra những đột biến trong giá đô la Hong Kong. Nhu cầu về tiền tệ đã bắt đầu tăng lên vào thứ ba, trước cả khi Ant xác định khung thời gian lên sàn.
“Sẽ có những áp lực thanh khoản trong ngắn hạn”, Julia Pan, chuyên gia phân tích tại công ty tài chính UOB Kay Hian có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Ví dụ như có khả năng nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu tại Alibaba để mua cổ phiếu Ant chẳng hạn”.
Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy thị trường không được trang bị đầy đủ để xử lý làn sóng này. Sau đợt niêm yết thứ cấp 13 tỷ USD vào năm ngoái, cổ phiếu Alibaba trên sàn chứng khoán Hong Kong chỉ thu hút được một số ít hoạt động giao dịch từ sàn New York, một phần là do mức thuế khu vực đã hạn chế khả năng giao dịch với tần suất cao. Dù đứng đầu thế giới về số lượng doanh nghiệp niêm yết, khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong chỉ bằng ¼ so với sàn chứng khoán Mỹ.
Về dài hạn, số lượng tăng nhanh của đội ngũ các gã khổng lồ công nghệ sẽ đem về lợi ích cho sàn chứng khoán Hong Kong, đa dạng hóa cơ sở đầu tư, đồng thời giúp thực hiện tham vọng trở thành địa điểm phải đến của thế hệ các tập đoàn công nghệ mới. Sàn chứng khoán này hiện đẩy mạnh nỗ lực nâng cao thanh khoản và doanh thu.
“Dù sẽ có những áp lực thanh khoản trong ngắn hạn khi Ant lên sàn, nhưng đây là điều tốt cho Hong Kong về lâu dài”, David Dai, chuyên gia phân tích tại Bernstein trụ sở Hong Kong nói.
Nguồn: Người đồng hành.
Có thể bạn quan tâm