fbpx

John Paulson – Từ dân buôn cò con 10 năm chìm nghỉm thành ông trùm phố Wall rồi mất trắng trong 1 đêm

Chỉ sau một phi vụ đầu cơ để đời, John Paulson đã gia nhập nhóm các siêu tỷ phú thế giới. Nhưng thời hoàng kim của ông trùm này nhanh chóng chấm dứt do quá ham mạo hiểm và nằm trong tầm ngắm của chính phủ Mỹ.

“Ông trùm” thâu tóm nhà băng phố Wall

Theo lý lịch trích ngang của tỷ phú John Paulson, trước khi quyết định dấn thân vào phi vụ đầu cơ để đời, ông từng làm đủ nghề cò con để kiếm sống. Vốn là một sinh viên Đại học Havard, tài năng có thừa, bản lĩnh không thiếu nhưng điều ông kỳ vọng là cơ hội thì chưa một lần mỉm cười. Trải quả 10 năm lăn lộn thương trường, những gì ông xây dựng được chỉ là con số không tròn trĩnh.

John Paulson từng nhanh chóng trở thành doanh nhân thành đạt, hình mẫu nhà đầu tư thành công trên thị trường tài chính Mỹ.
John Paulson từng nhanh chóng trở thành doanh nhân thành đạt, hình mẫu nhà đầu tư thành công trên thị trường tài chính Mỹ.

Những kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn cần có để sau này tự khẳng định mình trong thế giới đầu cơ được Paulson tích lũy ở trường học và qua quá trình giúp việc cho những nhân vật gội cạo của thế giới tài chính như Leon Levy trong công ty Odyssey Partners, cho ngân hàng Bear Stearns và tập đoàn đầu tư tài chính Gruss Partners.

Paulson cũng học được luôn từ Marty Gruss triết lý đầu cơ: “Hãy để ý đến xu thế giảm, còn xu thế tăng thì tự nó sẽ đến”. Có nghĩa là: Hãy đi tìm, hãy phát hiện và thậm chí hãy gây dựng xu thế giảm giá trên thị trường, còn tăng trở lại chỉ là vấn đề thời gian. Vì sử dụng tiền của kẻ khác nên Paulson ở thời kỳ đầu không dám mạo hiểm, không đầu cơ vào bất cứ cái gì liên quan đến bất động sản mà thuần túy chỉ đầu cơ vào thành công hay thất bại của các vụ hợp nhất công ty. Đầu cơ như vậy gặp ít rủi ro, không phải chờ đợi lâu mới có được kết quả. Công ty của Paulson cứ tà tà như thế và trong vòng gần 10 năm biến Paulson thành triệu phú. Nước lặng là nước sâu, đứng trong bóng tối quan sát sự việc xảy ra ở khu sáng, low profile – hight profit là những phương châm chi phối toàn bộ công chuyện kinh doanh của Paulson. Paulson luôn ý thức được mình là ai và muốn gì. Cũng vì thế mà Paulson như thể chìm nghỉm trong thế giới đầu cơ. Cho tới năm 2005.

Sau 11 năm khám phá thế giới đầu cơ từ bên trong và khi vững vàng về tài chính rồi, Paulson mới mon men đầu cơ mạo hiểm hơn. Giữa năm 2005, Paulson cho rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng không năng động và bền vững như thiên hạ tưởng và vì thế tập trung đầu cơ vào sự giảm giá của cổ phần các doanh nghiệp. Nhưng tỷ giá chứng khoán ở Mỹ vẫn cứ tiếp tục tăng cho tới cuối năm 2005. Paulson bị mất rất nhiều tiền, nhưng đổi lại được bài học kinh nghiệm quý giá là không thể tin cậy được vào thông tin của kẻ khác, vào đánh giá, nhận định và dự báo của kẻ bên ngoài cũng như lại phải trở lại với bài học sơ đẳng nhất trong nghiệp vụ đầu cơ là “điều chắc chắn nhất là chẳng có gì chắc chắn cả“, “quy luật quan trọng nhất là chẳng có quy luật nào cả“ và “nguyên tắc tối thượng là cái gì cũng có thể xảy ra“

Paulson lập ra bộ máy nghiên cứu phân tích riêng. Paulson yêu cầu cộng sự trả lời câu hỏi: “có thể đầu cơ vào đâu?“. Và Paulson mai phục từ giữa năm 2005.

Chiến lược đầu cơ của Paulson rất phức tạp về kỹ thuật, nhưng lại rất đơn giản về ý tưởng. Paulson cho rằng diễn biến trên thị trường bất động sản ở Mỹ rất không bình thường và sự gia tăng trên thị trường này không thể cứ kéo dài được mãi. Các ngân hàng thương mại cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để khách hàng mua hoặc xây nhà, bảo lãnh bằng chính bất động sản đó. Paulson nhận thấy ở đấy chính là rủi ro không trả lại được tín dụng hay nói đúng hơn là cấp phát tín dụng không được bảo lãnh tốt. Một khi giá bất động sản sa sút thì sẽ tạo phản ứng dây chuyền khiến rất nhiều ngân hàng liên quan bị ảnh hưởng. Các ngân hàng đầu tư mua lại những chứng chỉ cho vay tín dụng không được bảo lãnh chắc chắn nói trên, gộp chúng lại thành những loại chứng khoán khác nhau và kinh doanh chúng như những hàng hóa bình thường khác trên thị trường chứng khoán. Chúng được gọi chung dưới cái tên “Collateralized Debt Obligations – CDO“. Những ai mua CDO thường phải sử dụng cái gọi là Credit Default Swaps (CDS) giống như một hình thức bảo hiểm cho trường hợp không thể thanh toán được CDO. CDS nhờ thế chiếm vị trí then chốt trong chiến lược đầu cơ của Paulson. Khi mọi chuyện xuôn sẻ thì giá của CDS rất rẻ, nhưng khi rủi ro không thanh toán được tín dụng tăng thì giá của CDS rất đắt. Paulson mua những CDS ấy với giá rẻ và chờ chúng tăng giá vì tin rằng sớm muộn thì thị trường bất động sản ở Mỹ cũng sẽ sụp đổ.

Trong lúc mọi người dồn của nhằm vào tăng giá bất động sản thì Paulson lại đầu cơ ngược lại. Chừng nào giá bất động sản còn tăng thì chừng đó Paulson còn thua lỗ. Nhưng Paulson vẫn kiên trì mai phục. Từng loại chứng khoán và tín dụng được mổ xẻ và phân tích, theo dõi và dự báo kỹ càng. Kết luận của Paulson là rủi ro không thanh toán được tín dụng lớn hơn và thực tế hơn nhiều so với những đánh giá và dự báo của các hãng đánh giá và dự báo lừng danh nhất. Paulson coi đó là “cơ hội mà tôi đã chờ đợi cả cuộc đời”.

Tín hiệu báo động đầu tiên xuất hiện vào tháng 1/2006. Ngân hàng Ameriquest phải trả cho 49 bang ở Mỹ 325 triệu USD để tránh bị lôi ra tòa về tội gian dối trong cấp phát tín dụng. Paulson coi đó là sự khẳng định dự báo của mình. Với tất cả tài sản có được và số 150 triệu USD vốn huy động được thêm từ các nhà đầu tư, Paulson lập Paulson Credit Opportunities Fund để đầu cơ vào sự sụp đổ của thị trường bất động sản ở Mỹ. Cho tới giữa tháng 6/2006, Paulson vẫn còn bị mất tiền. Nhưng những gì xảy ra sau đó thì đúng hệt như suy tính của Paulson. Bear Stearns sụp đổ. Khủng hoảng tài chính bung ra và Paulson thu về 3,7 tỷ USD trong năm 2007, vượt xa kỷ lục do George Soros lập với 2,9 tỷ USD thu nhập trong năm hay James Simons trước đó với 2,8 tỷ USD. Và thế giới đầu cơ lộ diện thêm một ngôi sao mới. Về sau, có lần Paulson khái quát hóa bí quyết thành công của mình là kiên trì, biết mình và biết thời thế.

Giới quan sát cũng cho biết, để được “lên người”, Paulson từng phải đối đầu với hàng chục công ty khác ở phố Wall. Ông từng bị đối thủ cáo buộc có những hành động nhằm thao túng thị trường với chính quyền. Paulson phải đối mặt với sự hoài nghi của các nhà đầu tư khác. Để tránh bị “chọc gậy bánh xe”, thông tin về vụ đầu tư quyết tử này thậm chí còn được bảo mật đến mức, ông sử dụng phần mềm ngăn chặn các nhà đầu tư chuyển tiếp các email của mình.

“Ông hoàng” hết thời vì trượt dốc

Năm 2011 được coi là năm làm ăn vận hạn của Paulson. Quỹ đầu cơ do ông “cầm đầu” liên tục gánh thất bại, hàng tỷ đô đã không cánh mà bay sau những quyết sách sai lầm của “ông chủ”. Sau phi vụ thắng đậm năm 2010, Paulson quả quyết rằng, năm 2011 ông sẽ tiếp tục chiến thắng. Ông bắt đầu đặt cược lớn và mạo hiểm hơn bằng cachs mua lại số cổ phần lớn tại các ngân hàng như Bank of America, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Capital One.

Ông cũng dốc túi thâu tóm cổ phiếu của các tập đoàn khai thác vàng, mà ông dự kiến sẽ tăng về giá trị khi lạm phát tăng… Tỷ phú này cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục và ông sẽ thu lời lớn từ những khoản đầu tư này. Thế nhưng, hầu hết những thương vụ đầu tư của ông đã suy giảm giá trị nghiêm trọng khi thị trường ngày càng đi xuống và cuộc khủng hoảng tại châu Âu đã diễn biến tồi tệ hơn.

Thảm họa chưa dừng lại. Không lâu sau khi ông liều lĩnh thâu tóm công ty Sino-Forest, công ty này bị Ủy ban chứng khoán Ontario (Canada) buộc tội lừa đảo. Paulson thậm chí còn bị một cựu đồng sự kiện lên tòa án Miami (Mỹ) vì không kiểm tra, thẩm định đầy đủ trước khi rót vốn đầu tư. Từ sau những vụ lùm xùm này, tiền trong túi ngày một hao hụt, tiếng tăm của Paulson cũng sa sút nghiêm trọng.

Tài sản của John Paulson đã giảm tới một nửa chỉ trong 1 năm.
Tài sản của John Paulson đã giảm tới một nửa chỉ trong 1 năm.

Nhìn lại một năm đen tối, các quỹ của Paulson gánh khoản lỗ khổng lồ. Rất khó để tính toán chính xác con số lỗ thực sự nhưng theo các báo cáo gửi nhà đầu tư của Paulson, tính đến cuối năm 2011, các quỹ của ông đã có ít hơn 13,2 tỷ USD giá trị tài sản so với cuối năm 2010.

Ông thừa nhận đã phạm một số sai lầm lớn như đánh giá thấp cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, quá lạc quan về nền kinh tế Mỹ… “Tình hình hoạt động năm 2011 rõ ràng là không thể chấp nhận được. Nhưng chúng tôi tin rằng năm 2011 chỉ là một phút lầm lạc trong chuỗi dài hoạt động của chúng tôi”, Paulson phân trần.

Năm 2012, theo thống kê, khối lượng tài sản mà tỷ phú này quản lý đã sụt giảm mất 1 nửa, từ mức đỉnh 38 tỷ USD xuống chỉ còn 19,5 tỷ USD. Một số nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư cỡ bự đã và đang rút tiền ra khỏi các quỹ đầu cơ của tỷ phú này.

Siêu tài phiệt John Paulson cùng một số nhân vật chóp bu khác từng nằm trong tầm ngắm của Quốc hội Mỹ. Ông đã phải ra điều trần trước một Ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ về những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ muốn biết liệu những siêu tỷ phú này có góp phần giật dây cho sự sụp đổ tài chính trong thời gian qua hay không.

Nguồn: Người Đưa Tin

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư tài chính happy.live

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề