Khi trí tuệ nhân tạo đang cố sống cuộc sống như con người, con người lại lập trình mình để sống như robot?
Với nhiều người, cuộc sống chỉ cần làm theo những gì lập trình sẵn: thức dậy, ăn sáng, đến nơi làm việc, về nhà, xem tivi, lướt web, đi ngủ,… Lối sống này nhìn vào là đang giúp chúng ta kiểm soát mọi thứ, chúng ta sẽ biết vào giờ thì làm gì, nhưng việc cứ sống hết ngày này đến ngày khác khiến ta cạn kiệt dần năng lượng, sức sáng tạo và tình yêu thương với cuộc sống này. Và nó làm rõ một nghịch lý là: khi trí tuệ nhân tạo đang cố gắng sống một cuộc đời giống con người, thì con người lại thích sống một cuộc đời Robot!
“Là người hướng nội, tôi không có nhu cầu giao tiếp xã hội nhiều nên dành đa số thời gian để rèn luyện hay giải trí một mình. Các kỹ thuật quản lý thời gian đã học được tôi áp dụng triệt để sống hết mình mỗi ngày!
Tuy nhiên, dù sắp xếp trước công việc cho ngày hôm sau có hiệu quả mạnh mẽ, nhưng tôi vẫn bứt rứt bởi cảm giác một ngày không bao giờ là đủ. Tưởng tượng tối hôm trước bao giờ cũng vĩ đại hơn thực tế ngày hôm sau. Đời không là mơ nên dòng đời giết hết mộng mơ.
Một ngày của tôi thường gặp phải những vấn đề nhức nhối sau:
Tại sao mình kiệt sức?
Tại sao mình đã có một kế hoạch sắp xếp hoàn hảo, nhưng vẫn trì hoãn?
Tại sao tâm trạng của mình ảnh hưởng đến số lượng việc mình có thể hoàn thành trong cùng một khoảng thời gian?
Rất nhiều người bạn hiệu quả cao của tôi cũng vậy. Cứ như một bàn tay vô hình hay sức mạnh bí ẩn luôn chực chờ để đục khuấy thời gian biểu hoàn hảo của chúng ta.
Tôi biết “Kẻ giấu mặt” đó có tên. Tên hắn gồm 2 chữ: Năng Lượng.
Hình Mẫu Robot Lý Tưởng
Thời buổi hiện đại, nhiều gã nghiện việc thường tìm cách “hack” chu trình này để hoàn thành được nhiều hơn bằng cách nghỉ ngơi ít hơn (tôi xin giơ tay). Chúng ta tìm cách ép xung bộ não với thực phẩm chứa đường và hàng tá caffeine. Một số còn lạm dụng dược phẩm hay ma túy để hạ nhiệt căng thẳng và tăng tốc tư duy. Phải, hít hàng trắng như Wolf of Wall Street hay tiêu thụ thuốc thiên tài như Limitless đều là chuyện thật. Và có loại thuốc đó trên thị trường sẵn sàng phục vụ cho những tín đồ sống chết với công việc.
Hình mẫu năng suất lý tưởng thời nay là hành xử như cỗ máy (hay The Sims) – quay không mệt mỏi hằng giờ cho đầu ra chất lượng ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, xuân hạ thu đông, mà không có phục hồi hay nghỉ ngơi. Hầu hết mọi người được kỳ vọng phải đạt đỉnh cao phong độ suốt 8 tiếng mỗi ngày. Cho nên người ta thường vật vã, căng thẳng và vận hành thấp thấp hơn mức tiềm năng thực sự của họ.
Vấn đề với Quản Lý Thời Gian
Mọi người sinh ra đều được quyền tự do và bình đẳng. Nhưng thời gian thì chắc chắn là không.
Quản lý thời gian đã trở thành chủ đề phổ biến với hàng tá kỹ thuật thông dụng. Bằng cách cẩn thận sắp xếp mục tiêu, nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên bạn có thể lên kế hoạch một ngày để đạt được hiệu quả tối đa. Thú thật, tôi đã sai. Tôi từng thuộc nhóm tin rằng sắp xếp thời gian và thứ tự ưu tiên là chìa khóa mở cửa vào vườn hái trái ngọt thành quả.
Vấn đề với quản lý thời gian là thời gian không phải là thứ cần được quản lý. Lý thuyết cơ bản của hệ thống quản lý thời gian là 07:00-08:00 = 11:00-12:00 = 15:00-16:00 = 19:00-20:00. Không gì xa rời sự thật hơn thế.
Chu Kỳ Năng Lượng
Quản lý năng lượng là một chuỗi chu kỳ hình tròn thay vì một đường thẳng tuyến tính như quản lý thời gian. Quản lý thời gian đơn giản là tiến trình sắp xếp và lên thứ tự ưu tiên ngày của bạn để bạn thu được nhiều giá trị hơn trong đơn vị thời gian ngắn hơn. Mục tiêu của quản lý thời gian là khéo léo nén, sắp xếp, và đặt thứ tự ưu tiên các hoạt động để đạt hiệu quả tối đa.
Quản lý năng lượng không hoạt động như thế. Năng lượng, không phải thời gian, mới là đơn vị tiền tệ cơ bản của năng suất. Năng lượng hoạt động theo hệ thống giống như tiền mặt. Nếu bạn đã xài rồi, bạn cần phải kiếm lại trước khi xài nữa. Tiếp tục xài sẽ khiến bạn thâm hụt tài khoản. Và bạn không thể vay mượn năng lượng từ nguồn nào khác ngoài “ngân hàng năng lượng tư nhân” của chính mình.
Xuyên suốt một ngày, mức độ năng lượng của bạn tự nhiên tăng lên và tụt xuống theo chu kỳ. Khi năng lượng lên, lên nóc nhà bắt con gà, bạn có khả năng tư duy sâu sắc và hoàn thành được rất nhiều việc. Khi năng lượng tụt, tụt xuống đáy, tâm trí và cơ thể của bạn chỉ muốn nghỉ ngơi phục hồi.
Một chu kỳ năng lượng hoàn hảo là khi bạn hoàn toàn rú ga tối đa chạy hết mọi nguồn lực để đạt năng suất tối đa, theo sau đó là giai đoạn nghỉ ngơi thả ga để tái tạo năng lượng cho phần việc kế tiếp. Có phải mọi người đều hành xử như vậy không? Không, làm vậy thì đâu phải con ngoan trò giỏi nhân viên xuất sắc lãnh đạo mẫu mực.
Thế là cày ngày cày đêm thức khuya dậy sớm được tung hô ca ngợi như dấu hiệu của chăm chỉ. Những quy tắc của quản lý năng lượng với họ cũng giống như Chí Phèo. Chắc nó chừa mình ra. Họ không nhận ra, càng làm vậy họ càng hụt năng lượng. Mệt mệt một tí. Phê phê một tí. Quay quay một tí. Rồi khi toàn bộ hệ thống cơ thể, tinh thần, cảm xúc và tâm linh tuyên bố phá sản, họ đờ đẫn kiệt quệ tàn tạ rã rời sụp đổ. Cái giá đắt phải trả của quản lý năng lượng tồi.
Như các sinh vật hữu cơ khác, con người cần nghỉ ngơi và phục hồi để đạt được cực đỉnh năng lực. Nghỉ ngơi không phải là dấu hiệu của lười biếng hay yếu đuối – đó là dấu ấn chứng nhận của một nhu cầu cơ bản mà, nếu bạn để ý, sẽ giúp bạn thực hiện ở mức tuyệt vời ông mặt trời khi mức năng lượng của bạn lên đỉnh.
Vậy, hãy quên quản lý thời gian đi, quản lý năng lượng là môn khoa học của năng suất mà không khiến bạn kiệt sức. Bước đầu tiên là tập quản lý chu kỳ năng lượng của bạn để đạt tuyệt đỉnh phong độ.
Làm sao để bạn đạt được điều này?
Xin hẹn bạn ở bài viết kế. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về quản lý năng lượng viết hoa.
Còn giờ, tôi phải đi nạp năng lượng đã.”
Theo: Phát triển cá nhân