fbpx

Làm chủ tuổi 20: Người ta ghét tiền nhưng vẫn muốn có thật nhiều tiền?

Tiền không phải là tất cả của cuộc sống. Nhưng để có một cuộc sống dễ chịu hơn, bạn cần sự trợ giúp của nó.

Để sống trên thế giới này bạn cần có tiền. Bạn có thể sống tốt trong một năm liền mà bạn không có một đồng xu nào dính túi không? Tôi tin rằng sẽ thật khó khăn, nếu như không muốn nói là không thể. Tiền chưa bao giờ là nguyên nhân của tội lỗi, thiếu tiền mới chính là nguyên nhân dẫn đến những hành động sai lầm. Bạn có thấy nhiều gia đình đổ vỡ vì tài chính eo hẹp, không đủ sống? Bạn có nghĩ một người như Mark Zuckerberg, Bill Gates có cần đi cướp tiền ở ngân hàng không? Chắc chắn là không rồi

Tôi có một câu hỏi thú vị dành cho bạn: Tại sao rất nhiều người ghét người giàu? Luôn cho rằng những người giàu có là người xấu xa? Đó là từ niềm tin từ quá khứ truyền đến tận bây giờ. Trong truyện cổ tích, người ta luôn kể rằng những người giàu có vô cùng độc ác, keo kiệt, ích kỷ và cuối cùng bị trừng trị, còn người nghèo thì được bảo vệ có một cuộc sống hạnh phúc, sung sướng.

Kết thúc mỗi một câu chuyện cổ tích đều là người giàu bị trừng phạt, còn người nghèo thì luôn có một cái kết có hậu. Điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ con trẻ của chúng ta. Thật ra, tiền đâu có tội lỗi gì, chỉ có con người xấu mới biến tiền thành xấu. Tiền chỉ xấu trong tay người xấu. Bạn có để ý rằng Bill Gates đã quyên góp hàng tỷ đô la để làm từ thiện, Mark Zuckerberg đã hiến tặng 99% tài sản của mình cho việc làm từ thiện. Andrew Carnegie đã dành toàn bộ số tiền mà ông kiếm được trong suốt cả cuộc đời để trợ giúp con người trên khắp thế giới. Liệu những đồng tiền ấy có xấu không? Chắc chắn là không rồi!

Bởi vì có rất nhiều người trong chúng ta đã tư duy sai lầm về tiền. Khi bạn vẫn còn những suy nghĩ tiêu cực về tiền bạc, chắc chắn bạn sẽ không thể giàu có được. Bởi vì đơn giản như thế này, nếu bạn ghét người giàu, bạn làm sao có thể trở thành người mà bạn ghét được. Cách để xóa bỏ những niềm tin hạn chế về tiền bạc là thay thế chúng bằng những tư duy mới tích cực hơn. Hãy ghi lại những niềm tin tiêu cực về tiền bạc của bạn. Sau đó chứng minh chúng sai bằng cách đưa ra các chứng cứ, luận điểm. Cuối cùng là tạo ra những niềm tin tích cực mới và bạn cũng đưa ra những dẫn chứng, ví dụ thuyết phục. Nếu bạn cảm thấy hơi khó khăn, hãy để tôi hỗ trợ cùng bạn làm điều này 

Đầu tiên, có một điều tôi muốn hỏi bạn: “Giữa tiền và hạnh phúc bạn chọn điều gì? Tại sao bạn chọn điều đó.”

Bạn đã trả lời xong rồi chứ? Bạn có muốn biết mọi người chọn điều gì không? Mọi người thường có xu hướng chọn một trong hai, chọn giàu có hoặc hạnh phúc và số người chọn hạnh phúc thì chiếm phần đa. Đó là lý do vì sao trên thế giới có quá nhiều người nghèo như vậy. Người nghèo thường lấy lý do, khi nhiều tiền sẽ làm họ không còn hạnh phúc nữa. Vì vậy họ chọn cuộc sống “hạnh phúc” và chấp nhận sự nghèo đói. Bạn nghĩ một cuộc sống phải lo lắng, chạy bữa ăn từng ngày thì có thể gọi là hạnh phúc được không?

Tại sao chúng ta không chọn cả hai – cả giàu có và hạnh phúc? Hãy tưởng tượng điều này, khi bạn vào siêu thị mua đồ và bạn nói với chị thu ngân: “Chị cho em thanh toán bằng một chút hạnh phúc nhé”. Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn mọi người sẽ tưởng rằng bạn đang có vấn đề. Nếu bạn không trân trọng tiền thì liệu tiền có đến với bạn? Cũng giống như việc bạn ghét một người, họ có muốn lại gần bạn? Người ta ghét tiền nhưng vẫn muốn có thật nhiều tiền? Đúng là mâu thuẫn thật! Đó chính là hệ quả tư duy sai lầm tiếp theo về tiền.

Hãy nghe tôi nói này, số tiền bạn kiếm được thể hiện giá trị mà bạn đã đóng góp cho thị trường. Nếu bạn không coi trọng tiền, thì cũng như là bạn không coi trọng giá trị của chính mình. Hãy biết trân trọng và yêu quý những đồng tiền bạn kiếm được. Hãy mang những đồng tiền bạn kiếm được làm điều bạn yêu thích hay giúp những người kém may mắn hơn mình chẳng hạn, bạn sẽ thấy những đồng tiền đó thật ý nghĩa và giá trị.

Bạn có biết nếu bạn sống trong nghèo khổ, điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn, mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh, vận mệnh của cả đất nước? Nếu bạn giàu có thì bạn mới đưa đất nước đi lên được, ngược lại, nếu bạn nghèo đói thì bạn đang kéo gia đình, người thân và cả đất nước đi xuống. Người giàu có chính là người tạo ra thế giới và giúp được nhiều người nhất. Vậy giàu có không chỉ đơn giản là điều bạn muốn mà còn là nghĩa vụ của bạn.

Trích sách: Làm chủ tuổi 20

Có thể bạn quan tâm: Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ

Làm chủ tuổi 20

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề