fbpx

Làm thế nào để giải tỏa áp lực tài chính cho bản thân?

Đã bao giờ bạn cảm thấy lo lắng khi không chắc rằng mình đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong tháng? Làm thế nào để giảm bớt những áp lực tài chính đó khiến bản thân không còn mệt mỏi? 

1. Tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn

Để xây dựng một tòa nhà 10 tầng, trước tiên cần đặt nền móng thật tốt. Đối với vấn đề tài chính cá nhân cũng vậy.

Để có sự ổn định lâu dài với quỹ khẩn cấp, quỹ hưu trí,… bạn sẽ cần bắt đầu bằng cách thực hiện các mục tiêu ngắn hạn.

Theo khảo sát, 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn tài chính là vấn đề dòng tiền, tiết kiệm và nợ tín dụng. Do đó, nếu muốn tài chính ổn định, hãy tập trung giải quyết các vấn đề này trước tiên.

Nếu là vấn đề dòng tiền, bạn có thể xem xét việc tăng thu nhập bằng cách tìm kiếm việc làm thêm. Lái taxi, bán hàng online, gia sư,… bạn có thể chọn một công việc phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Nó sẽ giúp bạn kiếm thêm một khoản thu nhập không nhỏ mỗi tháng.

Bên cạnh đó, nên tạo thói quen chi tiêu tiết kiệm. Cố gắng cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết, tránh lãng phí. Chỉ nên mua thứ mình cần thay vì thứ mình thích.

Khi sử dụng thẻ tín dụng, cần chú ý thanh toán nợ đúng hạn để đảm bảo điểm tín dụng tốt. Việc này có ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng khi bạn có nhu cầu. Nếu điểm tín dụng thấp, bạn sẽ không đủ điều kiện để được duyệt các khoản vay. Hoặc lãi suất vay sẽ rất cao.

2. Nắm rõ tình hình tài chính của bản thân

Chỉ khi nắm rõ vị trí hiện tại của mình, bạn mới có thể xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp cho bản thân. 

Hãy liệt kê toàn bộ tài sản và các khoản nợ của bạn. Tài sản bao gồm tiền mặt hoặc giá trị vật chất tương đương tiền như tài sản đang sở hữu (nhà, xe,…) hoặc các tài sản đầu tư bao gồm cổ phiếu, trái phiếu hoặc lương hưu. Nợ là các khoản phải trả như hóa đơn, vay thế chấp, thẻ tín dụng,…

Giá trị tài sản ròng được tính bằng tổng tài sản trừ đi tổng khoản nợ. Đây chính là giá trị thực và là điểm khởi đầu cho bản kế hoạch tài chính cá nhân của bạn.

Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản – Tổng nợ

Khi tính được giá trị tài sản ròng, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính hiện tại của mình. Từ đó, đưa ra phương án phù hợp để lập kế hoạch tài chính cho bản thân.

3. Lập kế hoạch tài chính cá nhân

Lập kế hoạch tài chính cá nhân là việc tạo ra bản kế hoạch khoa học, giúp quản lý tiền bạc hiệu quả hơn. Bao gồm các quyết định về hoạt động tài chính như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư,…

Việc lập kế hoạch tài chính giúp tạo ra nguồn ngân sách cho bản thân, phân bổ hợp lý nguồn lực tài chính nhằm tiết kiệm và đầu tư hiệu quả. 

Sau khi có ý tưởng về dòng tiền của mình, hãy bắt đầu thiết lập ngân sách. Đây là bước không thể thiếu trong kế hoạch tài chính cá nhân của mỗi người. 

Để có ngân sách chi tiêu hợp lý, nên theo dõi các khoản thu chi trong 3 tháng gần nhất. Bạn sẽ rút ra được hạn mức cần thiết cho từng khoản chi tiêu hàng tháng.

Việc này giúp bạn quản lý và kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn. Các khoản chi được phân chia rõ ràng với hạn mức cụ thể để bạn sử dụng một cách khoa học.

Để xây dựng ngân sách chi tiêu khoa học và hiệu quả, có thể tham khảo một số cách phân chia ngân sách như sau:

Phương pháp 6 chiếc hũ

Với phương pháp này của T. Harv Eker, thu nhập hàng tháng sẽ được chia vào 6 chiếc hũ với những chức năng riêng như sau:

  • 55% cho chi tiêu thiết yếu: ăn uống, nhà ở, đi lại,… 
  • 10% cho giáo dục đào tạo: học tập, mua sách,…
  • 10% cho tiết kiệm: tiết kiệm dài hạn, quỹ khẩn cấp,…
  • 10% cho hưởng thụ: mua sắm, giải trí, du lịch,…
  • 10% cho tự do tài chính: đầu tư, quỹ hưu trí,…
  • 5% cho từ thiện

Chẳng hạn, thu nhập của gia đình bạn là 20 triệu đồng, ngân sách sẽ được chia như sau:

  • Chi tiêu thiết yếu: 11.000.000đ
  • Giáo dục: 2.000.000đ
  • Tiết kiệm: 2.000.000đ
  • Chi tiêu cá nhân (hưởng thụ): 2.000.000đ
  • Đầu tư: 2.000.000đ
  • Từ thiện: 1.000.000đ

Quy tắc 50/30/20

Bạn có thể cân nhắc việc chia ngân sách chi tiêu theo quy tắc 50/30/20 như sau:

  • 50% cho chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước,…
  • 30% cho chi tiêu cá nhân như xem phim, du lịch,…
  • 20% cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ,…

Tuy nhiên, các con số này có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Hãy tăng chi phí thiết yếu lên 60 – 70% nếu bạn thấy nó cần thiết hơn nhu cầu giải trí của bản thân.

Đặt các mục tiêu tài chính

Hãy nghĩ xem: Bạn sẽ sử dụng số tiền hiện tại như thế nào? Bạn muốn giải quyết các khoản vay hiện tại? Muốn mua một chiếc ô tô mới? Hay muốn tiết kiệm để nghỉ hưu trước 60 tuổi?

Lập một danh sách các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai. Từ đó, bạn sẽ xây dựng được kế hoạch tài chính phù hợp để nhanh chóng hoàn mục tiêu của mình.

Đặt mục tiêu giúp bạn có động lực tiết kiệm tiền hơn, bám sát ngân sách và đưa ra những lựa chọn hợp lý. 

Tuy nhiên, mục tiêu tài chính không nhất thiết phải cố định. Chúng có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Nếu điều đó xảy ra, kế hoạch tài chính của bạn cũng cần có sự thay đổi phù hợp.

4. Tăng số tiền tiết kiệm theo thời gian

Khi mới tiết kiệm, nên bắt đầu từ số tiền nhỏ. bạn có thể thực hiện theo phương pháp tiết kiệm trong 52 tuần.

Đây là phương pháp giúp bạn tập trung tiết kiệm theo tuần. Hãy bắt đầu từ những khoản tiền nhỏ, sau đó tăng dần theo từng tuần.

Giả sử, bạn bắt đầu với số tiền là 50.000 đồng trong tuần đầu tiên, sau đó tăng lên 60.000 đồng, 70.000 đồng… mỗi tháng. Sau 52 tuần, bạn sẽ có khoản tiền 36.070.000 đồng.

Ngoài ra, theo lời khuyên từ triệu phú tự thân Grant Sabatier, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm với số tiền bằng 1% thu nhập. Sau đó, tăng thêm 1% mỗi tháng. Như vậy, đến cuối năm, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.

Việc bắt đầu từ những khoản tiền nhỏ giúp giảm áp lực khi thực hiện kế hoạch tiết kiệm. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và mục tiêu của bản thân, bạn có thể thay đổi con số tiết kiệm hàng tuần, hàng tháng sao cho phù hợp.

5. Tạo quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp là khoản tiền dự phòng để sử dụng khi xảy ra tình huống đột xuất như đau ốm, tai nạn, thất nghiệp… Giúp bạn chủ động về tài chính khi đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống. 

Có một khoản tiền dự phòng sẽ giúp bạn tránh phải đi vay mượn khi gặp tình huống bất ngờ cần chi tiêu trong cuộc sống. Bạn có thể duy trì sinh hoạt, trang trải chi phí cần thiết mà không cần phụ thuộc vào thẻ tín dụng hay các khoản vay lãi suất cao.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu, mỗi người cần một quỹ khẩn cấp có giá trị khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, cần tiết kiệm số tiền ít nhất bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt thông thường.

Giả sử, khi bị cho thôi việc bất ngờ, số tiền này có thể giúp bạn trang trải cuộc sống, chi trả nhu yếu phẩm hàng ngày trong thời gian bạn chưa tìm được việc mới.

Nếu chi phí sinh hoạt hàng tháng của bạn là khoảng 5 – 6 triệu đồng. Vậy bạn cần ít nhất 20 – 30 triệu đồng dành cho quỹ khẩn cấp để đảm bảo mức an toàn cho những rủi ro có thể xảy ra.

Do đó, hãy bắt đầu lập quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt. Có thể bắt đầu từ con số nhỏ, sau đó tăng dần để đảm bảo ngân sách chi tiêu của bản thân.

Không nên để chung quỹ khẩn cấp với tiền tiết kiệm. Bởi đây là hai khoản tiền hoàn toàn riêng biệt. 

Tránh việc sử dụng quỹ khẩn cấp cho các mục tiêu tiết kiệm. Việc này có thể giúp bạn nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tài chính của mình. Nhưng cũng sẽ đẩy bạn vào tình thế bị động nếu như rủi ro ập đến bất ngờ.

6. Sử dụng ứng dụng quản lý tài chính cá nhân

Công nghệ phát triển, các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân ra đời, là công cụ đắc lực giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Money Lover – ứng dụng quản lý tài chính số 1 thế giới, sẽ giúp việc quản lý thu chi của bạn đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều. Money Ơi – App quản lý chi tiêu được viết bởi người Việt Nam. 

Ứng dụng hoạt động trên nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, laptop,…Phù hợp với các nền tảng: iOS, Android, Windows,…

Nguồn: Blog MoneyLover

Có thể bạn quan tâm

Tủ sách tinh hoa chứng khoán – Đầu tư hiệu quả trong mọi thị trường

Tủ sách tinh hoa chứng khoán - Đầu tư hiệu quả trong mọi thị trường

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề