Lạm phát tăng cao sẽ làm giảm tác động của gói phục hồi kinh tế
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào có nguy cơ bước vào đợt tăng giá mới. Lạm phát tăng cao có thể tác động đến chính sách nới lỏng hiện tại và giảm tác động của Gói phục hồi kinh tế…
Cũng như nhận định của các công ty chứng khoán trước đó, BSC cho rằng, trong tháng 3/2022, thị trường chứng khoán đối diện nhiều thông tin tiêu cực hơn tích cực.
Theo đó, có đến 5 sự kiện có thể tác động tiêu cực đến thị trường. Thứ nhất, khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng trước những diễn biến khó lường trên thế giới. Bên cạnh đó, Quỹ ETF VNM, FTSE Việt Nam đến kỳ cơ cấu danh mục, điều này làm hạn chế đà tăng của chỉ số.
Thứ hai, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới cản trở đà hồi phục và gây bất ổn trên toàn cầu, ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới.
Thứ ba, Cuộc họp FOMC dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/03/2022, theo đó FED được dự báo sẽ tiến hành tăng lãi suất trong tháng 03/2022. Theo đánh giá của BSC, điều này khiến rủi ro tăng lên, thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu.
Thứ tư, các biện pháp trừng phạt và đáp trả giữa Mỹ, EU và Nga xung quanh vấn đề Ukraine gây rủi ro gia tăng, gây tâm lý bất ổn cho kinh tế thế giới sau thời gian ứng phó dịch bệnh;
Thứ năm, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào có nguy cơ bước vào đợt tăng giá mới. Lạm phát tăng cao có thể tác động đến chính sách nới lỏng hiện tại và giảm tác động của Gói phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, chỉ có ba sự kiện tác động tích cực đến thị trường chứng khoán gồm nền kinh tế tiếp tục hồi phục khả quan và thích ứng tốt với “trạng thái bình thường mới” sau đợt dịch Covid thứ 4, chỉ số PMI tiếp tục đà hồi phục. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về việc triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án Cảng Hàng không Quốc tế sân bay Long Thành tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 22/02/2022;
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2% theo tinh thần Nghị Quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ.
Trên cơ sở đó, BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tháng 3/2022. Kịch bản thứ nhất, VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 điểm khi nền kinh tế thích ứng tốt trong trạng thái bình thường mới, Chính Phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, tiến đến mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc… Thị trường dự báo tiếp tục phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh sơ bộ Quý 1, triển vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022 công bố tại ĐHCĐ thường niên cũng như diễn biến thị trường chứng khoán thế giới.
Kịch bản thứ hai, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, không loại trừ có khả năng làm giảm các tác động tích cực của Gói phục hồi và định hướng của Chính phủ. 1.500 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng cản tâm lý quan trọng, VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong khoảng 1.470 ± 30 điểm trong quá trình chờ đợi thêm những thông tin hỗ trợ.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công, và Gói phục hồi kinh tế bao gồm: ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công, ngành bất động sản. Một số nhóm ngành hưởng lợi từ diễn biến căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine bao gồm: ngành dầu khí, phân bón, thép, hóa chất và logistic.
Nhà đầu tư cũng được khuyến nghị xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ phục hồi Kinh tế, bao gồm: nhóm ngành Ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu, tiện ích. Tuy nhiên, cần thận trọng quan sát hành động tiếp theo của FED tại cuộc họp tháng 03/2022 cũng như những diễn biến khó lường trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine, theo BSC.
Nguồn: vneconomy.vn
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live