Làm sao để phớt lờ những nhiễu loạn của thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán là một thực thể phức tạp với hàng triệu người tham gia với quan điểm rất khác nhau. Hàng ngày nghe ngóng và làm theo suy nghĩ của người khác cũng giống như “đẽo cày giữa đường”, dễ dẫn tới thất bại.
Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu xong đăng xuất khỏi tài khoản và đi làm công việc thường ngày, vài tháng hoặc thậm chí cả năm sau mới mở tài khoản ra xem lại.
Tuy vậy, chỉ những người sống bằng nghề không liên quan trực tiếp đến thị trường chứng khoán mới có thể làm như vậy. Tác giả Rupert Hargreaves của tờ GuruFocus cho biết, vì là một nhà báo viết về chứng khoán nên ông phải theo dõi diễn biến thị trường liên tục, không thể tắt bảng điện rồi đi làm việc khác được.
Ngoài ra, ông cũng phải đọc nhiều bài phân tích chứng khoán, tin tức thời sự, báo cáo tài chính, báo cáo thường niên. Mỗi nội dung này đều có khả năng gây ảnh hưởng tới quyết định đầu tư và khiến ông ân hận về sau. Tác hại càng thể hiện rõ khi thị trường biến động điên cuồng và tâm lý bầy đàn lên ngôi.
Đây là thách thức chung với nhiều người phải dán mắt vào thị trường vì yêu cầu công việc hoặc bất kỳ lý do nào khác, có thể là do bị “nghiện” chứng khoán.
Theo GuruFocus, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm sau đây để tâm lý không bị ảnh hưởng bởi diễn biến thường ngày trên thị trường.
Thị trường chứng khoán rất “bát nháo”?
Trong lần đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm 1994, một nhà đầu tư đã hỏi Warren Buffett về một bài báo mới được đăng trên tạp chí tài chính Barron’s với nội dung tính toán giá trị nội tại của cổ phiếu Berkshire.
Buffett cho rằng phương pháp mà tác giả của tờ Barron’s sử dụng chưa hợp lý và nói thêm: “Mọi người trên thị trường chứng khoán đều đưa ra lựa chọn dựa theo định giá. Hàng ngày đều có người bán và mua cổ phiếu Berkshire, bọn họ chắc hẳn có những quan điểm khác nhau về định giá”.
Sau khi chỉ ra thêm điểm bất cập trong cách định giá của tờ Barron’s, Buffett nói tiếp:
“Những bài phân tích kiểu này không tạo ra khác biệt lớn nào. Chúng tôi không chú ý đến việc người khác nói gì về cổ phiếu Coca-Cola, Gillette hay những cổ phiếu khác trong danh mục của Berkshire.
“Mỗi ngày, khoảng 2 triệu cổ phiếu Coca-Cola được sang tay, tức là có rất nhiều người mua và rất nhiều người bán. Nếu bạn hỏi người này, bạn sẽ nghe được nhận định theo kiểu này và nếu bạn hỏi người khác, bạn lại nghe được một ý kiến khác. Bạn không nên quyết định đầu tư chứng khoán dựa theo suy nghĩ của người khác. Nếu không thể phớt lờ được người khác thì bạn không nên đầu tư chứng khoán”.
Thị trường chứng khoán là một thực thể phức tạp với hàng triệu nhà đầu tư giao dịch hàng tỷ cổ phiếu. Mỗi người đều có những lý do riêng. Vì thế, nhà đầu tư sẽ có thể được lợi khi phớt lờ những biến động ngắn hạn của thị trường và bỏ qua những bài viết khuyến nghị đầu tư.
Những bài viết này có thể cung cấp thêm một số thông tin hoặc cho một điểm khởi đầu để nhà đầu tư nghiên cứu thêm, tuyệt đối không phải là lý do duy nhất để ra quyết định đầu tư.
Tác giả bài viết thường có những quan điểm, kinh nghiệm và hoàn cảnh khác với nhà đầu tư, vì vậy khuyến nghị đưa ra nhiều khả năng sẽ không phù hợp.
Tập trung vào những nhân tố cơ bản
Nhà đầu tư phải hiểu rõ công ty mà mình đầu tư thì mới có thể đủ tự tin để phớt lờ ý kiến của người khác. Các chỉ trích và quan điểm khác biệt thì lúc nào cũng có nhưng nếu nắm chắc cơ hội trước, nhà đầu tư có thể dễ dàng bỏ qua những ý tưởng phù phiếm.
Mỗi người có một định giá cổ phiếu khác nhau, và cách duy nhất để chắc chắn rằng quan điểm của mình đúng đắn là phải tự nghiên cứu thật kỹ.
Nếu không hiểu rõ các yếu tố cơ bản của một khoản đầu tư gì đó, nhà đầu tư sẽ rất dễ bị ý kiến bên ngoài làm cho lung lay.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư