fbpx

“Lò luyện chuyên gia” Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (Phần 1)

Câu chuyện về Salomon Brothers (huyền thoại nhấn chìm tài chính phố Wall) được viết bởi Michael Lewis – tay kinh doanh trái phiếu tập sự cho Salomon Brothers ở New York và London trong suốt bốn năm. “Nhân duyên” đưa Michael Lewis đến với Salomon là do ông vô tình kết thân được với phu nhân của một vị quản lý tại Salomon Brothers và được “đặt cách” trở thành học viên của khóa huấn luyện 1 chọi 60 của công ty này. 

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc phần 1
Michael Lewis trong một lần “trò chuyện” cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama

Salomon Brothers làm giàu bằng cách nào? 

“Tôi còn nhớ chính xác những gì mình thấy và cảm nhận được trong ngày đầu tiên ở Salomon Brothers. Một cảm giác run run vì cái lạnh bao trùm toàn thân như thể vẫn còn mơ màng ngái ngủ. Tôi chỉ có chút ít bồn chồn lo lắng thường xuất hiện khi khởi đầu một cái gì mới. Lạ lùng thay, tôi không thể tưởng tượng rằng cuối cùng mình cũng đã đi làm, mà lại giống như đi đổi tờ vé số trúng giải độc đắc.

Salomon Brothers đã gửi cho tôi một lá thư tới London thông báo rằng công ty sẽ trả tôi mức lương của một thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA), mặc dù tôi không có bằng MBA – khoảng 42.000 đô-la cộng thêm tiền thưởng, sau sáu tháng đầu tiên sẽ tăng thêm 6.000 đôla.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc phần 1
“Trụ sở chính” Salomon Brothers

Hồi ấy tôi không có đủ trình độ cần thiết để cảm thấy hèn mọn với mức lương 48.000 đôla/năm (tương đương 45.000 bảng Anh lúc bấy giờ). Khi tin tức đó vươn tới Anh, đồng lương tập tễnh ở đất nước này đã làm nổi bật tính hào phóng của Salomon Brothers. Một vị giáo sư trưởng khoa thuộc Đại học Kinh tế London, con người của chủ nghĩa vật chất, đã trố mắt lên nhìn tôi và nói ríu rít khi ông ta nghe thấy số tiền tôi được trả. Nó gấp đôi số lương của ông ta – một người đang ở độ tuổi 40, giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Còn tôi mới 24 tuổi và đang ở đáy của sự nghiệp. Không có sự công bằng trên thế giới này, và xin cám ơn Chúa về điều đó.

Năm 1985 là năm Salomon Brothers làm ăn sinh lãi nhất thế giới. Ít nhất đây là những gì tôi được nghe nhiều lần. Tôi không bao giờ áy náy đến mức phải kiểm tra lại thông tin bởi vì dường như đối với tôi nó hoàn toàn đúng. Phố Wall đang sôi sục và chúng tôi là công ty kiếm được nhiều tiền nhất trên Phố Wall.

Phố Wall luân chuyển cổ phiếu và trái phiếu. Thời kỳ cuối thập niên 1970 là màn mở đầu của lịch sử tài chính và nền chính trị hiện đại Mỹ, Salomon Brothers nắm rõ về trái phiếu hơn bất kỳ công ty nào khác trên Phố Wall: biết cách định giá, cách giao dịch và bán chúng. Chỉ có một mảng nhỏ duy nhất mà công ty không chiếm ưu thế, đó là trái phiếu thứ cấp (junk bond) – chúng ta sẽ đề cập tới sau – và là sở trường của một công ty khác rất giống chúng tôi: Drexel Burnham. Nhưng vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, trái phiếu thứ cấp chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường trái phiếu rộng lớn mà Salomon chiếm lĩnh hoàn toàn. Phần còn lại của Phố Wall đành nhường bước và đầu hàng Salomon Brothers không phải vì họ không thu được lợi nhuận hay không có uy tín. Lợi nhuận nhiều nhất là từ huy động vốn (vốn cổ phần) cho các công ty. Uy tín là có nhiều mối quan hệ với giới điều hành các công ty. Salomon Brothers lại là kẻ đứng ngoài các mối quan hệ tài chính và xã hội.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc phần 1
Salomon Brothers nắm rõ về trái phiếu hơn bất kỳ công ty nào khác trên Phố Wall: biết cách định giá, cách giao dịch và bán chúng.

Salomon đã cắt lại một phần nhỏ từ mỗi giao dịch tài chính. Cứ thế mà cộng dồn vào. Một tay kinh doanh của Salomon bán trái phiếu mới của IBM trị giá 50 triệu đô-la cho quỹ hưu trí X. Một tay giao dịch của Salomon, người cung cấp cho tay kinh doanh số trái phiếu đó, được hưởng 1/8 của 1% (0,125%) trị giá trái phiếu hay 62.500 đô. Nếu tay giao dịch đó muốn, anh ta có thể lấy thêm. Khác với thị trường cổ phiếu, trong thị trường trái phiếu, tỷ lệ hoa hồng không được tuyên bố công khai.

Bây giờ là lúc trò vui bắt đầu. Khi mà tay giao dịch biết được các trái phiếu IBM đó đang thuộc về ai và tính khí của người chủ sở hữu chúng, không cần phải thông minh lắm anh ta cũng có thể cho các trái phiếu (kho báu) di chuyển một lần nữa. Anh ta có thể tạo ra ra khoảnh khắc kỳ diệu của riêng mình. Chẳng hạn, anh ta có thể bảo tay kinh doanh của mình cố gắng thuyết phục công ty bảo hiểm Y rằng các trái phiếu IBM có giá trị cao hơn giá mà quỹ hưu trí X đã trả lúc đầu. Điều đó đúng hay không cũng không quan trọng. Tay giao dịch đó mua lại các trái phiếu từ X và bán chúng cho Y để lấy thêm 1/8 nữa. Và quỹ hưu trí thì rất hài lòng vì có được một món lãi nhỏ chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế.

Trong quá trình trên, tốt nhất là không để cả hai đối tác từ hai phía của người trung gian biết giá trị thực của kho báu. Những kẻ tung hoành trên sàn giao dịch có thể đã không được đi tới trường, nhưng họ có bằng tiến sỹ về sự ngu xuẩn của con người. Trên bất cứ thị trường nào – cũng giống như mọi sòng bài, bao giờ cũng có một kẻ khờ. Nhà đầu tư tinh ranh Warren Buffett nói rằng nếu anh không nhận ra ai là kẻ khờ trong thị trường thì coi chừng anh chính là nó.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 1)
Warren Buffett nói rằng nói rằng nếu anh không nhận ra ai là kẻ khờ trong thị trường thì coi chừng anh chính là nó.

Năm 1980, khi mà thị trường trái phiếu bừng dậy sau một giấc ngủ dài, thì nhiều nhà đầu tư và thậm chí cả các ngân hàng ở Phố Wall cũng không có một manh mối nào để nhận ra ai là kẻ khờ trong trò chơi này. Các tay giao dịch Salomon Brothers biết ai là kẻ khờ bởi đó là nghề của họ. Nắm rõ thị trường tức là nắm rõ điểm yếu của những kẻ khác. Họ vẫn thường nói một kẻ khờ luôn sẵn sàng bán trái phiếu rẻ hơn hoặc mua trái phiếu cao hơn giá trị thực của nó. Một trái phiếu chỉ đáng giá với những kẻ đánh giá đúng nó. Và Salomon là công ty đã đánh giá trái phiếu thích đáng nhất.

Tuy nhiên, không thể nào giải thích được tại sao Salomon Brothers đặc biệt phát tài vào thập niên 1980. Hoạt động kiếm tiền trên Phố Wall có nét gì đó giống với việc ăn gà tây nhồi. Đầu tiên, một cơ quan quyền lực cao hơn nào đó phải nhồi nhân vào con gà tây. Vào thập niên 1980, những con gà tây được nhồi nhiều hơn bao giờ hết. Và với sự thành thạo của mình, Salomon đã ăn đến lần thứ hai, thứ ba trước khi các công ty khác biết rằng đang có bữa ăn.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc phần 1
Không ai có thể giải thích được tại sao Salomon Brothers đặc biệt phát tài vào thập niên 1980

Một trong những người làm công việc nhồi nhân con gà đó là Cục Dự trữ Liên bang (FED). Điều đó thực mỉa mai, bởi không ai phản đối việc ngài chủ tịch FED Paul Volcker vượt quá những giới hạn của Phố Wall vào thập niên 1980. Tại một cuộc họp báo hiếm hoi thứ bảy ngày 6 tháng 10 năm 1979, Volcker tuyên bố rằng nguồn cung tiền sẽ không biến động theo chu kỳ kinh tế nữa; nguồn cung tiền này sẽ được giữ cố định và lãi suất sẽ được thả nổi.

Tôi cho rằng sự kiện này đánh dấu màn khởi đầu thời đại hoàng kim của giới giao dịch trái phiếu. Nếu như Volcker không bao giờ làm cuộc cải tổ căn bản với chính sách đó thì thế giới này sẽ có biết bao tay giao dịch trái phiếu ngày càng nghèo. Sự thay đổi tập trung vào chính sách tiền tệ có nghĩa là lãi suất sẽ biến động rất mạnh. Giá trái phiếu ngược chiều với lãi suất. Để cho lãi suất biến động mạnh tức là để cho giá trái phiếu biến động mạnh. Trước khi có bài diễn văn của Volcker thì trái phiếu là khoản đầu tư bảo thủ, nơi mà các nhà đầu tư đổ tiền tiết kiệm của mình vào khi họ không cảm thấy hào hứng với trò may rủi trên thị trường cổ phiếu nữa.

Sau bài diễn văn, trái phiếu đã trở thành mục tiêu của giới đầu cơ, một phương thức tạo nên sự giàu có chứ không phải chỉ để lưu giữ giá trị. Qua một đêm, thị trường trái phiếu được chuyển từ một vũng nước thành một sòng bạc. Doanh thu của Salomon tăng vọt. Công ty ngày càng phải thuê thêm nhiều nhân viên để giải quyết nhiều hoạt động kinh doanh mới, với lương khởi điểm là 48.000 đô-la.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 1)
Sau bài diễn văn của Paul Volker, trái phiếu đã trở thành mục tiêu của giới đầu cơ và chỉ sau một đêm, doanh thu Salomon tăng vọt

Khi mà Volcker để lãi suất thả nổi tự do thì những bàn tay nhồi nhân gà tây bắt đầu làm việc: giới đi vay Mỹ. Trong suốt thập niên 1980, các chính quyền tiểu bang, người tiêu dùng và các công ty vay tiền với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết; điều này có nghĩa khối lượng giao dịch và phát hành trái phiếu cũng bùng nổ (một cách khác để soi vào vấn đề này là các nhà đầu tư cho vay thoải mái hơn trước đây). Năm 1977, tổng số nợ của ba nhóm trên hợp lại là 323 tỷ đô-la phần nhiều trong đó không phải là trái phiếu mà là khoản vay từ các ngân hàng thương mại. Năm 1985, ba nhóm trên đã vay tới 7.000 tỷ đô-la. Nhờ có các doanh nghiệp tài chính như Salomon và tính hay dao động của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ phần trăm của các món nợ dưới hình thức trái phiếu đã lớn hơn nhiều so với trước.

Vậy nên không chỉ giá trái phiếu dao động mạnh hơn mà tính thanh khoản cũng tăng. Chẳng có gì thay đổi trong nội bộ Salomon Brothers khiến cho những tay giao dịch trở nên giỏi giang hơn. Tuy nhiên, đây là lúc các giao dịch bùng nổ cả về quy mô lẫn tần suất. Trước kia, mỗi tuần một tay kinh doanh của Salomon chỉ bán được 5 triệu đô-la giá trị hàng hóa trong sổ sách của một tay giao dịch, thì nay anh ta có thể đẩy lên 300 triệu đô-la chỉ trong một ngày. Anh ta cùng với tay giao dịch và công ty tha hồ làm giàu. Và họ quyết định rằng, vì những mục đích tốt đẹp cho công ty, bỏ ra phần nào số tiền trên để đầu tư, mua những người như tôi.”

>>Xem tiếp phần 2 tại đây

Nguồn: sách Trò bịp phố Wall 

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề