fbpx

Lợi nhuận các công ty chứng khoán “hụt hơi” trong quý cuối năm 2023

Đây là quý đầu tiên lợi nhuận ngành chứng khoán sụt giảm sau 3 quý đầu năm đều ghi nhận tăng trưởng so với hơn quý liền trước.

loi-nhuan-cac-cong-ty-chung-khoan-hut-hoi-trong-quy-cuoi-nam-2023-happy-live-3

Thị trường chứng khoán diễn biến giằng co mạnh trong quý 4/2023. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm hơn 2% về điểm số cùng với thanh khoản sụt giảm sâu. Sự trồi sụt của thị trường khiến bức tranh kinh doanh của các công ty chứng khoán chịu tác động rõ rệt.

Theo thống kê, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý 4 vừa qua ước đạt gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với số lãi thấp kỷ lục của quý 4 năm ngoái – thời điểm thị trường chạm đáy, tuy nhiên sụt giảm gần 19% so với quý 3 trước đó. Đây là quý đầu tiên lợi nhuận ngành chứng khoán sụt giảm sau 3 quý đầu năm đều ghi nhận tăng trưởng so với hơn quý liền trước.

Đa phần các công ty chứng khoán trong top đầu về lợi nhuận quý 4/2023 đều ghi nhận “tăng bằng lần” so với cùng đáy của cùng kỳ năm trước nhưng lại sụt giảm so với quý trước. Trong đó, VNDirect trở lại vị trí số 1 về lợi nhuận cùng mức tăng trưởng ấn tượng gần 11.600% so với cùng kỳ 2022 và 26% so với quý 3 trước đó. Đây cũng là công ty chứng khoán duy nhất có lợi nhuận trên mức 900 tỷ trong quý vừa qua.

Trong khi đó, TCBS, SSI và VPS cũng đều tăng trưởng khoảng 150% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sụt giảm hàng chục phần trăm so với quý 3 trước đó. Lợi nhuận trước thuế quý 4 của 3 “ông lớn” lần lượt đạt 880 tỷ, 616 tỷ và 238 tỷ đồng.

Ngược lại, top 10 công ty chứng khoán có lợi nhuận lớn nhất quý 4 có duy nhất Chứng khoán VIX sụt giảm so với cả cùng kỳ năm ngoái và quý trước với 235 tỷ LNTT.

Thực tế, tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán ảnh hướng đáng kể bởi diễn biến của thị trường trong quý 4. VN-Index lình xình trong xu hướng sideway-down, thống kê trong riêng quý 4/2023, thanh khoản giao dịch khớp lệnh sàn HOSE trung bình đạt 14.000 tỷ đồng/phiên, sụt giảm gần 30% so với quý liền trước. Thị trường không còn sôi động khiến nguồn thu sụt mạnh đặc biệt từ mảng môi giới. Không chỉ vậy, môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi có thêm nhiều công ty chứng khoán tham gia vào cuộc đua “zero fee”, giảm phí môi giới cũng phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu này. Tổng doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán trong quý 4/2023 ước đạt 3.300 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ (tương đương hơn 21%) so với quý 3.

Song song với đó, loại trừ một số trụ cột nhóm ngân hàng tăng mạnh nâng đỡ thị trường, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đi ngang, thậm chí quay đầu điều chỉnh trong suốt quý cuối năm 2023. Điều này tác động trực tiếp khiến hoạt động tự doanh của các CTCK kém hiệu quả so với quý 3 bùng nổ trước đó.

Nhìn chung, quý 4 vừa qua dù thị trường đã hồi phục so với giai đoạn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là khoảng thời gian đầy thử thách với nhiều yếu tố tác động tới thị trường cũng như kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.

Nhận định về ngành chứng khoán, báo cáo mới đây của Chứng khoán DSC cho rằng xu thế hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Bù lại, các công ty có thể thu hút tệp khách hàng mới và tạo tiền đề cho mảng margin. 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán. Vì vậy, DSC kỳ vọng mảng này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán.

Happy Live Team sưu tầm/cafef

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề