Lý Khai Phục tự truyện – tình cảm cha mẹ theo tôi đến suốt cuộc đời
Vấn đề giáo dục không khi nào là bớt căng thẳng, đặc biệt trong những năm trở lại đây, khi mà chuyện cho con cái du học bậc đại học đã không còn xa lạ. Các bậc cha mẹ ngày nay không chỉ “vứt” con ra môi trường quốc tế và “bơi”, họ muốn uốn nén con mình ngay từ tấm bé, thậm chí “nghiêm khắc đến tàn nhẫn” để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt. Vậy nên từ khóa “dạy con theo phương pháp mẹ Nhật, mẹ Mỹ, hay như… mẹ Hổ” tràn ngập khắp nơi trên thanh tìm kiếm của Google.
Nhưng còn tấm lòng của người cha thì sao? Đồng ý rằng người đàn ông trụ cột của gia đình lắm lúc bận trăm công nghìn việc nhưng chính sự kết hợp giáo dục có định hướng của cả cha lẫn mẹ mới là phương pháp nuôi dạy con tốt nhất. Sau đây là trích đoạn về cách bày tỏ tình cảm của cha mẹ Lý Khai Phục với ông dẫn từ quyển Lý Khai Phục tự truyện, những cử chỉ, lời nói ấy tích góp dần theo năm tháng đã ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nên tính cách và con người Lý Khai Phục khi trưởng thành.
Tiến sĩ Lý Khai Phục, một nhà khoa học máy tính xuất sắc, ông từng được làm việc và nắm giữ những vị trí quan trọng trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới: Apple, Microsoft, Google, Lý Khai Phục có điều kiện tiếp xúc sâu với những doanh nhân xuất chúng như: Steve Jobs, Bill Gates, Sergey Brin…
Lý Khai Phục tự truyện là cuốn sách xuyên suốt hành trình từ khi ông chào đời tới khi định cư ở Hoa Kỳ, rồi quay trở lại Trung Quốc đầy ngoạn mục.
Tình yêu của mẹ
1. Một khi đã làm, nhất định phải làm đến mức tốt nhất
Mẹ tôi lớn tuổi rồi mới có con trai, mà lại là đứa con trai tình cờ có được sau bốn cô con gái, nên mẹ coi tôi như bảo vật, như món quà quý giá nhất mà Thượng đế ban tặng.
Tuy mẹ tôi nuông chiều tôi hết mực, nhưng sự khoan dung và “tinh nghịch” của mẹ cũng không phải hoàn toàn vô điều kiện. Bất cứ việc gì liên quan đến tương lai và sự trưởng thành của tôi, mẹ đều cực kỳ coi trọng, cũng thường đưa ra cho tôi những yêu cầu rất cao. Mẹ luôn yêu cầu tôi, một khi đã làm, nhất định phải làm đến mức tốt nhất. Về phương diện này, mẹ tôi không có sự thỏa hiệp nào.
Tôi đi học tiểu học được vài tuần, có một cô tới chơi, hỏi tôi, “Thành tích học tập của cháu như thế nào?”
Tôi dương dương tự đắc đáp, “Cháu chưa từng bị 99 điểm bao giờ!”
Không ngờ, tôi vừa khoác lác xong, đến tuần sau thi đã bị điểm số 90, rớt khỏi top 5 của lớp. Xem bảng điểm của tôi mẹ không nói câu nào, rút ngay thanh tre đánh cho tôi một trận.
Tôi khóc, “Điểm của con cao mà, sao lại đánh con?”
“Đánh con vì con kiêu ngạo, tự cao tự đại. Con nói “chưa từng bị cho 99 điểm bao giờ”, vậy sao không thi được 100 điểm cho mẹ xem! Không chỉ phải học tốt, còn phải bỏ cái tật kiêu ngạo đi. Người khác thật lòng khen con thì mới nên lấy làm vui. Không được tự mình khen mình. Khiêm tốn là đức tính tốt. Đã biết chưa?”
2. Một ngày nào đó, con nhất định sẽ thành công
Mẹ tôi bao giờ cũng vậy, nắm được thời cơ là sẽ dạy cho tôi một bài học đạo lý làm người.
Tuy mẹ nương nhẹ với những hành vi nghịch ngợm của tôi, nhưng lại rất để ý thành tích học tập. Mẹ luôn theo sát việc học của tôi, thi tốt sẽ được thưởng, thi không tốt sẽ bị cảnh báo, thậm chí bị đánh. Mỗi khi phải học thuộc lòng, mẹ sẽ đích thân giám sát đến khi học thuộc không sót chữ nào mới thôi. Nếu sai một chữ, mẹ sẽ ném quyển sách sang phòng bên cạnh, bắt tôi đi nhặt lại. Có lúc mẹ cũng dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay tôi, có lần, mẹ đánh tôi đến gãy cả thước.
Lúc bấy giờ, tôi luôn trong trạng thái khích lệ. Mẹ lúc nào cũng nói với tôi rằng, “Con phải thành công. Một ngày nào đó, con nhất định sẽ thành công.”
Có lần tôi thi được hạng nhất, mẹ đưa tôi đi mua quà. Tôi nhắm bộ “Toàn tập Sherlock Holmes, nhưng mẹ nói,
“Sách không được tính là quà, con muốn mua bao nhiêu sách, chỉ cần là sách nổi tiếng trong nước và quốc tế, thì lúc nào cũng có thể mua.”
Cuối cùng, mẹ không chỉ mua sách mà còn mua cho tôi chiếc đồng hồ để làm quà. Từ đó về sau tôi đọc sách suốt ngày, mỗi năm đọc đến hàng trăm quyển sách.
3. Biết sai là tốt, mong sau này con sẽ là đứa trẻ thành thật
Tuy thành tích học tập của tôi khá ổn, nhưng không phải lúc nào cũng được điểm cao. Có lần khi tôi thi không tốt, trong lòng vô cùng lo sợ, thậm chí còn tưởng tượng ra hình ảnh mẹ đang giơ cao cây gậy tre. Đột nhiên, một ý tưởng xuất hiện trong đầu: tại sao không sửa điểm? Tôi móc bút đỏ ra, thận trọng vẽ vài nét, số “78” biến thành “98”, lại không để lại dấu vết gì cả. Trong lòng tôi vui trở lại, nhưng trên đường về nhà vẫn thấp thỏm không yên. Đến trước của nhà, tôi rút bài kiểm tra ra nhìn lần nữa, xác định không có gì sai sót, mới rón rén bước vào.
Mẹ để ý thấy tôi về rồi, bèn gọi, “Cô trả bài kiểm tra chưa? Bao nhiêu điểm?”
“98.” Tôi rút bài ra.
Mẹ cầm lấy xem. Tim tôi đập thình thịch, chỉ sợ mẹ nhìn thấy dấu sửa. Nhưng mẹ chỉ vuốt tóc tôi nói, “Mau đi làm bài tập đi.” Việc này trót lọt lần đầu, tất có lần sau. Lần thứ hai khi tôi sửa điểm, tay hơi run, khiếm điểm số bị vạch thêm một cái đuôi dài. Thế này hỏng rồi. Trên đường về nhà, tôi càng nghĩ càng sợ. Tôi đã lừa dối mẹ, lần này chắc chắn không bỏ qua. Thế là, tôi ra một quyết định, ném bài thi xuống rãnh nước.
Về đến nhà, mẹ tôi chưa hỏi điểm ngay. Sau mấy ngày tâm trạng lo lắng bồn chồn không yên, cuối cùng tôi cũng không nhịn nổi, chạy tới trước mắt mẹ, kể hết sự tình và nhận lỗi. Tôi nghĩ nhất định mẹ sẽ đánh tôi thật đau, nhưng mẹ chỉ nói một câu, “Biết sai là tốt, mong sau này con sẽ là đứa trẻ thành thật.”
Mẹ tôi tận tâm rèn giũa và giáo dục tôi như thể mài dũa một viên ngọc thô. Chính mẹ đã dạy cho tôi thế nào là chặt chẽ và thực dụng, thế nào là phẩm hạnh và lễ nghĩa, thế nào là niềm vui và sự ấm áp, thế nào là trung hiếu và thành tín. Tất nhiên, đây là những điều tôi tổng kết được sau khi đã khôn lớn và có kinh nghiệm sống.
Ảnh hưởng của cha
Với một đứa con trai như tôi, cha là người nghiêm khắc và xa cách. Trước khi tôi đi Mỹ năm 11 tuổi, cảm giác mà cha mang đến cho tôi là sự trầm mặc và bí ẩn. Ấn tượng sâu sắc nhất cha để lại trong tôi, chính là hình ảnh cha ngồi cả ngày trong phòng làm việc, hoặc dáng đi thong thả dềnh dàng của cha, hoặc cha đang không ngừng viết sách.
Cha rất ít nói chuyện, cũng không hay chọc các con cười. Vì thế, cảm giác của chúng tôi, tình yêu của mẹ giống như ánh sáng mặt trời, ấm áp, vô tư và trong trẻo, còn tình yêu của cha giống như ánh sáng mặt trăng, điềm đạm, lý tính, và mơ hồ.
Tôi từng cho rằng cha không yêu tôi. Cha rất hiếm khi bày tỏ cảm xúc. Khi tôi dần trưởng thành mới phát hiện ra cha cũng có “ngôn ngữ tình yêu” riêng. Ví dụ như cha thường nhân lúc ra ngoài tản bộ để gọi tôi cùng đi học, như thế, chúng tôi có thể có một đoạn đường ngắn đi bên nhau. Đây có lẽ là khoảng thời gian riêng tư duy nhất của hai cha con. Bây giờ nghĩ lại, cha lúc nào cũng đem tình yêu giấu sâu trong hành động, khiến cho ánh sáng của mặt trăng bị ánh nắng mặt trời làm cho trở nên yếu ớt.
Hy vọng ngày sau con không làm cho chính mình thất vọng!
Học lớp bốn, tôi thấy bên ngoài trường có sạp bán hình nhân vật hoạt hình rất hay, bèn nảy ra ý định sao mình không đi bán cái đó, thế là tôi cũng mở một sạp như vậy trước cổng trường để kiếm tiền. Ý tưởng mới này khiến tôi vô cùng hưng phấn.
Hôm đó, tôi nói ý tưởng với đám cháu của mình lập tức được tụi nhỏ hưởng ứng. Nhưng buôn bán phải có tiền, mà trẻ con thì tất nhiên không có rồi. Tôi bèn “mượn” trong ngăn tủ của cha vài ngàn yên Nhật (yên Nhật ở Đài Loan không dùng được nên cha tôi sẽ không chú ý), sau đó cùng với mấy đứa tiểu quỷ chạy đến ngân hàng Đài Loan đổi yên Nhật thành Đài tệ để mua hàng hóa. Không ngờ, ngân hàng nhìn thấy chúng tôi là mấy đứa trẻ còn cao chưa tới quầy giao dịch, lại đổi một đống tiền lẻ, bèn đuổi thẳng chúng tôi ra ngoài.
Thế là việc buôn bán không thành, tôi liền lén đem tiền trả lại chỗ cũ. Không ngờ, ngăn tủ bị khóa, không mở được. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định mang tiền ném vào giữa hai khe tường, sau đó coi như không có chuyện gì xảy ra.
Nhưng “giấy không gói được lửa”, đám cháu của tôi đem thiên cơ này tiết lộ với bố mẹ chúng, làm lộ toàn bộ bí mật của tôi.
Cha tôi biết toàn bộ câu chuyện “trộm tiền”. Có thể tưởng tượng được, khi ấy tâm trạng tôi khủng hoảng đến mức độ nào, hệt như đó là ngày tận thế vậy. Cha không giống như mẹ, ông là người nghiêm khắc lạnh lùng. Tôi nghĩ lần này nhất định sẽ rất kinh thiên động địa. Thế nhưng, sự bình tĩnh của cha lại khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng, cha chỉ gọi tôi đến trước mặt và nói, “Hy vọng ngày sau con không làm cho chính mình thất vọng!” Sau đó, cha bỏ đi.
Câu nói của cha dội vào tai tôi như một tiếng chuông, sức mạnh của nó khiến tôi vô cùng hổ thẹn, cái cảm giác hối hận và tự ti không biết từ đâu ập đến khiến tôi rũ xuống. Từ đó về sau, lúc nào tôi cũng nhớ câu nói ấy, giống như một người canh giữ thành trì của lương tâm, giúp tôi tự nhủ rằng, không bao giờ được làm cho chính mình thất vọng.
Nguồn: Tự truyện Lý Khai Phục – Thế giới khác đi nhờ có bạn