fbpx

M&A mát tay như Masan: Tròn 1 năm thâu tóm Phúc Long

Quy mô doanh thu của Phúc Long trong năm 2022 được dự báo có thể vượt qua chuỗi đồ uống đang đứng đầu thị trường là Highlands Coffee.

Tháng 5/2021, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) công bố thỏa thuận mua lại 20% cổ phần CTCP Phúc Long Heritage (đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long) với giá 15 triệu USD. Khi ấy, Phúc Long được định giá 75 triệu USD.

8 tháng sau, Masan chính thức thâu tóm Phúc Long khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% với 31% cổ phần mua thêm trị giá 110 triệu USD, tương đương mức định giá 355 triệu USD. Tức, chưa đầy một năm, giá trị Phúc Long tăng gấp 5 lần.

Kể từ khi có tin đồn thâu tóm, nhiều câu hỏi đã đặt ra cho Masan về việc ông lớn này sẽ xoay sở ra sao khi thị trường chuỗi đồ uống tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều thương hiệu mới tham gia nhưng cũng có nhiều thương hiệu phải bỏ cuộc giữa đường. Thậm chí, những doanh nghiệp với tiềm lực tài chính mạnh, tham gia lâu năm như The Coffee House hay Trung Nguyên,… vẫn chưa ghi nhận lãi.

Tròn một năm, giờ là lúc có thể nhìn lại xem những gì Phúc Long đã đạt được sau khi về dưới trướng ông trùm bán lẻ – tiêu dùng Masan Group.

Mua nền tảng phục vụ chiến lược chung

“Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua ‘nền tảng’ phục vụ chiến lược chung của Masan”, Tổng giám đốc tập đoàn ông Danny Le đã nói như thế sau những thương vụ M&A đình đám.

Phúc Long chỉ là điểm khởi đầu cho chiến lược xây dựng chuỗi cửa hàng đa dịch vụ của Masan Group – khách hàng được phục vụ nhiều sản phẩm và dịch vụ tại duy nhất một điểm đến, qua đó góp phần tăng doanh thu bằng cách cross-sell (bán chéo), upsell (bán thêm sản phẩm) thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết.

Trong suốt năm 2021, Masan đã đẩy nhanh mô hình “mini-mall” qua sự kết hợp của kiosk Phúc Long với WinMart+. Dựa trên thử nghiệm này, Masan đã tiến xa hơn khi xây dựng mô hình mini-mall, tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một điểm phục vụ duy nhất.

Trong năm 2021, 5 cửa hàng thí điểm hoạt động theo mô hình mini-mall đã giúp gia tăng 30% lưu lượng khách hàng so với cửa hàng trước khi áp dụng mô hình này. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng/ngày. 

Trong năm 2022, Masan đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo 5 hình thức khác nhau, dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn ở các cửa hàng mới mở cũng như cửa hàng hiện có của WinCommerce (đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+).

Chia sẻ về quyết định mua Phúc Long, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group cho hay: “Đây chỉ mới là điểm khởi đầu trên con đường xây dựng hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, giúp đẩy mạnh tăng trưởng và mang đến các giá trị vượt trội.

Masan đặt mục tiêu chuyển đổi WinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline”.

Biên lợi nhuận gộp tăng gấp đôi, số lượng cửa hàng ở top đầu

Số liệu chúng tôi có được, trước khi về tay Masan, dù doanh thu cao, song lợi nhuận sau thuế của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017.

Doanh thu tăng trưởng đều và chưa ghi nhận lỗ, nhưng đáng lưu ý biên lợi nhuận gộp của Phúc Long cũng chỉ rơi quanh mức 35%, khá thấp nếu so với Highlands Coffee 68% và The Coffee House khoảng 70%.

Tuy nhiên, sau một năm có sự tham gia của Masan Group, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Phúc Long đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 68,6% và biên EBITDA đạt 18,3%.

Doanh thu thuần 2 tháng của quý I/2022 được hợp nhất vào báo cáo tài chính Masan đạt 257 tỷ đồng, trong đó 70% đến từ các cửa hàng lớn (flagship), 14% từ các kiosk và còn lại từ các cửa hàng nhỏ và kênh bán hàng qua doanh nghiệp (B2B). Dự kiến, trong năm tài chính 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng, tức vượt qua quy mô doanh thu của chuỗi đồ uống đang đứng đầu là Highlands Coffee.

Về số lượng điểm bán, tính đến cuối quý I/2022, Phúc Long Heritage vận hành 78 cửa hàng flagship, 760 kiosk và 13 cửa hàng nhỏ. Thông tin từ phía đại diện Masan, tại thời điểm này, số lượng kiosk Phúc Long đã vượt quá con số 1.000 điểm bán. Với số lượng này, Phúc Long vươn lên trở thành một trong những chuỗi đồ uống có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam.

Năm nay, Masan có kế hoạch mở mới 100 cửa hàng flagship, 400 kiosk tại các điểm bán của WinCommerce. Phúc Long Heritage tiếp tục chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu tại các thành phố lớn cũng như đẩy nhanh việc mở kiosk tại các đô thị loại 2.

Đối với các cửa hàng flagship, để nâng cao giá trị thương hiệu, Phúc Long sẽ bổ sung thêm danh mục sản phẩm các thương hiệu cà phê. Trong khi các kiosk, Phúc Long Heritage dự kiến xây dựng thực đơn mới với mức giá phải chăng giúp tăng lưu lượng khách hàng tại các điểm bán của WinCommcerce.

Giải mã thành công của Phúc Long

Với số liệu trên có thể thấy, trước khi về chung nhà với Masan, do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao, nên hiệu quả sinh lời của Phúc Long ở mức rất thấp. Nhưng điều này đã được cải thiện khi tích hợp giá trị giữa một bên là nhãn hàng và một bên là nhà phân phối như những gì Masan đang làm với The CrownX – công ty con của Masan nắm giữ lợi ích của Masan tại WinCommerce và Masan Consumer Holdings.

Ngay sau về với Masan, Phúc Long cũng đã được Techcombank bơm hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, khoản tín dụng 250 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng, nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm 100 tỷ đồng trong hạn mức tín dụng để Phúc Long bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, Phúc Long cũng sẽ được thừa hưởng hệ thống cửa hàng bán lẻ nhiều nhất Việt Nam của WinCommerce, đồng thời là tập khách hàng khổng lồ đến từ các chuỗi WinMart/WinMart+.

Trong khi đó, về phía Masan, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chia sẻ 4 lý do để rót tiền cho Phúc Long. Đầu tiên, Phúc Long đứng đầu thị trường bán lẻ các sản phẩm truyền thống được đổi mới từ trà & cà phê. Thứ hai, Phúc Long là một trong những thương hiệu bình dân được ngưởi tiêu dùng tin tưởng, đặc biệt biệt là phân khúc trẻ.

Thứ ba, Phúc Long hưởng lợi từ dưa địa tăng trưởng dồi dào tại thị trường miền Bắc nếu Phúc Long mở rộng từ thị trường TP HCM hiện tại, nơi đang tập trung 82 cửa hàng rộng 200 mét vuông. Cuối cùng, một điểm mạnh khác đó là Masan sẽ khai thác lợi thế của mô hình kiosk tích hợp giữa Phúc Long và WinMart+.

Nguồn: Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH LÀM GIÀU TỪ KINH DOANH

Tủ sách Làm giàu từ kinh doanh - Làm giàu từ kinh doanh

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề