MARGIN đang nóng thế nào?
Theo tổng hợp, một số công ty chứng khoán lớn như SSI, Bản Việt tiếp tục giảm giá trị cho vay kí quĩ trong quí II. Trong khi đó nhóm công ty chứng khoán ngoại như Mirae Asset (Việt Nam), KIS Việt Nam, Yuanta tăng cường giải ngân cho vay margin.
Top20 CTCK lớn nhất: Margin tăng 3.059 tỉ đồng so với cuối quí I
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quí II. Theo quan sát của người viết, hầu hết giá trị cho vay kí quí (margin) của các công ty đều cao hơn so với thời điểm kết thúc quí I. Tuy nhiên, giá trị vay margin lại đang thấp hơn so với thời điểm đầu năm 2020.
Dữ liệu được ghi nhận tại 20 công ty chứng khoán cho vay margin lớn nhất thị trường, tổng giá trị cho vay kí quĩ tại 30/6 khoảng 44.400 tỉ đồng, tăng 3.059 tỉ đồng so với cuối quí I nhưng giảm 3.357 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm nay.
Hai yếu tố có thể giải thích cho việc tăng margin tại thời điểm cuối quí II đó là thị trường vừa trải qua giai đoạn tăng giá và sự tham gia của lớp nhà đầu mới.
Sau khi lao dốc trong quí I do tác động của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp hồi phục mạnh mẽ trong quí II, điển hình trong tháng 4 và 5. Đây có thể là một yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư trên thị trường gia tăng sử dụng đòn bẩy trong đầu tư.
Nguyên nhân khác của việc tăng margin là việc tham gia thi trường của “nhà đầu tư F0”. Theo tổng hợp, số lượng tài khoản mở mới trong quí II là 106.321 tài khoản, tập trung là nhà đầu tư cá nhân trong nước với 105.570 tài khoản mở mới.
Mirae Asset đứng đầu về cho vay margin, HSC vượt SSI
Về hoạt động cho vay margin tại các công ty chứng khoán, nhóm các công ty chứng khoán ngoại tiếp tục tăng giá trị cho vay kí quĩ trong quí II.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dẫn đầu về giá trị cho vay kí quĩ trên thị trường với 8.225 tỉ đồng. So với thời điểm cuối quí I, giá cho cho vay margin của công ty chứng khoán này tăng gần 1.400 tỉ đồng. Đây cũng là công ty chứng khoán có tăng trưởng cho vay kí quĩ mạnh nhất thị trường trong quí II.
Công ty chứng khoán Hàn Quốc khác là KIS Việt Nam cũng gia tăng cho vay margin gần 660 tỉ đồng trong quí II. Tính đến 30/6, giá trị cho vay kí quĩ của KIS Việt Nam đạt 3.022 tỉ đồng, tăng 227 tỉ đồng so với đầu năm.
Cùng xu hướng trên, Yuanta Việt Nam gia tăng cho vay margin lên 1.737 tỉ đồng tính đến cuối quí II. Cho vay kí quĩ tại MayBank Kim Eng lại giảm 263 tỉ đồng so với thời điểm 31/3, ghi nhận ở 1.375 tỉ đồng.
Tại nhóm các công ty chứng khoán trong nước, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) vượt Chứng khoán SSI (Mã: SSI) về giá trị cho vay kí quĩ để trở thành công ty có qui mô cho vay margin lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, tổng giá trị cho vay margin của Chứng khoán HSC tính đến 30/6 là 4.267 tỉ đồng, tăng 744 tỉ đồng so với ngày 31/3, nhưng giảm 414 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Về phía SSI, công ty chứng khoán này tiếp tục giảm giá trị cho vay margin so với thời điểm cuối quí I. Tính đến 30/6, tổng giá trị cho vay kí quĩ của công ty chứng khoán này là 3.894 tỉ đồng, giảm 83 tỉ đồng so với cuối quí I và giảm 1.392 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Theo tổng hợp, Chứng khoán SSI là công ty chứng khoán có động thái giảm qui mô cho vay kí quĩ lớn nhất trên thị trường trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngoài SSI, công ty có thị phần môi giới lớn thứ hai trên HOSE là Bản Việt (Mã: VCI) cũng giảm mạnh qui mô cho vay trong quí II xuống còn 1.912 tỉ đồng. Theo đó, giá trị cho vay kí quí của Chứng khoán Bản Việt giảm 1.050 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong nhóm 5 công ty chứng khoán dẫn đầu, TCBS tiếp tục gia tăng cho vay kí quĩ trong quí II, đạt 2.466 tỉ đồng tại ngày 30/6.
Ghi nhận tại nhóm các công ty chứng khoán cho qui mô vừa, giá trị cho vay margin tại thời điểm 30/6 tăng nhẹ so với cuối quí I. Đơn cử, Chứng khoán VNDirect (mã: VND) tăng giá trị cho vay margin 255 trong quí II lên 2.260 tỉ đồng.
Các công ty chứng khoán khác cũng gia tăng cho vay kí quĩ từ 100 – 300 tỉ đồng trong quí II như MBS (149 tỉ đồng), FPT (235 tỉ đồng), SHS (189 tỉ đồng), Bảo Việt (131 tỉ đồng), Tân Việt (115 tỉ đồng).
Như vậy có thể thấy rằng định hướng cho vay margin giữa nhóm công ty chứng ngoại và trong nước đang có sự khác biệt đáng kể. Trong khi các “ông lớn” trong nước dường như đang thận trọng hơn trong việc cho vay kí quĩ, các công ty chứng khoán ngoại lại “vung tiền” cho vay margin.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)