Mẫu hình Sao Hôm – Sao Mai và Tầm quan trọng của số ba trong phân tích nến Nhật
Cái tên Sao Hôm và Sao Mai “tam xuyên” ngụ ý nói rằng nếu mẫu hình đã hình thành thì sẽ rất khó để băng qua được ba con sông. Nói cách khác, mẫu hình Sao Mai tam xuyên tăng sẽ là hỗ trợ quan trọng và mẫu hình Sao Hôm giảm sẽ trở thành kháng cự chính yếu.
Lịch sử mẫu hình Sao Hôm – Sao Mai
Sao Kim là hành tinh phía trong tính từ Trái Đất, nó không bao giờ xuất hiện trên bầu trời mà quá xa Mặt Trời: góc ly giác đạt cực đại bằng 47,8 độ. Sao Kim đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, do vậy mà dân gian còn gọi là Sao Hôm , khi hành tinh này mọc lên lúc hoàng hôn, và Sao Mai, khi hành tinh này mọc lên lúc bình minh.
Tên đầy đủ của các mẫu hình Sao Hôm và Sao Mai là Sao Hôm tam xuyên (ba con sông) và Sao Mai tam xuyên.
Ban đầu tôi nghĩ chúng được đặt cái tên “tam xuyên” là vì mỗi mẫu hình đều có ba cây nến – tương tự ba con sông. Nhưng tôi khám phá ra nguồn gốc của cái tên này thú vị hơn nhiều. Nobunaga Oda, nhà quân sự đại tài cuối thế kỷ 16, là một trong ba vị tướng thống nhất Nhật Bản thời phong kiến. Ông lên kế hoạch đánh chiếm một thành trồng lúa rất màu mỡ. Lúa gạo là thước đo của sự giàu có, nên Nobunaga hạ quyết tâm chiếm bằng được nơi này bao nhiêu thì tướng lĩnh phe đối nghịch cũng kiên trì cố thủ bấy nhiêu. Thành trì màu mỡ này có ba con sông. Vùng đất được cố thủ kỹ càng đến mức Nobunaga khó lòng băng qua ba dòng sông này. Chiến thắng chỉ đến với ông khi binh sĩ của ông vượt sông thành công.
Cái tên Sao Hôm và Sao Mai “tam xuyên” ngụ ý nói rằng nếu mẫu hình đã hình thành thì sẽ rất khó để băng qua được ba con sông. Nói cách khác, mẫu hình Sao Mai tam xuyên tăng sẽ là hỗ trợ quan trọng và mẫu hình Sao Hôm giảm sẽ trở thành kháng cự chính yếu. Tuy nhiên, chiến thắng sẽ đến khi đội quân tấn công vượt được qua rào cản của “ba con sông” này. Điều này có nghĩa mức giá đóng cửa trên kháng cự của Sao Hôm (hoặc dưới hỗ trợ của Sao Mai) chứng tỏ đội quân của nguồn cung (hoặc nguồn cầu) đã chiếm kiểm soát chiến trường.
Tầm quan trọng của số ba (3) trong phân tích nến Nhật
Rất nhiều kỹ thuật của Nhật Bản dựa trên con số ba. Điều này phản ánh tầm quan trọng của con số này trong văn hóa Nhật. Ở Nhật Bản tiền hiện đại, số ba có gắn liền với những sự kết hợp thần bí. Cách nói “Quá tam ba bận” diễn tả niềm tin này (Quá tam ba bận, hay còn gọi là “Lần thứ ba may mắn” (Third time lucky). Là một câu “thành ngữ” có ý nghĩa rằng: Khi làm một việc gì đó, nếu tới lần thứ 3 mà vẫn không thành công, thì hãy nên dừng lại, để suy nghĩ và tìm cách khác hiệu quả hơn).
Những ví dụ khác của con số ba trong đồ thị nến bao gồm Ba chàng lính trắng, Ba con quạ đen, Ba đỉnh núi cùng biến thể, các mẫu hình Ba tượng Phật mà tôi vừa nhắc đến, mẫu hình Ba bước tăng, Ba bước giảm, và mẫu hình ba nến của Sao Hôm với Sao Mai.
Ngoài ra, nếu số ba được xem là số may mắn thì số bốn lại bị xem là con số mang điềm hung. Quan niệm này xuất phát từ lý do khá dễ hiểu: số bốn trong tiếng Nhật là shi, cùng âm với chữ tử. Bạn khó mà tìm thấy ghế ngồi số 4 trên hãng máy bay của Nhật hay phòng 304 trong khách sạn (ở bệnh viện lại càng hiếm hơn!). Xe ô tô “Renault 4” ra mắt ở Nhật Bản và thất bại thảm hại cũng đơn giản là vì con số ấy (Số bốn trong tiếng Nhật là shi, cùng âm với chữ tử, người Trung Hoa là người đầu tiên phát minh ra nỗi sợ con số 4 này. Sau đó các nước châu Á lấy tiếng Hoa làm gốc cũng dính luôn căn bệnh này, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Việt Nam. Và tất cả cách đọc số 4 và chữ “chết” của các nước này đều gần giống nhau).
Hà An
Nguồn: Trích từ sách Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
“Bộ vuốt” phân tích đồ thị cho những góc nhìn độc nhất về sức khỏe thị trường và những tín hiệu đảo chiều sớm