fbpx

Mẹo tiết kiệm 30% thu nhập cho năm mới từ chuyên gia

Phần lớn chúng ta thuộc lòng các mẹo tiết kiệm tài chính, nhưng rất khó ép bản thân nghiêm chỉnh tuân thủ kế hoạch. Nhưng sau đây là những điều cơ bản chuyên gia chia sẻ mà ai cũng dễ dàng làm được.

Làm thế nào để tiêu ít và tiết kiệm được nhiều, đồng thời không biến mình thành “lão hà tiện”? Dưới đây là năm lời khuyên có thể hữu ích, giúp bạn tiết kiệm được chí ít là 30% thu nhập trong năm 2018:

1. Mạnh tay cắt hết những khoản chi tiêu dễ dãi

Đây là sai lầm đa số người trẻ mắc phải, đặc biệt trong giai đoạn tuổi 20. Bạn có thể dễ dàng rút ví trong nhiều trường hợp, như đi du lịch, dùng bữa ở nhà hàng, những cơn mua sắm giảm giá bất tận, đi rất nhiều nơi và gặp rất nhiều người.

Khi túi tiền gần cạn, bạn bắt đầu cố gắng thắt lưng buộc bụng, nhưng cũng chẳng trụ được lâu.

Manisha Thakor, chuyên gia về chiến lược làm giàu dành cho phụ nữ ở công ty BAM Alliance, có một gợi ý thú vị: hãy soát lại tất cả các khoản chi phí, bao gồm những mục nhỏ nhất, và đánh dấu những khoản “đem lại niềm vui”.

Với cách làm này, danh sách “niềm vui” có thể có rất ít những khoản xa xỉ. Nó có thể đơn giản chỉ là một chiếc váy mới, chút đồ ăn vặt cho bữa tụ tập cuối tuần cùng nhóm bạn thân, lớp học yoga, vé xe cho chuyến đi chơi, quyên góp cho một số tổ chức từ thiện.

Hãy gạch bỏ những khoản chi không nhiều ích lợi: đôi sandal đi đau chân, vài món hàng đặt mua vì hứng thú nhất thời, những chai nước ngọt bạn ít khi uống.

Bạn nên tiến hành quy trình rà soát hàng tháng. Hãy ghi chú bên cạnh những gì thực sự giúp mỗi ngày của bạn trở nên phong phú và đầy ý nghĩa. Mỗi khi chuẩn bị rút ví, bạn nên cân nhắc có cần thiết hay không.

2. Sử dụng dịch vụ tin nhắn số dư tài khoản để nhắc nhở

Bạn thoải mái quẹt thẻ cả tháng, và có thể sững sờ khi kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng. Hãy đảm bảo rằng mình luôn luôn nắm rõ tài khoản còn bao nhiêu tiền.

Phương pháp này giống như lời nhắc nhở thường trực đối với bạn. Bạn sẽ kiểm soát các kế hoạch chi tiêu hàng ngày tốt hơn, giúp bạn tránh được cảm giác hốt hoảng mỗi lần kiểm tra tài khoản nếu trót tiêu quá nhiều.

3. Tự động ép mình tiết kiệm

Một cách tiết kiệm phổ biến là trích một khoản thu nhập để “bỏ ống”. Hạn chế là bạn khó tránh khỏi cám dỗ lấy tiền từ đó ra để tiêu bù trong cơn túng thiếu.

Bạn có thể tìm hiểu và sử dụng những dịch vụ ngân hàng sao cho hàng tháng, một phần thu nhập của bạn sẽ tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Bạn sẽ giảm được nguy cơ tiêu lạm vào phần tiết kiệm do loại tài khoản đó sẽ có những quy định ràng buộc, hạn chế riêng nhờ mẹo này.

4. Coi trọng vấn đề lương hưu từ thời trẻ

Dù bạn đang ở lứa tuổi 20 hay 30, bạn nên cân nhắc kế hoạch lúc về hưu càng sớm càng tốt. Hãy nghiêm túc tìm cách dành riêng một khoản tiền mỗi tháng, để bạn có thể an ổn hưởng tuổi già sau này.

5. Đặt ra mục tiêu để phấn đấu

Theo nhiều chuyên gia tâm lý học hành vi, mẹo tiết kiệm tiền cho một mục tiêu cụ thể mà bạn thực lòng mong ngóng là một cách tuyệt vời để bạn không ngẫu hứng mua sắm trong quá trình đó.

Giả dụ, đầu năm, bạn và người yêu đã lên kế hoạch và cùng bỏ ống nhằm dành tiền cho một chuyến du lịch dài ngày trong nửa cuối năm.

Bạn sẽ thường xuyên tự đặt lên bàn cân mỗi lần chuẩn bị tiêu tiền. Một bữa ăn tối ở nhà hàng gần nhà, hay một bữa tối ở khu trung tâm du lịch? Một lần cắt nhuộm tóc sành điệu, hay một căn phòng khách sạn có tầm nhìn tuyệt đẹp?

Với cách này, bạn sẽ cảm thấy chuyện nhịn chi tiêu, mua sắm trở nên dễ chịu hơn. Khoản tiết kiệm hôm nay chính là để dành cho chính bạn ở một thời điểm trong tương lai.

Nguồn: The Cut

Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm

Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng - Thái phạm

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề