fbpx

Millennial: Thế hệ trẻ hứng nhiều rủi ro nhất

Millennial là thuật ngữ tiếng Anh chỉ lớp người chào đời trong khoảng năm 1981-1996, hiện đang trong độ tuổi từ 24-39. Họ đóng vai trò lực lượng lao động cốt yếu, nhưng vừa vào đời là vấp đủ các kiểu khó khăn khi làm giàu. Khổ hơn cả là nhóm Millennial năm cuối (1996) chưa kịp xin việc làm đã gặp dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu nói chung đang tăng chóng mặt, ước tính có đến 2 tỷ lao động đã và sắp mất việc làm.

1,6 tỷ người thất nghiệp

Theo thống kê mới nhất vào nửa cuối tháng 6.2020 từ Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization-ILO), đại dịch Coronavirus đã buộc hàng trăm triệu lao động trên thế giới phải nghỉ việc. Chỉ riêng tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lên đến 30 triệu. Khắp khu vực Tây Âu, tình trạng mất việc làm vì đại dịch gia tăng. Trung Quốc – nơi bắt đầu của “nạn” Covid-19 báo cáo tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ so với trước đó. Tuy nhiên, họ đã không tính cả số lao động nhập cư đông tới 300 triệu người.

Cũng theo báo cáo từ ILO, hàng trăm triệu người mất việc nói trên mới chỉ là một phần của lực lượng lao động thất nghiệp toàn cầu, cụ thể là những người có công ăn việc làm chính thức. Ngoài họ, thế giới việc làm còn rất nhiều nhân công tự do, thời vụ, bán thời gian… Họ góp mặt trong mọi lĩnh vực ngành nghề và cũng không tránh khỏi khốn khổ vì Covid-19. Nếu tính cả các nhóm này, số lượng người thất nghiệp toàn cầu lên đến 1,6 tỷ người. Ngoài ra, còn khoảng 400 triệu người khác gặp khó khăn giữ việc làm. ILO ước tính Covid-19 đẩy chừng 2 tỷ người lao động vào tình cảnh đã và sắp mất việc.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development-OECD) cũng đưa ra các thông báo ảm đạm không kém. Thống kê tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vào tháng 5.2020 của họ cho thấy sự gia tăng mạnh chưa từng có. Trong phạm vi 34 quốc gia thuộc OECD (tất cả đều là những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới), tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 5,2% vào tháng 2 đột ngột nhảy vọt lên 5,6% vào tháng 3. Tháng 4 ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng hẳn 10,7% so với tháng 3, lên tới 14,7%. Canada cũng tăng 5,2% so với tháng 3, chạm mức 13%.

Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Bỉ… tuy không chênh lệch quá lớn như vậy trong vòng 1 tháng, nhưng nhìn chung đều tăng.

Millennial: Thế hệ trẻ hứng nhiều rủi ro nhất

Thế hệ kém may nhất

Xét từ năm đầu tiên của thế kỷ XX đến nay, nhân khẩu thế giới được chia làm 7 thế hệ: Generation (1901–1924), Traditionalist (Thế hệ Im lặng, 1925-1942), Baby Boomber (Thế hệ Bùng nổ Trẻ Sơ sinh, 1943-1960), Baby Busters (Thế hệ X, 1961-1981), Millennial (Thế hệ Y, 1981-1996), Gen Z (Thế hệ Z 1997-2012) và Alpha (Thế hệ Alpha, 2012-). Các Generation chỉ còn lượng dân số rất nhỏ, lớp trẻ nhất cũng đã 94 tuổi. Phần lớn các Traditionalist đã về hưu. Thế hệ Z mới có một số ngấp nghé “ngưỡng cửa vào đời” và thế hệ Alpha còn quá nhỏ. Lao động chính của toàn cầu rơi vào Thế hệ X (39-59 tuổi) và Millennial (24-39 tuổi), trong đó, Millennial đóng vai trò lực lượng cốt yếu, trẻ khỏe và giàu trình độ nhất.

Năm 2004, lớp Millennial đầu tiên (1981) tốt nghiệp đại học. Nền kinh tế toàn cầu đã qua gia đoạn bùng nổ sự tăng trưởng sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), sự phát triển có chiều hướng chững lại và thụt lùi. Phần lớn các doanh nghiệp đã đủ người lao động, không cần tuyển thêm nhân lực. Năm 2007-2008, nền kinh tế thế giới đột ngột rơi vào đại suy thoái. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ, với hàng loạt các ngân hàng lớn bị vỡ nợ. Thượng viện Hoa Kỳ buộc phải thông qua đạo luật ổn định kinh tế khẩn cấp, cho phép Bộ Tài chính chi đến 700 tỷ USD cứu hệ thống trung gian tài chính đang lâm nguy.

Từ Mỹ, đại suy thoái kinh tế lan ra toàn cầu. Theo thống kê quý I năm 2009, GDP của Latvia giảm hẳn 18%, Nhật Bản giảm 15,2%, Đức giảm 14,4% và Anh giảm 7,4%. Các nước đang phát triển cũng không tránh khỏi bị tác động nặng nề. Suốt 5 năm kế tiếp, nền kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu vực dậy. Vô số doanh nghiệp vừa và nhỏ không trụ nổi, lần lượt phá sản. Các doanh nghiệp lớn chống chịu tốt hơn, song buộc phải thu nhỏ quy mô, cắt giảm công nhân viên.

Ngược lại, số lớp Millennial tốt nghiệp đều đặn nối đuôi nhau. Họ có bằng cấp, tràn đầy ước mơ và sinh lực nhưng “không có đất dụng võ”. Trước năm 2018, tỷ lệ Millennial thất nghiệp luôn dao động trong khoảng 20-30%. Năm 2019, lớp Millennial cuối cùng ra trường. Thế giới chưa tặng họ cơ hội lập nghiệp nào đã rơi vào đại dịch Coronavirus. Theo thống kê hồi tháng 4 từ tổ chức Data for Progress, lượng lao động dưới 45 tuổi bị sa thải chiếm tới 52% (phần lớn là các Millennial), còn trên 45 tuổi thì chỉ 26%. Mặc dù Covid-19 không từ một ai, nhưng đặc biệt tồi tệ với thế hệ Millennial.

Millennial: Thế hệ trẻ hứng nhiều rủi ro nhất

Đến cái áo cũng phải thuê

Trái với cơ hội lập nghiệp ngày càng giảm, chi phí sinh hoạt, ăn học ngày càng cao. Trung bình, mỗi Millennial cần khoảng 33.000 USD (tương đương 766 triệu VNĐ) chi trả cho 4 năm đại học. Đa phần họ nợ người nhà hoặc ôm khoản nợ sinh viên kếch xù. Từ cuộn giấy vệ sinh cho tới bất động sản, thứ nào cũng lên giá. Lượng Millennial đứng tên sở hữu nhà đất ngày càng giảm. Tại Mỹ, tỷ lệ Millennial có nhà riêng vào năm 2005 là 43%, đến năm 2019 chỉ còn 37%. Tại Anh, lượng Millennial có nhà riêng hiện thời chỉ chiếm 34%. Số liệu thống kê từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong khoảng năm 1995-2016 cũng chỉ ra: chỉ có đúng 2% Millennial sở hữu khối tài sản và tiền mặt từ 1 triệu USD trở lên. Chưa hết, 40% trong số họ có được khoản này là do thừa kế.

Trước tình trạng “thất nghiệp + nghèo kiết xác”, các Millennial buộc phải xoay xở mà sống. Đầu tiên, họ lựa chọn thuê nhà thay vì mua. Nắm bắt xu thế, hàng loạt các doanh nghiệp, công ty bất động sản mở rộng cho thuê nhà riêng, căn hộ. Các cá nhân có dư chỗ ở cũng nhiệt tình giới thiệu mời thuê.

Trên khắp thế giới, thuê căn hộ/nhà tư dễ như đút tay vào túi. Người thuê cũng được phép tùy chọn thời gian thuê, sửa sang phòng ốc, sân vườn theo ý thích… Càng ngày, các Millennial càng chú trọng chăm chút chỗ ở thuê. Họ thích tự tay biến nó thành không gian độc đáo duy nhất, khiến những mặt hàng xây dựng dễ tháo lắp như giấy dán tường, gạch ốp giả bất thần đắt khách.

Sau thuê nhà là đến thuê đồ đạc nội thất, gia dụng. Từ giường tủ, bàn ghế cho đến nồi cơm, bếp ga đều có chỗ cho thuê. So với mua, tiền thuê rẻ hơn, lại tiện muốn đổi lúc nào cũng được (tất nhiên là phải trả thêm tiền). Một số Millennial thành ra “cuồng” thay đổi nơi ở, đồ đạc, vung hết tiền kiếm được vào việc “thử nghiệm các không gian sống, mốt nội thất khác nhau”. Lâu dần “quen mui thuê”, các Millennial thuê luôn quần áo, vật dụng cá nhân đắt đỏ. Các cửa hàng cho thuê trang phục dạ hội, hàng hiệu tới tấp mọc lên. Millennial không cần tốn quá nhiều tiền mà vẫn thoải mái diện đồ model, khoe giày dép, túi sách siêu sang “chảnh”.

Mặc dù thuê đồ hay thuê nhà không khó, nhưng hàng thuê có “xịn” đến mấy vẫn là của người ta. Tiền thuê lâu ngày gộp lại có khi còn cao hơn tiền mua. Đặc biệt là tới hạn phải trả lại rồi, Millennial tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Điều này khiến Thế hệ X (cha mẹ) và Baby Boomber (ông bà) không cách nào thôi lo lắng.

Nguồn: Doanhnhanplus

Thấu hiểu và kết nối với GEN Z trong quyển sách GEN Z – ĐỌC VỊ THẾ HỆ SỐNG ẢO

Gen Z - Đọc vị thế hệ Sống Ảo

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

 

Các viết cùng chủ đề