Mối quan hệ giữa tâm lý thị trường và dao động con lắc
Dao động của con lắc liên quan như thế nào đến cách mà hầu hết nhà đầu tư liên tục ra quyết định sai lầm vào những thời điểm sai lầm.
Mối quan hệ giữa tâm lý thị trường và dao động con lắc
Sự thay đổi trạng thái tâm lý của thị trường chứng khoán giống như chuyển động của một con lắc. Mặc dù trung điểm ở vòng cung được mô tả là “mức trung bình”, nhưng nó thực sự dành rất ít thời gian ở đó. Thay vào đó, con lắc hầu như luôn luôn dao động hướng về hoặc ra xa hai cực điểm trong vòng cung của nó. Nhưng bất cứ khi nào con lắc đến gần điểm cực đại thì không thể tránh khỏi việc nó sẽ quay trở lại vị trí cân bằng (ở giữa) dù sớm hay muộn. Trong thực tế, đó là sự chuyển động về một điểm cực đại để cung cấp năng lượng cho con lắc dao động quay trở lại.
Thị trường đầu tư dao động cực kỳ giống con lắc
– Giữa hưng phấn và trầm lắng.
– Giữa việc tôn vinh những phát triển tích cực và ám ảnh về những tiêu cực.
– Giữa giá quá cao và giá quá thấp.
Dao động này là một trong những đặc điểm đáng tin cậy nhất của thế giới đầu tư và tâm lý nhà đầu tư dường như dành nhiều thời gian hơn ở các thái cực so với tại điểm “cân bằng giữa hai thái cực.
Dao động trong thái độ đối với rủi ro
Đây là một chủ đề phổ biến len lỏi qua nhiều biến động của thị trường. Lo ngại rủi ro là thành phần thiết yếu trong một thị trường có lý trí, như tôi đã nói trước đây và vị trí của con lắc liên quan đến nó đặc biệt quan trọng. Mức độ lo ngại rủi ro không phù hợp là yếu tố chính gây ra quá nhiều bong bóng thị trường và sụp đổ.
Nói một cách đơn giản hóa nhưng không quá nghiêm trọng là dấu hiệu không thể tránh khỏi của bong bóng là thiếu đi sự lo ngại về rủi ro. Mặt khác, trong các vụ sụp đổ, các nhà đầu tư lại lo sợ quá nhiều. Lo ngại rủi ro quá mức khiến họ không mua được ngay cả khi giá cả không có sự lạc quan mà chỉ có sự bi quan và thấp một cách vô lý.
Ví dụ về thái độ đối với rủi ro của nhà đầu tư:
– Trong năm 2005, 2006 và đầu năm 2007, với mọi thứ diễn ra thuận buồm xuôi gió, thị trường vốn rộng mở và ít người tưởng tượng rằng thua lỗ có thể nằm ở phía trước. Nhiều người đã tin rằng rủi ro đã bị loại bỏ. Lo lắng duy nhất của họ là họ có thể bỏ lỡ một cơ hội. Nếu Phố Wall xuất hiện một sản phẩm tài chính mới và các nhà đầu tư khác đã mua và họ thì không, nếu sản phẩm ví như phép màu này thật sự có tác dụng thì điều đó sẽ khiến họ mất mặt và thua thiệt. Vì họ không quan tâm đến việc mất tiền, nên họ không nhất thiết phải mua với giá thấp, khoản bù rủi ro có đầy đủ hoặc nhà đầu tư có được bảo vệ hay không. Nói tóm lại là họ quá mạo hiểm.
– Sau đó là khủng hoảng tín dụng nở rộ vào cuối năm 2007 và 2008, mọi người bắt đầu lo sợ về một sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính thế giới. Không ai lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội, con lắc đã vung đến mức mọi người chỉ lo lắng về việc mất tiền. Do đó, họ đã chạy trốn khỏi bất cứ thứ gì có một chút rủi ro, bất kể lợi nhuận tiềm năng như thế nào và tìm đến sự an toàn của chứng khoán chính phủ với lợi suất gần bằng 0. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư lo sợ quá nhiều, bán tháo quá mức và xây dựng danh mục đầu tư của họ quá thiên về phòng thủ.
Vì thế những năm qua thị trường đã đưa ra một cơ hội rõ ràng để chứng kiến sự dao động của con lắc và cách mà hầu hết mọi người liên tục ra quyết định sai lầm vào thời điểm sai lầm. Khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp và giá đang cao thì các nhà đầu tư đổ xô đi mua và quên đi mọi sự thận trọng. Sau đó, đến khi xung quanh đều hỗn loạn và tài sản mất giá thì họ mất hết khả năng chịu đựng rủi ro và vội vàng bán tháo đi. Đây là cách mọi chuyện sẽ luôn diễn ra.
Như vậy, khi chúng ta nắm bắt và giữ được lý trí trong những lúc cảm xúc nhất của thị trường, ta có thể kiếm được những khoản đầu tư tuyệt vời hoặc chốt lời ở tại những thời điểm an toàn nhất. Và để không bị cuốn theo tâm lý bầy đàn ngay tại các điểm cực đại của dao động, nhà đầu tư cần phải có đủ sự hiểu biết để nhìn nhận được tình hình theo hướng logic nhất.
Happy Live Team
Trích lược từ sách Điều quan trọng nhất