[Cấu trúc tổ chức] Một ngày làm việc của những “Bố già châu Á” bận rộn đến mức nào?
Một bố già* làm việc chăm chỉ như thế nào? Đây là câu hỏi thật hấp dẫn. Ý kiến thường được chấp nhận là họ làm việc nhiều giờ mà nhiều người khác không thể làm được.
>> Xem thêm Cấu trúc trong bộ máy làm việc của những bố già
Phần 2: Nhiệm vụ của một “nô lệ trưởng”
Phần 3: Gweilo – Những “con chó tây theo đuôi ông chủ”
*Bố già là biệt danh của nhà báo Joe Studwell dành cho các ông trùm/ đại gia ở Đông Nam Á. Trong số họ, có 8 doanh nhân được Forbes ghi tên trong danh sách 25 người giàu nhất thế giới. 90% bọn họ đều là người có gốc gác Trung Hoa, đến làm ăn tại các nước Đông Nam Á, trải qua một quá trình “tiếp biến văn hóa” bằng bản năng của những “con tắc kè hoa” trở thành công dân địa phương, rồi trở thành các “bố già” thống trị nền kinh tế quốc nội, và thậm chí khuynh đảo nền chính trị của nước sở tại.
Thức giấc trước bình minh và coi khinh ngày lễ
Đổng Kiến Hoa, con trai đại gia vận tải biển, người đã trở thành đặc khu trưởng Hồng Kông đầu tiên và thường công khai nhắc đến những phương kế trong cuộc chạy đua của mình, cuối cùng cũng tuyên bố rằng, sự giảm sút về sức khỏe do phải liên tục làm việc 16-18 giờ mỗi ngày đã bắt buộc ông phải từ bỏ vị trí cao nhất trong chính quyền Hồng Kông. Các đại gia, từ Bao Ngọc Cương cho đến Lý Gia Thành đều được cho là những người luôn thức dậy trước bình minh và coi khinh khái niệm “ngày lễ”.
Không nghi ngờ về việc các bố già thường làm việc vào những giờ này. Nhưng bản chất một ngày làm việc của họ không phải là của một giám đốc điều hành bình thường. Như một cán bộ tài chính làm việc cho một đại gia Singapore, và cựu Giám đốc điều hành của doanh nghiệp gia đình Indonesia, đã phản ánh: “Họ làm việc chăm chỉ ư? Họ chỉ làm việc cho mối quan hệ của họ…”
Đây là một điểm phân biệt quan trọng. Xét theo mô hình quản lý kiểu phương Tây, các bố già thường được coi như là Tổng giám đốc điều hành. Nhưng trong thực tế, hoạt động của họ giống như những người Chủ tịch luôn luôn quá bận rộn: lập chiến lược, tìm kiếm các thương vụ, đàn đúm với đối tác, nhưng cuối cùng để cho những người khác thực hiện cụ thể những gì họ đã đề ra. Một môi trường hoạt động trong đó các mối quan hệ, sự ủng hộ chính trị và giấy phép là quan trọng hơn nhiều so với hiệu quả và sức cạnh tranh toàn cầu của một doanh nghiệp. Các bố già, và nhân viên hỗ trợ gần gũi của họ, dành nhiều thời gian để đảm bảo các bức ảnh của các đại gia chụp chung với các chính trị gia đang nổi được trưng bày tại văn phòng của họ (và ảnh của các chính trị gia hết thời thì được gỡ xuống), tổ chức các cuộc chơi gôn, bố trí nhà ở, du thuyền và khách sạn cho những người cần được ưu ái, giải quyết vấn đề những đứa con ương ngạnh của các chính trị gia và gửi quà tặng đi khắp thế giới.
Chơi gôn là chất bôi trơn trong hỗn hợp kinh doanh – xã hội
Trò chơi gôn là thành phần cơ bản của cái hỗn hợp kinh doanh – xã hội này. Hầu như không có ngoại lệ, các bố già đều chơi trò chơi này. Ví dụ, ở Hồng Kông, các đại gia đầu bảng như Lý Gia Thành, Robert Quách, Lý Triệu Cơ (tỷ phú Hồng Kông và chủ sở hữu Tập đoàn Nhà đất Henderson), Trịnh Dụ Đồng (sở hữu công ty kinh doanh đồ trang sức Chow Taifook) đều là những gôn thủ có thâm niên và một số trong bọn họ có sân riêng (bên kia biên giới Trung Quốc đại lục) để mời khách đến chơi.
Những nhà độc tài châu Á cũng là những người mê đánh gôn như điếu đổ. Suharto (tổng thống thứ nhì của Indonesia, giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia trong 31 năm kể từ khi trục xuất Sukarno vào năm 1967 cho đến khi phải từ nhiệm vào năm 1998) chơi hàng tuần, còn Marcos (tổng thống Philippines từ năm 1965 đến 1986) tuyên bố có thể sẵn sàng thách đấu với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới (vệ sĩ của ông ta bị kỷ luật vì đã lấy chân đá một cú đánh có tính chất cầu may và rất tồi của ông ta ra khỏi phần sân bãi gỗ ghề; những người cùng chơi nói ông ta không bao giờ ăn gian). Chơi gôn, hơn bất kỳ hoạt động nào khác, là chất bôi trơn xã hội của các doanh nghiệp lớn ở châu Á. Do đó, sân gôn là một phần của công việc.
Cũng tương tự như là dự đám cưới và đám tang của các đối tác kinh doanh và các chính trị gia – như người Hồng Kông gọi là “làm những việc đỏ và trắng”: đỏ là màu của một đám cưới Trung Quốc, trắng là màu của đám tang. Cũng như là kinh doanh trong cả khi ăn uống; các bố già hiếm khi ăn ở nhà.
Một ngày điển hình của Lý Gia Thành sẽ như thế nào?
Vì vậy, một ngày của bố già rất dài nhưng mang tính giao tiếp xã hội.
Vào một ngày điển hình trong cuộc đời của Lý Gia Thành, đại gia giàu nhất châu Á, Lý sẽ được đánh thức trước 6 giờ sáng và từ căn nhà trên đồi Deep Water Bay Road ở bờ nam đảo Hồng Kông đi xuống sân gôn chín lỗ bên cạnh bờ vịnh vào đúng giờ uống trà buổi sáng, 7 giờ. Ông có thể chơi với một hoặc vài tỉ phú khác, họ cũng có nhà ở gần Câu lạc bộ gôn Hồng Kông, cùng với một trong những người điều hành cấp cao của mình, hoặc với một đối tác kinh doanh mới mà ông muốn thăm dò.
Lý đến văn phòng vào lúc 10 giờ sáng. Kể từ khi hoàn thành tòa nhà 70 tầng – Trung tâm Cheung Kong án ngữ phía đông của khu kinh doanh ở trung tâm, văn phòng này ngự trên đỉnh một tòa tháp lắp kính và mạ cờ-rôm màu vàng, với một bể bơi có mái che. Công việc đầu tiên của Lý là kiểm tra xem báo chí có tin gì liên quan đến ông ta hay công ty của ông ta không. Ông nói được tiếng Anh, nhưng thích đọc tiếng Trung Quốc, do đó các phần có liên quan của các báo bằng tiếng Anh được dịch sẵn trước khi ông đến văn phòng. Lý cũng rất quan tâm đến những phóng sự nói về các công ty của mình.
Những người làm Lý giận dữ chắc chắn sẽ nhận được một cuộc gọi từ một trong các trợ lý thân cận của Lý hoặc một lá thư từ luật sư của ông. Như đã đề cập trước đây, Lý thường xuyên ra lệnh cho các công ty của ông cắt quảng cáo trên các báo chí đã làm cho ông bực mình. Khi có báo chí, giấy tờ, thư từ trong tay, Lý có thể nhấc điện thoại và nói chuyện với, hoặc cho gọi một hoặc nhiều nhà quản lý cấp cao đến. Hệ thống điện thoại báo cho họ rằng đó là Sếp Lớn đang gọi.
Lúc 11 giờ 30, Lý đã sẵn sàng để đi massage. Sau đó, ông dành một chút thời gian để tiếp tục các công việc hành chính đến trước bữa ăn trưa, lúc 13 giờ, chắc chắn cũng là một dạng làm việc. Sau khi ăn trưa, Lý làm việc tại văn phòng một vài giờ nữa trước khi về nhà lúc 4 giờ chiều, Lúc 5 giờ, có thể ông đi massage lần nữa, và sau đó, có lẽ, chơi bài với các đối tác kinh doanh lúc 6 giờ 30. Cuối cùng, một bữa ăn tối để làm việc trước khi nghỉ ngơi lúc 10 giờ tối, và chu kỳ mới lại bắt đầu.
>> Xem thêm Chân dung bố già thời hậu chiến:
Phần 1: Chân dung những bố già châu Á thời hậu chiến
Phần 2: Xuất thân bần hàn của các bố già Châu Á liệu có đáng tin?
Phần 3: Tính căn cơ có chọn lọc chảy trong máu các bố già
Nguồn: Sách Những bố già châu Á
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live