fbpx

Mua cổ phiếu và nắm giữ: đơn giản nhưng không dễ thực hiện

Ý tưởng mua cổ phiếu và nắm giữ trong một thời gian dài quả là đơn giản thật, nhưng…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó

Dưới đây là đồ thị giá cổ phiếu của Asian Paints trong suốt 19 năm qua (kể từ 5/2000) với mức tăng trưởng gấp 80 lần.

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
Giá cổ phiếu tăng 80 lần sau 19 năm, “Có vẻ mua và giữ là quyết định dễ dàng chứ nhỉ?”

Bộ não của chúng ta có xu hướng dự đoán theo sự thật đã xảy ra (hindsight bias) một cách hoàn hảo, theo đó khiến chúng ta tin rằng việc mua và nắm giữ cổ phiếu trong 19 năm là lựa chọn dễ dàng mà ai cũng có thể làm được. Rốt cuộc, điều duy nhất mà nhà đầu tư làm trong suốt 19 năm này là không gì cả.

Tôi ước đầu tư là hoạt động dễ dàng.

Tất nhiên, ý tưởng mua và nắm giữ các doanh nghiệp chất lượng cao trong một thời gian dài quả là đơn giản thật. Mọi người đều biết điều đó, và ngay cả những người không thực hành vẫn đề cao khi phương pháp này hiệu quả với hầu hết các doanh nghiệp chất lượng cao như lịch sử đã chứng minh hết lần này đến lần khác.

Nhưng điều quan trọng là phải hiểu được hành động “không làm gì” trong khoảng thời gian dài như vậy liên quan đến hàng trăm quyết định diễn ra trong nhiều tháng và nhiều năm.

Tất nhiên, quyết định mua cổ phiếu và quên đi trong 20 năm với hy vọng thu về lợi nhuận cao và khá nhiều câu chuyện cổ tích tương tự như vậy, hẳn bạn đã được nghe rất nhiều lần. Nhưng mặt khác, vô số người cũng kết thúc với sự ngu ngốc trong danh mục đầu tư của mình, hoặc các công ty tan rã khi họ nhận ra cha mình hoặc ông mình đã mua một số cổ phiếu và quên chúng sau 20 năm hoặc lâu hơn.

Dù sao đi nữa, hãy trở lại ví dụ cổ phiếu của Asian Paints.

Dưới đây là những biểu đồ giá cổ phiếu trong hành trình 19 năm, được chia thành nhiều biểu đồ mô tả giá cổ phiếu nhiều giai đoạn ba năm bắt đầu từ năm 2000 (2000-2003, 2003-2006,…)

Hãy xem xét vô số quyết định gần như vô hình và bị lãng quên của các nhà đầu tư hiếm hoi đã nắm giữ cổ phiếu trong 19 năm để đạt lợi nhuận gấp 80 lần.

Nhà đầu tư trên đã chứng kiến ​​cổ phiếu trải qua biến động mạnh trong giai đoạn 2000-2003, nhưng đã không bán…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
5/2000-5/2001: “Quá nhiều biến động trên thị trường! Doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả. Nên bán không? Không!”; 5/2000-1/2003: “Gần như không có lợi nhuận trong 3 năm! Nên bán không? Không!”

Sau đó anh ta thấy giá cổ phiếu chững lại trong một thời gian dài và sau đó tăng giá nhanh chóng trong giai đoạn 2003-2006, nhưng đã không bán…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
2003-2005: “Bình bình trong 2 năm. Chán quá! Nên bán không? Không!”; 1/2005-2/2006: “lợi nhuận tăng gấp 2,5 lần trong 15 tháng. Có nên chốt lời? Không!”, “Tình hình ngon đây! Nhưng cổ phiếu xây dựng và năng lượng đang lên! Nên bán không? Không!”

Sau đó, anh có thể phải đối mặt với sự cám dỗ liên tiếp của việc bán cổ phiếu để chuyển sang các cổ phiếu hot từ ngành xây dựng và năng lượng giai đoạn 2006-2008, và sau đó chứng kiến ​​cổ phiếu tan chảy với thị trường chung trong cuộc khủng hoảng 2008, nhưng đã không bán…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
7/2006 & 3/2007: “Mình có nên bán để mua cổ phiếu xây dựng và năng lượng không? Tất nhiên là không rồi!”; 2/2008-4/2009: “Biến động mạnh! Nên bán không? Không!”, “Các cổ phiếu khác giá rẻ như bèo! Có nên bán để đầu tư cổ phiếu khác? Không!”

Sau đó, anh trải qua khoảng thời gian ba năm tuyệt vời 2009-2012 khi cổ phiếu tăng gần gấp 5 lần và có thể nghĩ nó đang bị định giá cao, nhưng vẫn không bán…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
“Cổ phiếu tăng gấp 5 lần trong 3 năm. Nên bán không? Không!”

Rồi có thể anh đã lo lắng về định giá cổ phiếu tăng cao trong bối cảnh kinh doanh chậm lại và dự đoán không tốt từ các nhà phân tích và chuyên gia khác trong giai đoạn 2012-2015, nhưng vẫn không bán…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
9/2013: “Lợi nhuận quý giảm! Cầu yếu, đồng Rupee mất giá… Nên bán không? Không!”; 2015: “Cầu yếu, lợi nhuận dự báo giảm… Nên bán không? Không!”, “Cổ phiếu tăng gấp 3 lần trong 3 năm. Nên bán không? Không!”

Những lo lắng của anh ta sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi những vấn đề mới trong giai đoạn 2012-2018, như sự mất giá của đồng Rupee, giá dầu tăng, theo đó chi phí nguyên liệu tăng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng anh vẫn không bán…

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó
12/2016: “Giá dầu tăng, áp lực chi phí đầu vào ảnh hưởng đến lợi nhuận… Nên bán không? Không!”; 10/2018: Rupee giảm, giá dầu tăng, lợi nhuận giảm,… Nên bán không? Không!”

Và tất nhiên, trong 19 năm này, ngoài rất nhiều quyết định lớn như vậy, sẽ có hàng trăm quyết định nhỏ mà nhà đầu tư sẽ phải đối mặt để tiếp tục mua vào và không bán cổ phiếu.

Chẳng hạn, nhà đầu tư trên đã chiến đấu với việc:

  • Bảng giá điện tử thay đổi từng phút, ngày, tuần, tháng và đôi khi giá giảm hơn 10% hoặc 20% trong một tháng.
  • Nỗi sợ mất nhiều tiền hơn sau sự cố giảm giá cổ phiếu và giải ngân trên khoản đầu tư còn lại.
  • Nhận dè bỉu từ các nhà đầu tư đồng nghiệp đang hút lợi nhuận từ các cổ phiếu nóng.
  • Cám dỗ chốt lời sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh.
  • Suy nghĩ về việc bán và tái đầu tư vào các cổ phiếu khác đang tăng nhanh (như ngành năng lượng và xây dựng trong năm 2006 và 2007).
  • Suy nghĩ về việc bán vì các chuyên gia cho rằng cổ phiếu đã bị định giá quá cao,
  • Lời khuyên bán ra từ cố vấn tài chính để cân đối lại danh mục đầu tư.
  • Suy nghĩ về việc bán sau lần đầu tiên kiếm được gấp 2; 5 hoặc 10 lần.
  • Các luồng tin tức cho thấy vài quý tới kinh doanh sẽ không tốt,…

Nói tóm lại, đối với nhà đầu tư hiếm hoi nắm giữ Asian Paints (hoặc các doanh nghiệp tương tự) trong 19-20 năm để tạo ra khối tài sản khổng lồ, đó không phải là một quyết định “mua rồi quên” đơn giản.

Trên thực tế, hành động “không làm gì” trong dài hạn được tạo thành từ hàng trăm quyết định nhỏ dẫn đến quyết định cuối cùng là “không hành động”.

Đây là bài học tuyệt vời cho nhà đầu tư tin tưởng vào sức mạnh của đầu tư dài hạn nhưng cũng tin rằng quyết định mua và nắm giữ các doanh nghiệp chất lượng cao thường dễ dàng.

Các doanh nghiệp thay đổi theo thời gian và cảm xúc, hành vi của các nhà đầu tư xung quanh chúng ta, các điều kiện trong thị trường chứng khoán, danh mục đầu tư của chúng ta cũng vậy. Và đó là lý do tại sao giữ nguyên cổ phiếu của doanh nghiệp chất lượng cao không đơn giản như những tưởng. Và đó là lý do tại sao kiên nhẫn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất và khó nhất mà người ta phải trau dồi khi đầu tư vào thị trường chứng khoán.

George Baker đã đưa ra một nhận xét mạnh mẽ được Thomas Phelps trích dẫn trong cuốn sách 100 to 1 in the Stock Market “Để kiếm tiền nhờ cổ phiếu, bạn phải có tầm nhìn để nhìn thấy chúng, sự can đảm để mua chúng và sự kiên nhẫn để giữ chúng”.

Mua cổ phiếu và nắm giữ: đơn giản nhưng không dễ thực hiện

Kiên nhẫn là thứ hiếm nhất trong ba đức tính trên, và không phải là kỹ năng dễ dàng phát triển. Nhưng nếu được phát triển và thực hành tốt, nó sẽ mang lại kết quả lớn lao trong dài hạn.

Đó là cách giàu có được tạo ra trên thị trường chứng khoán. Chỉ cần chuẩn bị cho công việc nắm giữ tẻ nhạt.

Và gắn bó với doanh nghiệp chất lượng khi nó vẫn còn chất lượng. Bởi vì nếu doanh nghiệp không chất lượng, mua và giữ sẽ không giúp bạn tạo ra sự giàu có mà là phá hủy nó.

Mua cổ phiếu và nắm giữ: dễ mà khó

Và cách này thì đơn giản lẫn dễ dàng.

Nguồn: Safalniveshak/ Happy Live dịch

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

tủ sách đầu tư giá trị

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề