Mỹ đau đầu vì gánh nặng nợ phình to
Nợ công của Mỹ vừa tăng lên mức kỷ lục mới. Đáng nói, gánh nặng nợ càng phình to khi chi phí đi vay trở nên đắt đỏ vì lãi suất tăng cao.
Theo New York Times, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết tổng nợ công của Mỹ lần đầu vượt ngưỡng 31.000 tỷ USD. Trong khi đó, lãi suất đang tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tìm cách hạ nhiệt lạm phát.
Trước đây, các nhà hoạch định chính sách cho rằng Mỹ có thể xử lý được khoản vay kỷ lục nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, lãi suất tăng cao đang khiến những khoản vay trở nên đắt đỏ.
“Chúng tôi đang ngày càng lo ngại về việc nợ và lãi suất đều đi lên”, ông Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành của Peter G. Peterson Foundation, chia sẻ. Ông nhận định nhiều người đã chủ quan về gánh nặng nợ vì cho rằng lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Các số liệu mới được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới đối mặt với nhiều biến động. Fed liên tục tăng lãi suất trong năm nay để đối phó với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến gánh nặng nợ của doanh nghiệp phình to.
Việc Fed thắt chặt chính sách cũng làm chao đảo các thị trường tài chính.
Theo ước tính của Peter G. Peterson Foundation, lãi suất tăng cao có thể khiến chính phủ liên bang phải trả thêm 1.000 tỷ USD tiền lãi trong thập kỷ này. Vào tháng 5, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính lãi vay phải trả đã tăng lên mức kỷ lục 8.000 tỷ USD.
Nếu lãi suất đối với nợ công tăng 1 điểm phần trăm so với ước tính của CBO trong vài năm tới, đến năm 2029, lãi phải trả của Mỹ có thể vượt chi tiêu cho quốc phòng.
Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0 trong đại dịch. Đến nay, lãi suất điều hành của Mỹ tăng lên 3-3,25%. Dot plot – biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC – cho thấy cơ quan hoạch định chính sách của Fed không có ý định cắt giảm lãi suất trước năm 2024.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – đã tăng 6,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo của giới quan sát.
Theo dot plot, 6 trong số 19 thành viên ủng hộ việc đưa lãi suất lên 4,75-5% vào năm tới, nhưng giá trị trung tâm là 4,6%, tức lãi suất sẽ khoảng 4,5-4,75%.
Thách thức với ông Biden
Nợ liên bang không giống một khoản vay thế chấp kỳ năm 30 năm với lãi suất cố định. Chính phủ liên tục phát hành nợ mới. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí đi vay cùng tăng giảm theo lãi suất.
Trong một báo cáo được đưa ra vào đầu năm, CBO đã cảnh báo về gánh nặng nợ ngày càng gia tăng của Mỹ. Cơ quan này cho rằng giới đầu tư có thể nghi ngờ về khả năng trả nợ của chính phủ liên bang.
Những lo ngại đó có thể đẩy lãi suất tăng cao hơn nữa, và tạo ra vòng xoáy khiến lạm phát leo thang.
Việc nợ công vượt ngưỡng 31.000 tỷ USD là thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trước đó, ông đã hứa sẽ tạo ra một con đường tài khóa bền vững cho Mỹ và giảm thâm hụt ngân sách liên bang 1.000 tỷ USD trong một thập kỷ.
Tình trạng thâm hụt xảy ra khi chính phủ chi nhiều hơn số tiền thu được từ thuế.
Theo ước tính chính thức, các chính sách của ông Biden đã khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm gần 5.000 tỷ USD kể từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức.
Ông đã đưa ra dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ, một loạt sáng kiến chi tiêu được Quốc hội Mỹ thông qua, và kế hoạch xóa nợ sinh viên dự kiến tiêu tốn 400 tỷ USD trong 30 năm.
Tháng 8, các quan chức ngân sách của Nhà Trắng ước tính thâm hụt trong năm tài chính 2022 là hơn 1.000 tỷ USD.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm giàu từ chứng khoán (phiên bản mới) + Hướng dẫn thực hành CANSLIM cho người mới bắt đầu
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)